Lĩnh vực hải quan và thuế được đánh giá là hai lĩnh vực đi tiên phong trong thực hiện triển khai Nghị quyết 19. Mặc dù có nhiều tiến bộ, song theo Viện trưởng Viện CIEM, đánh giá WB cho thấy thuế có cải thiện về thứ bậc nhưng ngành hải quan trong hai năm qua lại tụt bậc.
Nguyên nhân chính theo ông Cung, có tới ¾ công việc của hải quan liên quan đến các quy định chuyên ngành do các bộ và cơ quan chuyên ngành thực hiện. Do đó, nếu không cải thiện các chỉ số liên quan đến kiểm tra chuyên ngành thì rất khó để đạt được hiệu quả cải cách về hải quan.
“Đây là chỉ số cực kỳ quan trọng khi kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở. Chuyên gia nước ngoài đánh giá nếu ta giảm một ngày về thủ tục thì hàng năm ta tiết kiệm 1 tỷ USD. Tác động thủ tục này đến tăng trưởng kinh tế vĩ mô rất rõ, khi tạo thuận lợi hơn cho xuất khẩu tăng trưởng, giảm chi phí và giá trị gia tăng cao hơn, góp phần tăng GDP và công ăn việc làm, hoạt động kinh doanh của DN”, ông Cung nói.
Hiện nay, hoạt động kiểm tra chuyên ngành có tới hơn 300 văn bản, được đánh giá là không rõ ràng, không cụ thể, không nhất quán, thiếu tính tiên lượng, không minh bạch và hiệu quả… Thực tế này đã làm giảm hiệu quả cải cách của ngành hải quan và gây khó khăn cho thông quan.
Đơn cử, có văn bản yêu cầu kiểm tra 35% lô hàng xuất nhập khẩu trong khi các nước chỉ kiểm tra 5 – 6%; hoặc thực hiện chủ yếu tiền kiểm, mà không kiểm tra trên cơ sở rủi ro. Trong khi đó, hoạt động này liên quan đến hơn chục bộ, mỗi bộ lại có vài cục vụ liên quan, bên dưới có thêm các chi cục. Dẫn tới có đến vài trăm đơn vị liên quan kiểm tra chuyên ngành và hệ thống này gây thiệt hại và tốn kém cho DN.
Hiện Thủ tướng đã ra nhiệm vụ cải thiện toàn diện về kiểm tra chuyên ngành theo thông lệ quốc tế và kiểm tra hậu kiểm trên cơ sở rủi ro. Các cơ quan chức năng đã rà soát lại các văn bản song cũng rất khó khăn để ra các thông tư hướng dẫn hoạt động này.
“Cần hoàn thiện hoạt động kiểm tra chuyên ngành, từ việc ban hành văn bản, giám sát, làm thế nào để giám sát và đạt được hiệu quả như mong muốn” – ông Cung khuyến nghị.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nữa liên quan đến thái độ và động lực làm việc của công chức thuế, hải quan. Ông Cung cho rằng thái độ và động lực làm việc của các cán bộ chức năng là rất cần thiết để cải cách môi trường thuế và hải quan.
So sánh ví von, Viện trưởng Viện CIEM cho rằng các DN có thể sẽ không "sợ" Bộ trưởng Tư lệnh ngành, nhưng họ lại "sợ" ông trực tiếp thu thuế, hải quan. Bởi theo ông Cung, khi cán bộ thuế nói sai thì DN phải chịu sai, còn khi cán bộ thuế nói DN đúng thì DN được "đúng"
Do đó, ông Cung khuyến cáo: “Nếu Chính phủ ban hành chính sách tốt mà thực hiện không tốt thì mất lòng tin của DN và họ không làm theo”.
Theo InfoNet