'Đọ' tài sản hai đại gia muốn mua Keangnam Hà Nội

Quỹ đầu tư quốc gia QIA và Ngân hàng Goldman Sachs là 2 ứng viên vượt trội trong số những đối tác đang muốn sở hữu tòa nhà cao nhất Việt Nam, sau khi tòa án Hàn Quốc đã quyết định rao bán toàn nhà Keangnam Landmark 72 với mức giá 770 triệu USD,
QIA đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Goldman Sachs
QIA đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Goldman Sachs

Mới đây, tòa án Hàn Quốc đã quyết định rao bán toàn nhà Keangnam Landmark 72 với mức giá 770 triệu USD. Trong trường hợp đối tác nào đưa ra giá trên 800 triệu USD sẽ có quyền đàm phán độc quyền để sở hữu tòa nhà này.

Được biết, thông tin rao bán Keangnam Landmarrk 72 đã xuất hiện tại Hàn Quốc từ hồi tháng 4, sau những bê bối của tập đoàn Keangnam được công bố. Đã có không ít tập đoàn, công ty ngỏ ý muốn mua lại tòa nhà cao nhất Việt Nam, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Quỹ đầu tư quốc gia QIA và Ngân hàng Goldman Sachs đang là 2 đối tác tỏ ra vượt trội và quyết tâm hơn cả.

Goldman Sachs Group là một ngân hàng đầu tư đa quốc gia, được thành lập năm 1869 và đặt trụ sở chính tại 200 West Street tại khu vực Hạ Manhattan củaThành phố New York.

Goldman Sachs tham gia vào các nghiệp vụ ngân hàng đầu tư, chứng khoán, quản lý đầu tư, và các dịch vụ tài chính khác với khách hàng chủ yếu là các tổ chức.

Với doanh số hơn 30 tỷ USD/năm cùng lực lượng nhân viên “siêu” hùng hậu gồm hơn 34.000 người, tổng tài sản hiện nay của Goldman Sachs ước tính lên tớn 700 tỷ USD. Chỉ riêng trong năm 2012, lãi ròng của tập đoàn này đã tăng 68%, đạt 7,5 tỷ USD và doanh số đạt 34,2 tỷ USD.

Goldman Sachs không chỉ là “ông trùm” quyền lực trong lĩnh vực tài chính mà còn chi phối trực tiếp về chính trị ở nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, đặc biệt ở Mỹ và EU.

Trong thương vụ Keangnam Hà Nội, Goldman Sachs ngỏ ý muốn mua lại khoản nợ tài trợ dự án trị giá khoảng 900 triệu USD và lập ra một công ty đảm trách việc mua lại tòa nhà với tư cách là cổ đông lớn nhất.

"Ông trùm" Goldman Sachs đang muốn sở hữu Keangnam Hà Nội

Về phía Qatar Investment Authority (QIA), đây là quỹ đầu tư của Qatar, chuyên đầu tư trong nước và nước ngoài. Quỹ được thành lập vào năm 2005, nhằm quản lý các khoản thặng dư dầu và khí đốt tự nhiên của chính phủ Qatar.

QIA là cái tên khét tiếng trong làng bất động sản thế giới, thậm chí bị gán tiếng nhà đầu tư "đục nước béo cò” bởi chuyên săn lùng các mảnh bất động sản béo bở đang gặp vấn đề. Trước thông tin rao bán Keangnam Hà Nội của tòa án Hàn Quốc, QIA đã đưa ra đề nghị mua lại với mức giá 800 triệu USD, nhằm sở hữu độc quyền và lâu dài tòa nhà này.

Tính tới thời điểm hiện tại, QIA là quỹ đầu tư quốc gia lớn thứ 9 thế giới với tổng tài sản ước tính lên tới 256 tỷ USD. Nguồn lợi nhuận của QIA chủ yếu thu về từ Qatari Diar – một công ty con về đầu tư bất động sản.

Con số “khổng lồ” này dự kiến sẽ còn tăng lên đáng kể khi Qatar hoàn thành dự án mở rộng để trở thành quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới với 77 triệu tấn công suất đầu ra.

Không chỉ thành công ở Ả Rập, Quỹ đầu tư này còn vươn mình mạnh mẽ ra nhiều quốc gia trên toàn thế giới, bao gồm Anh, Mỹ, Châu Á...

Tại Mỹ, QIA nắm giữ lượng cổ phần nhỏ trong hãng xe Mỹ Fisker Automotive và khoảng 17% cổ phần trong tập đoàn Volkswagen.

Tại Anh, Qatar Holding (công ty con của QIA) sở hữu tới 12,7 % cổ phần trong Barclays - tập đoàn ngân hàng lớn của nước Anh. QIA cũng nắm giữ 6% cổ phần tại Credit Suisse sau khi mua lại trụ sở chính của công ty này ở London. Đầu năm 2015, QIA thỏa thuận mua lại khu tài chính Canary Wharf, thuộc sở hữu tập đoàn Songbird Estates, với giá trị 2,6 tỷ bảng Anh (tương đương 4 tỷ USD).

Tại Châu Á, Qatar Holding đã đầu tư 5 tỷ USD vào các dự án hóa dầu ở Malaysia nhằm “biến” quốc gia này trở thành trung tâm hóa dầu hàng đầu của khu vực. QIA cũng đang lên kế hoạch đầu tư 200 triệu USD vào việc phát triển nhà dân dụng tại Ấn Độ. Ngoài ra, QIA đã ký kết một thỏa thuận với Tập đoàn CITIC Corp (Trung Quốc) để khởi động một quỹ có giá trị 10 tỉ USD để đầu tư vào đất nước đông dân nhất thế giới.

Keangnam Landmark Tower là tòa nhà cao nhất Việt Nam, nằm ở phía Tây Nam của Hà Nội. Tòa nhà có 72 tầng với diện tích sử dụng 610.000 m2. Tập đoàn Keangnam hàn Quốc đã đầu tư 1.200 tỷ won (hơn 1 tỷ USD) để xây dựng tòa nhà này.

Theo thông tin của Công ty Keangnam Vina - chủ sở hữu khu Keangnam Ha Noi Landmark Tower, trong số 3 tòa nhà cao tầng của tổ hợp Keangnam, có 2 tòa nhà chung cư cao 48 tầng với 922 căn hộ cao cấp, hiện đã lấp đầy khoảng 70 - 80% tổng số căn hộ.

Đứng sát bên cạnh, chung khối đế với các tòa chung cư này là tòa tháp Keangnam Landmark 72, cao 350 mét - cao nhất Việt Nam.

Tiện ích trong khu Keangnam Ha Noi Landmark Tower gồm có bể bơi, khu mua sắm Parson, rạp chiếu phim Lotte... Tuy nhiên, mới đây trung tâm mua sắm Parson tại tầng 1 của tòa tháp đã đóng cửa.

Tòa tháp Landmark 72 có khu vực văn phòng hạng A từ tầng 12 đến tầng 46, có view thoáng ra phong cảnh toàn TP.Hà Nội. Từ tầng 48 đến tầng 60 là khu căn hộ dịch vụ cho thuê, còn từ tầng 62 đến 70 là khách sạn Intercontinental. Điểm được nhiều người biết đến nhất của tòa nhà cao nhất Việt Nam là đài quan sát trên nóc tòa nhà. Ở độ cao 350 mét, khách thăm quan có thể ngắm toàn cảnh TP.Hà Nội từ trên cao.

Bên cạnh đó, hội trường lớn trong tòa nhà có sức chứa đến 2.000 người. Ngoài ra, trong khuôn viên khu vực tòa nhà cao nhất Việt Nam còn có khu tổ chức sự kiện ngoài trời, bar ngoài trời, bể bơi ngoài trời...

Theo Người đưa tin