Đô đốc Ấn Độ: Hải quân Ấn Độ xua đuổi tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế nước này

Con tàu "Thực nghiệm - 1" bị Hải quân Ấn Độ xua đuổi khi vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế  Ấn Độ.
Con tàu "Thực nghiệm - 1" bị Hải quân Ấn Độ xua đuổi khi vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế Ấn Độ.

VietTimes -- Các trang tin Đông Phương của Hồng Kông và Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 4/12 đưa tin, theo The Times of India, ngày 3/12, Đô đốc Karambir Singh, Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ, đã thông báo tại cuộc họp báo: Một “tàu chiến Trung Quốc” giả dạng gần đây đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế Ấn Độ ở biển Andaman và bị Hải quân Ấn Độ xua đuổi. Nguồn tin của giới quân sự Ấn Độ cũng cáo buộc con tàu này đã “hoạt động gián điệp” ở vùng biển của Ấn Độ.

Tin cho biết, con tàu đã đi vào vùng biển Ấn Độ hồi tháng 9, sau đó đã bị Hải quân Ấn Độ đuổi đi. Các nguồn tin quân sự Ấn Độ thừa nhận chiếc “tàu chiến Trung Quốc” có liên quan là con tàu mà phía Trung Quốc nói là tàu nghiên cứu khoa học có tên “Thực nghiệm - 1”. Nguồn tin cho biết con tàu này được phát hiện đang thực hiện các hoạt động nghiên cứu ở vùng biển Ấn Độ. Ấn Độ tuyên bố, con tàu đã đi vào khu vực này mà không có sự cho phép trước của Hải quân Ấn Độ.

Đô đốc Karambir Singh phát biểu tại cuộc họp báo: “Quan điểm của chúng tôi là: Nếu (nước nào) thực hiện bất kỳ hành động nào trong khu vực của chúng tôi đều cần phải thông báo hoặc có được sự đồng ý của chúng tôi”. Ông cũng nói rằng hiện tại mỗi ngày có trung bình 7 đến 8 tàu Trung Quốc xuất hiện trong khu vực này.

Đô đốc Karambir Singh: Tàu "Thực nghiệm - 1" của Trung Quốc bị Hải quân Ấn Độ xua đuổi vì vào vùng đặc quyền kinh tế Ấn Độ mà không thông báo và không được Ấn Độ cho phép.
Đô đốc Karambir Singh: Tàu "Thực nghiệm - 1" của Trung Quốc bị Hải quân Ấn Độ xua đuổi vì vào vùng đặc quyền kinh tế  Ấn Độ mà không thông báo và không được Ấn Độ cho phép.

 Truyền thông Ấn Độ nói, kể từ năm 2008 đến nay, Hải quân Trung Quốc đã duy trì sự hiện diện lâu dài ở Ấn Độ Dương và hầu hết được xuất hiện dưới hình thức biên đội tàu hộ tống chống cướp biển. Ấn Độ cảm thấy lo ngại trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Ông Singh nói: “Có một thực tế là họ (hải quân Trung Quốc) đang có mặt ở Ấn Độ Dương. Các tàu khảo sát biển đang hoạt động bình thường đã được chỉ thị thăm dò khoảng sản biển sâu ở một số khu vực”.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc nói, tàu nghiên cứu khoa học “Thực nghiệm -1” của Trung Quốc không phải là tàu chiến, cũng không thuộc Hải quân Trung Quốc. Theo trang web chính thức của “Sở Hải dương Nam Hải” thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, con tàu này là một tàu nghiên cứu biển xa (SWATH) thuộc lớp CCS lượng giãn nước 3.000 tấn của Trung Quốc, thuộc cơ quan này. Con tàu được trang bị hệ thống điều khiển tiên tiến, có thể đáp ứng nhu cầu điều tra khoa học toàn diện về thủy âm, vật lý, địa chất biển, sinh học biển, hóa học biển, môi trường khí quyển biển và các nghiên cứu khoa học liên ngành khác ở biển gần và viễn dương; có thể hỗ trợ quy mô lớn các nhiệm vụ triển khai, quan trắc, điều khiển, viễn thám và giám sát, là các nền tảng nghiên cứu âm thanh dưới nước hiệu suất cao và các thực nghiệm khoa học viễn dương của Trung Quốc.

Hiện chưa thấy phản ứng chính thức của giới quân sự hay ngoại giao  Trung Quốc trước tuyên bố của chỉ huy hải quân Ấn Độ.