Doanh nghiệp xăng dầu kêu lỗ khoảng 500 đồng/lít

Giá cơ sở đang thấp hơn giá bán lẻ xăng khoảng 500 đồng/lít. Tuy nhiên, nếu cơ quan điều hành cho xả quỹ bình ổn thì nhiều khả năng giá xăng sẽ không phải điều chỉnh tăng.
Giá xăng tăng hay không có khả năng sẽ phụ thuộc vào quyết định xả quỹ bình ổn của cơ quan điều hành.

Chiều 16/9, lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối, hiện chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ xăng dầu đang vào khoảng 500 đồng/lít. Theo đó, đợt điều chỉnh giá xăng dầu tới đây (dự kiến vào 18/9), giá xăng có thể tăng khoảng 500 đồng/lít.

Tuy nhiên, lãnh đạo một doanh nghiệp dầu mối phía Nam cũng cho hay, việc có tăng hay không còn phụ thuộc vào quyết định của cơ quan điều hành. Nếu liên bộ chấp thuận cho xả quỹ bình ổn thì khả năng giá xăng sẽ không phải điều chỉnh nữa.

Trong lần điều chỉnh gần nhất vào ngày 3/9, giá xăng được giảm gần 1.200 đồng/lít; các mặt hàng dầu giảm từ 111 - 785 đồng/lít, kg. Tính từ đầu năm, giá xăng đã giảm 7 lần (tổng cộng 5.586 đồng/lít) và tăng 4 lần (tổng cộng 5.040 đồng/lít). Giá xăng hiện tại đang thấp hơn cuối năm ngoái khoảng 500 đồng/lít.

Mặc dù giảm tương đối khớp với xu hướng giá thế giới nhưng cơ cấu giá xăng dầu Việt Nam vẫn được giới chuyên giá đánh giá rằng bất hợp lý khi phải gánh quá nhiều loại thuế phí, vốn đang chiếm quá nửa so với giá bán lẻ ra thị trường.

Trả lời báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận, trong cơ cấu giá xăng hiện có nhiều loại thuế phí, do đó, muốn tăng hay giảm bớt các chi phí để tạo điều kiện giảm giá xăng dầu đều được. Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng, thêm hay bớt phí phải phù hợp với tình hình thực tế.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, hiện giá xăng dầu của Việt Nam đã phù hợp với giá thế giới. Nếu so sánh với các nước trên thế giới, nhất là các nước láng giềng, thì giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam không phải ở mức cao. Thống kê từ 174 quốc gia và vùng lãnh thổ, trước lần điều chỉnh hôm 3/9, giá xăng của Việt Nam thấp thứ 47, thấp hơn so với Lào, Campuchia và Trung Quốc.

“Giá xăng dầu đang được điều hành bám sát với Nghị định 83 và diễn biến thị trường. Chúng ta phải nhập về, giá thế giới bán cao thì mình bán giá cao, giá thế giới giảm thì bán thấp. Nếu thấp quá sẽ xảy ra tình trạng buôn lậu sang các nước khác như Lào, Campuchia. Ngoài ra, cũng cần đảm báo vấn đề an ninh năng lượng trong bối cảnh giá liên tục giảm khiến doanh nghiệp không muốn nhập về nữa cứ nhập về bán lại lỗ”, Thứ trưởng nói.

Ngoài ra, một thông tin cũng đáng lưu ý có thể tác động tới giá xăng dầu trong thời gian tới là việc mới đây, trong văn bản gửi Bộ Tài chính về tỷ giá tính thuế trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Hiệp hội Xăng dầu đã đề nghị thay đổi phương án tính tỷ giá ngoại tệ để xác định tính thuế khâu nhập khẩu trong công thức tính giá thành cơ sở xăng dầu.

Theo các doanh nghiệp xăng dầu, việc áp dụng 2 tỷ giá trong điều hành giá cơ sở và tính thuế khâu nhập khẩu đã ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Cụ thể, ngày 19/8 Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá lên +/-3%. Theo đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng áp dụng từ ngày 19/8 là 21.890 VND/USD trong khi tỷ giá mua chuyển khoản do Vietcombank công bố cao hơn trên dưới 500 VND/USD.

Như vậy, hiện doanh nghiệp đang phải chịu phần chênh lệch tỷ giá mua chuyển khoản của Vietcombank ngày hôm nay (16/9) với bình quân liên ngân hàng lên tới 570 VND/USD. Nếu được tính theo tỷ giá chuyển khoản của Vietcombank, giá xăng dầu cơ sở chắc chắc sẽ tăng lên so với cách tính hiện tại.

Theo Dân trí