Từ cuộc rút lui khỏi Cảng Sài Gòn
Cách đây hơn 10 ngày, tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn, hai đối tác chiến lược là Ngân hàng VP Bank và VietinBank đồng loạt gửi tờ trình xin thoái toàn bộ vốn góp tại đây. Số cổ phần mà VP Bank đang nắm giữ là 16,9 triệu cổ phần (7,44% vốn điều lệ, theo giá trị sổ sách là 185 tỉ đồng). VietinBank giữ 19,6 triệu cổ phần (9,07% vốn điều lệ).
Hai ngân hàng này mới trở thành cổ đông chiến lược của Cảng Sài Gòn hơn một năm nay, sau một quá trình dài tới hai năm xin hoán đổi nợ của công ty mẹ Vinalines lấy cổ phần ở công ty con là Cảng Sài Gòn.
Quá trình xin hoán đổi nợ lấy cổ phần không phải dễ do tại thời điểm các ngân hàng xin đổi nợ lấy cổ phần, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không có quy định cho phép thực hiện nghiệp vụ này. Tuy nhiên sau đó, tháng 6-2015, Chính phủ đã có Nghị định 60/2015/ NĐ-CP hướng dẫn và sửa đổi một số điều của Luật Chứng khoán, chính thức cho phép áp dụng nghiệp vụ này.
Trong số rất nhiều chủ nợ của Vinalines, mới có ba chủ nợ: VP Bank, VietinBank và TP Bank đạt được mục tiêu đổi nợ. Giá trị các khoản nợ được hoán đổi đều có giá trên 100 tỉ đồng.
Các cảng biển của Vinalines là nguồn sản sinh dòng tiền tốt nhất cho tổng công ty này trong những năm kinh doanh vận tải biển và logistics đi xuống. Đó là lý do mà các chủ nợ đề nghị lấy cổ phần để cấn trừ nợ.
Theo quy định của Nghị định 60, điều kiện đổi nợ lấy cổ phần là các đối tác hoán đổi nợ phải cam kết giữ số cổ phần đó trong vòng năm năm. Vậy tại sao mới hơn một năm sau khi nắm giữ cổ phần của Cảng Sài Gòn, các ngân hàng đồng loạt xin bán ra? Phải chăng vì Cảng Sài Gòn công bố báo cáo sau kiểm toán năm đầu tiên sau cổ phần hóa chuyển từ lãi thành lỗ? Theo công bố của Cảng Sài Gòn, việc phải hạch toán các khoản lỗ trước cổ phần hóa vào báo cáo tài chính sau cổ phần hóa tại các công ty liên kết như SSIT, SP-PSA và CMIT tại Cụm cảng số 5 Nam bộ tính đến hết năm 2015 (hơn 1.000 tỉ đồng) đã khiến lợi nhuận sau thuế vốn đã ít ỏi của Cảng Sài Gòn giảm mạnh và vốn chủ sở hữu đến hết năm 2015 cũng giảm tương ứng. Mức vốn này đã giảm từ 2.339 tỉ đồng xuống còn 1.300 tỉ đồng, giá trị cổ phiếu vì thế cũng giảm theo, ảnh hưởng đến giá trị vốn góp của các cổ đông.
VP Bank, khi xin thoái vốn, đã trình ra văn bản của NHNN tại thời điểm cho ngân hàng này đổi nợ thành vốn góp. Theo đó, tuy đồng ý cho VP Bank hoán đổi nợ nhưng NHNN đã lưu ý rằng phải sắp xếp thoái vốn tại đây mà không được nắm giữ lâu dài. Vì cho dù Nghị định 60 đã chính thức cho phép hoán đổi nợ thành cổ phần thì trong nội dung nghị định cũng nhấn mạnh là nếu các chủ nợ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện thì phải chịu sự điều chỉnh của các luật trong lĩnh vực chuyên ngành.
Hiện nay, Luật các tổ chức tín dụng không cho phép ngân hàng đầu tư vượt quá 11% vốn điều lệ tại một doanh nghiệp. Thông tư 36 của NHNN (tháng 2-2015) cũng không cho phép ngân hàng được cấp quá 5% vốn tự có cho một khách hàng. Tất nhiên cả VP Bank và VietinBank không rơi vào các trường hợp quá tỷ lệ cho phép nhưng sức hấp dẫn của vốn góp nay đã không còn.
Vì sao không được khuyến khích?
Ngoài chuyện vướng các quy định luật chuyên ngành, việc các ngân hàng không mặn mà theo đuổi việc hoán đổi nợ lấy cổ phần còn xuất phát từ một thực tế khác là tình hình sản xuất kinh doanh của một số công ty đề nghị đổi nợ không khả quan. Như trường hợp của Cảng Sài Gòn, doanh nghiệp có doanh thu rất lớn, hơn 1.000 tỉ đồng năm 2015 nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ có 85,5 tỉ đồng. Trong khi đó, tình hình kinh doanh trong những năm tiếp theo được dự báo là không khả quan do thay đổi địa điểm kinh doanh (di dời cảng), kế hoạch doanh thu năm 2016 tiếp tục giảm thêm và dự kiến sẽ không chia cổ tức. Bán các khoản vốn góp tại đây sớm, các ngân hàng có thể thu được giá trị cao hơn nếu tiếp tục để “rơi” giá.
Và dù các cuộc mua bán nợ dưới hình thức này có diễn ra thì nó vẫn không che được thực tế là việc hoán đổi nợ lấy cổ phần xuất phát điểm ban đầu chỉ là một hình thức cơ cấu nợ, làm đẹp sổ sách cho các ngân hàng. Còn trên thực tế, hiệu quả của hoán đổi nợ không cao, nên nhiều ngân hàng cũng không muốn theo đuổi mà Nhà nước cũng không khuyến khích thực hiện. Thậm chí, nếu NHNN cho phép một số ngân hàng hoán đổi nợ tại các công ty cổ phần có vốn góp của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) thì cũng không ai dám đổi vì các doanh nghiệp này đã tự phá sản hay chết lâm sàng từ nhiều năm nay và tất nhiên vẫn “ôm” theo cục nợ.
Cái vướng nữa là Nghị định 60 không quy định việc hoán đổi nợ thành cổ phần tại các công ty cổ phần có vốn nhà nước chi phối hoặc doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Thực chất nhiều doanh nghiệp nhà nước hiện nay là con nợ rất lớn tại các ngân hàng và có nhiều thời điểm hai bên muốn hoán đổi nợ để cân bằng sổ sách nhưng cho đến nay vẫn không có quy định cụ thể để thực hiện nên đành để đó.
Nghĩa là các bên vẫn phải đối diện với việc không thể thay áo mới hoặc tô vẽ cho những món tài sản xấu, những món tài sản chỉ còn lại trên giá trị sổ sách mà bài toán hoán đổi thực tế không giúp gì được nhiều.
Theo TBKTSG