Doanh nghiệp công nghệ đa quốc gia tìm kiếm và đào tạo ứng viên từ trình độ THPT

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Do thiếu nhân lực chất lượng cao, một số doanh nghiệp công nghệ đa quốc gia định hướng tìm kiếm và đào tạo nguồn ứng viên từ trình độ THPT để phát triển chi nhánh tại Việt Nam. 
Do tính chất ngành CNTT hoạt động trên nền tảng trực tuyến nên các công ty về thuê ngoài (outsourcing) hay phát triển sản phẩm vẫn có nhu cầu tuyển các vị trí kỹ sư lập trình chưa cần nhiều kinh nghiệm. Ảnh minh hoạ.
Do tính chất ngành CNTT hoạt động trên nền tảng trực tuyến nên các công ty về thuê ngoài (outsourcing) hay phát triển sản phẩm vẫn có nhu cầu tuyển các vị trí kỹ sư lập trình chưa cần nhiều kinh nghiệm. Ảnh minh hoạ.

Thông tin trên được nêu ra tại báo cáo nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao tại thị trường Việt Nam quý 3/2020 và xu hướng tuyển dụng quý 4/2020 và đầu năm 2021, do Navigos Group vừa công bố.

Các nội dung này được xây dựng từ thông tin của trang tìm kiếm việc làm trực tuyến VietnamWorks và Công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search - vốn là 2 đơn vị thành viên của Navigos Group.

Theo báo cáo, trong quý 3/2020, các doanh nghiệp CNTT và bảo hiểm có nhu cầu mạnh về tuyển dụng số lượng lớn nhân sự phục vụ cho các dự án, cũng như tạo nguồn nhân sự cho tổ chức. Các vị trí chuyên viên tài chính tư vấn có sự gia tăng nhu cầu tuyển dụng trong mảng bảo hiểm.

Bên cạnh đó, do tính chất ngành CNTT hoạt động trên nền tảng trực tuyến, nên các công ty về thuê ngoài (outsourcing) hay phát triển sản phẩm vẫn có nhu cầu tuyển các vị trí kỹ sư lập trình chưa cần nhiều kinh nghiệm.

Một số công ty công nghệ đa quốc gia mới vào thị trường Việt Nam cũng đặc biệt tập trung vào tuyển dụng số lượng lớn nhân sự ngành IT để đáp ứng nhu cầu phát triển chi nhánh tại Việt Nam. Do số lượng nhân sự công nghệ chất lượng tại thị trường còn ít, nên các doanh nghiệp này có định hướng tìm kiếm và đào tạo nguồn ứng viên từ cấp trung học phổ thông.

Doanh nghiệp Nhật chú trọng tuyển các ứng viên giỏi tiếng Anh

Tại các doanh nghiệp Nhật trong lĩnh vực thương mại, nhu cầu tuyển dụng giảm đáng kể do COVID-19 trong quý 3/2020. Một số biện pháp được áp dụng tại các doanh nghiệp này là cắt giảm lương, cắt tháng lương thứ 13, cắt giảm thưởng.

Một điểm mới ghi nhận tại các doanh nghiệp Nhật là họ tăng nhu cầu tuyển dụng ứng viên người Trung Quốc và Hàn Quốc, cũng như các ứng viên chất lượng cao trong nước để tập trung vào khách hàng là các công ty Hàn Quốc, Trung Quốc và các tập đoàn lớn tại Việt Nam.

Một trong những xu hướng khác mà Navigos Search quan sát được trong giai đoạn này là các doanh nghiệp Nhật tăng cường tuyển dụng các ứng viên giỏi tiếng Anh và dần dần không còn tuyển nhiều vị trí hỗ trợ yêu cầu tiếng Nhật như trước kia. Điều này cho thấy các công ty Nhật tìm kiếm các ứng viên có kinh nghiệm chuyên môn thay vì chỉ tuyển các ứng viên giỏi tiếng Nhật trong vai trò phiên dịch hoặc trợ lý.

Trong thời gian tới, có 2 doanh nghiệp lớn của Nhật Bản trong lĩnh vực bán lẻ sẽ xuất hiện tại Hà Nội, hứa hẹn sẽ tăng nhu cầu tuyển dụng trong quý 4 và đầu năm 2021.

Xuất hiện các dự án năng lượng với vốn đầu tư lớn, ngành năng lượng có nhu cầu tuyển dụng cao trong 3 tháng và 6 tháng tới

Theo ghi nhận của Navigos Search, ngành năng lượng đang xuất hiện làn sóng đầu tư, hợp tác giữa các quốc gia châu Âu với các nhà phát triển năng lượng trong nước. Bên cạnh đó là sự tham gia của Mỹ trong việc xúc tiến và phát triển các dự án điện khí tại Việt Nam. Ngoài ra, đã có nhiều các dự án có quy mô lớn trên 2 tỉ USD phân bổ khắp 3 miền nhưng chủ yếu tập trung tại miền Trung và miền Nam. Do vậy, nhu cầu tuyển dụng trong ngành năng lượng dự báo sẽ tiếp tục tăng trong 3 – 6 tháng tới.

Dịch chuyển dây chuyền, nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam, ngành dệt may tăng nhu cầu tuyển dụng

Những chính sách mới về Hiệp định thương mại song phương, hiệp định thương mại đa phương (EVFTA) đã dẫn đến làn sóng dịch chuyển dây chuyền hoặc nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đã có những công ty, nhà máy dệt đã đăng ký kinh doanh hoặc xây dựng nhà máy mới tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, ngành này đã xuất hiện các nhà đầu tư mở rộng quy mô hoặc mới bước vào thị trường tại Việt Nam, chủ yếu là khối doanh nghiệp sử dụng tiếng Trung (HongKong, Đài Loan, Trung Quốc), các doanh nghiệp sử dụng tiếng Nhật và một số nhà đầu tư của châu Âu như Đức.

Một số doanh nghiệp dệt may mở rộng quy mô hoạt động như xây mới nhà máy, hoặc chuyển nhà máy từ nước khác sang Việt Nam hoặc chuyển đơn hàng từ nước ngoài về Việt Nam sản xuất.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp này có nhu cầu tuyển dụng lớn về nhân sự, trong đó có các vị trí cấp trung và cấp cao. Dự báo nhu cầu tuyển dụng này sẽ tăng trong 3 tháng tới và tăng mạnh trong 6 tháng tới.