Doanh nghiệp “lạ” liên tiếp mua lại 5.000 tỷ đồng trái phiếu trong 1 tuần

VietTimes -- Một doanh nghiệp đã liên tiếp mua lại 5.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn ở thời điểm cận kề ngày đáo hạn. Đó là Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Thương mại Việt An - một cái tên còn tương đối xa lạ trên thị trường và nhất là mới quy mô thương vụ trái phiếu quá “khủng” mà nó phát hành.

Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Thương mại Việt An (Công ty Việt An) vừa công bố việc mua lại 5.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn đối với lô trái phiếu VAN122019.

Cụ thể, Công ty Việt An mua lại 1.000 tỷ đồng trái phiếu vào ngày 5/12 với giá 1.016 tỷ đồng và mua lại 4.000 tỷ đồng trái phiếu vào ngày 11/12 với giá 4.072 tỷ đồng.

Nửa đầu năm 2019, Việt An cũng đã thanh toán 183,26 tỷ đồng tiền lãi cho lô trái phiếu kể trên. Lãi suất lô trái phiếu này nằm ở mức 7,3%/năm - tương đối "mềm" nếu so với mặt bằng thị trường.

Lô trái phiếu VAN122019 được phát hành vào ngày 12/12/2018, có kỳ hạn 12 tháng, khối lượng 5.000 tỷ đồng. Như vậy, ngày 12/12/2019 sẽ là thời điểm đáo hạn của lô trái phiếu này.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Công ty Việt An lại chấp nhận mua trước hạn trái phiếu ở thời điểm rất gần với ngày đáo hạn (ngày 5/12 và 11/12 so với ngày đáo hạn 12/12)? Tại sao công ty này và các trái chủ không chờ thêm vài ngày nữa để trái phiếu đáo hạn và tiến hành tất toán theo trình tự?

"Khả năng họ thực hiện tái cấu trúc! Có thể ngân hàng đầu tư trái phiếu đã hết hạn mức cho một khoản tài trợ khác. Họ cần tất toán khoản này để mua/đầu tư/tài trợ cho khoản khác. Cũng không loại trừ khả năng, nhà phát hành mới/bên đi vay mới kia cũng thuộc cùng một "group" với Việt An" - một nhà tư vấn tài chính kỳ cựu phân tích với VietTimes.

Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Thương mại Việt An được thành lập năm 2013, tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Ecocons Hà Nội. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Việt An bà Trần Kim Quyên (sinh năm 1971).

Trong hai năm 2017-2018, Công ty Việt An điều chỉnh mạnh vốn điều lệ mạnh từ mức 276 tỷ đồng lên 4.025 tỷ đồng. Dữ liệu của VietTimes cho thấy, 3 cổ đông sáng lập Việt An đều là các thể nhân: Nguyễn Thị Thu Thủy, Bùi Hồng Minh và Trần Kim Quyên, với tỷ lệ góp vốn lần lượt 37,776%; 33,184% và 32,039%.

Như vậy, tính sơ theo vốn cổ phần và khoản huy động qua trái phiếu, quy mô tổng tài sản của Việt An sẽ đạt con số cả chục nghìn tỷ đồng - lớn đến đáng kể, kể cả so với các doanh nghiệp niêm yết lớn trên HNX và HoSE, chứ đừng nói là theo danh tiếng xa lạ của Việt An. 

Dữ liệu của VietTimes ghi nhận, Việt An từng có các giao dịch mua bán biệt thự cao cấp tại một dự án ở huyện Gia Lâm (Hà Nội), trong đó có giao dịch với Công ty TNHH Dịch vụ thương mại tổng hợp An Thịnh (An Thịnh).

An Thịnh được thành lập năm 2014, là nhà phát hành hai lô trái phiếu có mệnh giá 5.500 tỷ đồng đã được VietTimes đề cập trong bài viết gần đây. Trong đó lô ATH122019.01 kỳ hạn 15 tháng có lãi suất 7,93%/năm, lô ATH122019.02 kỳ hạn 14 tháng có lãi suất 7,25%/năm.

Nên nhớ, cả ba lô trái phiếu với tổng mệnh giá 10.500 tỷ đồng nêu trên đều được lưu ký bởi CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) - công ty con của Techcombank./.