Doanh nghiệp đòi nợ ngành thuế

Bà Vũ Thị Hoài Sơn, Giám đốc Công ty Tân Nhất Hương chia sẻ, cơ quan thuế đang “nợ” công ty bà gần 1 năm nay vào khoảng 21 tỉ đồng tiền hoàn thuế. Gọi là nợ vì cơ quan thuế đã ban hành quyết định hoàn thuế đã lâu nhưng tiền vẫn ở trạng thái treo, không biết bao giờ mới có.
Bà Sơn (áo chấm bi) chất vấn Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn tại buổi đối thoại hôm nay. Ảnh: Minh Tâm
Bà Sơn (áo chấm bi) chất vấn Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn tại buổi đối thoại hôm nay. Ảnh: Minh Tâm

“Chi cục thuế nói rằng quỹ hoàn thuế được rót về chỉ 17.000 tỉ đồng thôi, phải ưu tiên cho doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu. Nhưng đó là doanh nghiệp nước ngoài. Còn doanh nghiệp thương mại như bọn em mới là con đẻ. Tại sao không trả tiền hoàn thuế cho doanh nghiệp?”, đại diện của Công ty Tân Nhất Hương (TPHCM) đã tiến sát đến bàn chủ tọa, chất vấn Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn trong giờ giải lao của buổi đối thoại về thuế, hải quan với doanh nghiệp phía Nam mà ông Tuấn chủ trì, diễn ra hôm nay, 5-11.

Cũng theo bà Sơn, công ty bà còn hai bộ hồ sơ hoàn thuế nữa đã nộp nhưng chưa được cơ quan thuế ra quyết định hoàn. Và với tình hình bị nợ thuế thế này, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, phải đi vay tiền ngân hàng với lãi suất cao để phục vụ sản xuất kinh doanh vì trước đó đã tự bỏ tiền để trả cho đối tác (chiếm phần nhiều trong tổng số tiền chờ được hoàn). "Từ giờ đến cuối năm chúng tôi còn rất nhiều hồ sơ hoàn thuế", bà nói.

Bà Sơn cho biết mặt hàng Tân Nhất Hương xuất khẩu là các sản phẩm thực phẩm chế biến từ gạo. Khi doanh nghiệp khó khăn thì đồng nghĩa là hàng hóa của các đối tác sẽ tồn kho, ảnh hưởng đến người lao động.

Cách đây chưa lâu, tại hội nghị đối thoại với lãnh đạo Cục Thuế TPHCM diễn ra hôm 8-10, nhân viên của bà Sơn cũng đã đem câu hỏi bao giờ doanh nghiệp được hoàn thuế khi đã nhận được quyết định hoàn thuế từ 26-8. Và lãnh đạo Cục Thuế TPHCM lúc đó đã nói rằng sẽ ghi nhận và chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện.

Cũng cố gắng tiếp cận Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn ở thời gian giải lao ít ỏi còn có giám đốc của Công ty TNHH Xuất khẩu Uni (TPHCM). Đại diện Uni cũng muốn nhờ Thứ trưởng Bộ Tài chính giải đáp thắc mắc trường hợp của mình là đã hoàn tất hồ sơ hoàn thuế nhưng cơ quan thuế chưa ra quyết định hoàn với nhiều lý do.

Trao đổi với TBKTSG Online, đại diện Công ty Uni cho biết, hiện tại, công ty đã nộp bộ hồ sơ hoàn thuế lên cơ quan thuế quản lý trực tiếp, Chi cục Thuế quận 3, TPHCM. Tuy nhiên, khác với mọi lần, doanh nghiệp bị chuyển sang dạng kiểm tra trước, hoàn sau (lâu nay là hoàn trước, kiểm tra sau) khi số tiền đề nghị hoàn là 11 tỉ đồng, tăng đột biến so với các lần hoàn trước. “Số tiền đề nghị hoàn tăng cao vì cuối năm vừa rồi chúng tôi không xuất hàng mà lại dồn vào 3 tháng đầu năm nay”, đại diện Uni giải thích.

Đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp chưa nhận được quyết định hoàn vì cơ quan thuế yêu cầu xác minh thông tin, hồ sơ… “Vấn đề là đến nay, tổng số tiền thuế cần hoàn của chúng tôi đã lên 24 tỉ đồng. Tiền nằm chôn ở đây khiến doanh nghiệp rất khó khăn,” đại diện Uni chia sẻ.

Với những vướng mắc doanh nghiệp đưa ra trong giờ giải lao này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn vẫn bảo lưu ý kiến đã khẳng định từ đầu khi phát biểu khai mạc buổi đối thoại. Đó là không hề có chuyện ngân sách nhà nước không có tiền nên chậm trễ hoàn thuế. Nguyên nhân nằm ở phía doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ chưa đủ, doanh nghiệp quan hệ làm ăn với các đối tượng có rủi ro cao về thuế cũng như cơ quan thuế thiếu nhân lực…

Cũng ở phần phát biểu mở đầu buổi đối thoại, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, công tác hoàn thuế là một trong những điểm nóng thời gian qua, nhất là ở TPHCM. Bộ Tài chính đã tăng cường một bộ phận thực hiện việc giám sát và hỗ trợ công tác hoàn thuế tại Cục Thuế TPHCM.

Bên cạnh đó, thứ trưởng Bộ Tài chính cũng bày tỏ buổi đối thoại hôm nay sẽ bàn giải pháp để không chỉ giải quyết những khó khăn trước mắt mà còn xa hơn là tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Ông Tuấn cho rằng, về thuế thu nhập doanh nghiệp, mức thuế đã giảm từ 25% xuống còn 20% như hiện nay là đã tương đối cạnh tranh với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, những sắc thuế khác thì cũng cần bàn cách cải tiến, thay đổi sao cho gia tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, từ phía cộng đồng doanh nghiệp, ngoài chủ đề hoàn thuế kể trên, lãnh đạo nhiều công ty, hiệp hội ngành nghề còn phản ánh hàng loạt những khó khăn, vướng mắc và bất hợp lý khi thực hiện các thủ tục thuế, hải quan.

Đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp, chế xuất TPHCM (HBA) phản ánh, cơ chế Một cửa quốc gia đang được ngành hải quan áp dụng không hề liên thông như đáng nhẽ phải có. Bởi lẽ, hàng hóa không thể được cán bộ hải quan thông quan vì chưa có xác nhận của các bộ ngành, lúc là giấy kiểm định sắt thép, lúc là kiểm nghiệm hóa chất… Một giấy xác nhận nếu phải chuyển ra Hà Nội thì mất 1 tuần “đi”, 1 tuần “về”, ngay trong thành phố thì cũng vài ngày.

Đại diện HBA thẳng thắn, hiện tại các loại giấy xác nhận kể trên, tức là các giấy phép con rất nhiều và phá vỡ cơ chế 1 cửa quốc gia. “Một cửa nhưng rất nhiều chìa khóa”, ông ví von và nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt bằng tràng pháo tay của các doanh nghiệp ngồi dưới.

Theo TBKTSG