Doạ “bêu” tên doanh nghiệp vận tải chây ì giảm giá cước liệu có khả thi?

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, với các trường hợp cố tình chây ì không giảm giá cước, để đảm bảo minh bạch, cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra ngay, xử lý nghiêm theo quy định và công bố công khai để toàn xã hội và người tiêu dùng biết.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trao đổi về vấn đề giá cước vận tải, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, giá xăng dầu được điều hành linh hoạt theo cơ chế thị trường, xu hướng giảm rõ rệt và sẽ tác động tích cực đến thị trường. So với thời điểm đầu năm 2015 thì giá xăng RON 92 giảm 550 đồng/lít, diesel 0,05S giảm 3.680 đồng/lít.

Theo đại diện Bộ Tài chính, trong bối cảnh nhiên liệu là một yếu tố cấu thành chính của giá thành vận tải có xu hướng giảm, các đơn vị kinh doanh vận tải phải điều chỉnh giảm giá cước vận tải theo quy luật của thị trường.

Trong trường hợp một số doanh nghiệp chưa giảm giá cước, cơ quan có thẩm quyền tại địa phương cần rà soát các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn.

Ông Tuấn cho biết, căn cứ chênh lệch giá nhiên liệu thực tế và phương án giá các đơn vị đã kê khai liền kề để yêu cầu các đơn vị kê khai lại giá cước, đặc biệt là những đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô đã kê khai tăng giá tại thời điểm giá xăng, dầu tăng trong những tháng đầu năm 2015 phải xem xét giảm ngay.

"Trường hợp cố tình chây ì không giảm giá cước, để đảm bảo minh bạch, cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra ngay, xử lý nghiêm theo quy định và công bố công khai để toàn xã hội và người tiêu dùng biết", ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, thị trường vận tải hiện nay là thị trường có sự cạnh tranh cao, các đơn vị kinh doanh vận tải không chỉ cạnh tranh bằng giá cước vận tải mà còn trên nhiều tiêu chí khác như chất lượng dịch vụ, an toàn....

Theo quy định, Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật; giá cước vận tải bằng xe ô tô do do doanh nghiệp vận tải tự quy định và niêm yết giá, kê khai.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính

"Chi phí nhiêu liệu là một trong các chi phí cấu thành giá thành vận tải, còn lại các chi phí khác như khấu hao, nhân công, bến bãi... tỷ lệ cơ cấu các khoản chi phí trong giá thành phụ thuộc vào quy mô của từng đơn vị, loại hình vận tải, loại xe.... Do đó, liên Bộ không quy định cụ thể tỷ trọng chi phí nhiên liệu. Giá cước vận tải bằng xe ô tô, do doanh nghiệp vận tải tự quy định và kê khai giá cước, niêm yết giá theo quy định", ông Tuấn cho biết thêm.

Cục trưởng Cục Quản lý Giá cũng khẳng định rằng, quan điểm Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp, các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô định giá theo cơ chế thị trường, Nhà nước giám sát thông qua kê khai, niêm yết giá của các đơn vị.

Theo đó, trường hợp tăng, giảm giá so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó trong phạm vi 3%, đơn vị không phải thực hiện kê khai lại mà chỉ phải gửi thông báo bằng văn bản về mức giá điều chỉnh cho cơ quan tiếp nhận văn bản kê khai giá trước khi áp dụng giá mới.

Từng đưa ra bình luận về vấn đề các doanh nghiệp vận tải chây ì giảm giá cước và các B như Tài chính, Giao thông Vận tải đưa ra hàng loạt chỉ đạo yêu cầu giảm giá cước, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cách thức quản lý giá xăng và giá cước vận tải đang có sự sai lệch xuất phát từ nhận thức của các nhà quản lý.

“Thay vì tìm nguyên nhân thực sự vì đâu các doanh nghiệp không chịu giảm cước thì hai Bộ Tài chính và Giao thông lại rà soát đăng ký giá rồi thanh tra doanh nghiệp, rồi ép doanh nghiệp giảm giá”, ông Cung nói.

Ông Cung cho rằng việc doanh nghiệp chây ì chưa chịu giảm cước, hoặc có giảm thì giảm rất nhỏ giọt xuất phát từ vấn đề cung cầu, nguyên nhân do thị trường kém cạnh tranh, thậm chí không có cạnh tranh, cầu lớn hơn cung.

Theo TÚ ANH (BizLIVE)