Đồ ăn sẵn “chiếm lĩnh” bàn tiệc đêm Giao thừa của người Trung Quốc gây tranh cãi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Người Trung Quốc rất coi trọng bữa ăn đoàn tụ đêm Giao thừa đón năm mới. Năm nay, việc đặt bàn tại các nhà hàng đã "nóng", trong khi một số người đã bắt đầu mua nguyên liệu để chuẩn bị bữa tiệc thịnh soạn tại nhà.

Bữa tiệc đêm Giao thừa được coi là bữa ăn quan trọng nhất trong năm của người Trung Quốc (Ảnh: Toutiao)
Bữa tiệc đêm Giao thừa được coi là bữa ăn quan trọng nhất trong năm của người Trung Quốc (Ảnh: Toutiao)

Tuy nhiên, khác với những năm trước đây, năm nay dù tổ chức ở nhà hàng, khách sạn hay ở nhà riêng, những món ăn chế biến sẵn đều “chiếm lĩnh” các bàn tiệc đêm Giao thừa (có ý nghĩa tương tự bữa cơm Tất niên của người Việt Nam). Từ hai tuần trước, dù mới bước sang tháng Chạp, chủ đề “Đặt món ăn chuẩn bị cho bữa tiệc đêm Giao thừa” đã trở thành đề tài tìm kiếm nóng hàng đầu đang gây sốt trên mạng xã hội Weibo.

Năm nay, các sàn thương mại điện tử và siêu thị lớn đều đã tung ra thị trường nhiều sản phẩm món ăn chế biến sẵn. Cùng với nhu cầu đặt bàn ăn tại chỗ đang rất phổ biến, một số nhà hàng cũng đã tung ra combo bàn tiệc gia đình và các sản phẩm món ăn chế biến sẵn khác để người tiêu dùng lựa chọn.

bua-an-giao-thua-duoc-coi-trong-2574.png
Các nhà hàng tung ra các món đặc sắc riêng, nhưng không ít món bị phát hiện là sử dụng món ăn chế biến sẵn (Ảnh: QQ)

Thái Trường Thanh (Cai Changqing), thương hiệu món ăn chế biến sẵn của Dingdong Maicai, lần đầu tiên cho ra mắt tại khu vực Hoa Đông món xúc xích tươi truyền thống và thịt xông khói thủ công, tập trung vào các món ăn tươi ngon mới chế biến. Trên nền tảng này, người tiêu dùng còn có thể mua trực tiếp các món hải sản được chế biến sẵn như “King Crab Three Eats”, “Bún tỏi/Tôm hùm Boston nướng phô mai”...Taobao, JD.com và các nền tảng khác cũng đều tung ra các combo hộp quà năm mới bằng món ăn chế biến sẵn của các thương hiệu cung cấp dịch vụ ăn uống nổi tiếng như Quảng Châu Tửu Gia, Hạnh Hoa Lâu, Tùng Hạc Lâu và Tây Bối…

Một báo cáo điều tra của một cơ quan truyền thông công bố hôm 28/1 cho thấy: 54% người được hỏi nói sẽ đặt mua món ăn chế biến sẵn cho bữa ăn Giao thừa, trong đó 21% nói sẽ dùng toàn bộ các món chế biến sẵn cho bữa tiệc, 33% sẽ dùng kết hợp với món tự nấu. Về nguyên nhân đặt mua, 56% nói do thấy ăn ngon, hợp khẩu vị; 53,5% nói do muốn thưởng thức các món ăn khác nhau; 51,2% do tiện lợi, dễ bảo quản. Tỷ lệ đặt mua món ăn chế biến sẵn của cư dân đô thị loại 1 cao nhất, tới 45,7%; đô thị loại 2 là 19,8%; đô thị loại 3 là 16,4%.

dieu-tra-ve-mon-an-san-9785.jpg
Báo cáo điều tra cho thấy món ăn chế biến sẵn đang được đa số người được hỏi muốn sử dụng cho bữa tiệc đêm Giao thừa (Ảnh: Sohu)

Một số cư dân mạng cho rằng việc mua các món ăn chính chế biến sẵn cho bữa tiệc đêm Giao thừa chủ yếu là để tiết kiệm công sức và bớt lo lắng. Trên một nền tảng thương mại điện tử, doanh số các món ăn làm sẵn cho bữa tiệc đêm Giao thừa với giá gốc là 398 NDT (1,31 triệu VND) và giá khuyến mại là 348 NDT (1,14 triệu VND) đã bán vượt quá 10.000 suất. Sự phổ biến của các món ăn chế biến sẵn là điều hiển nhiên nhưng những tranh cãi gây ra cũng chưa bao giờ chấm dứt.

Gần đây, báo cáo phân tích ý kiến ​​công chúng về khiếu nại của người tiêu dùng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 do Ủy ban bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Giang Tô công bố cho thấy, việc tiêu thụ các món ăn chế biến sẵn tiếp tục gây tranh cãi, đứng đầu trong dư luận bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Từ nội dung khiếu nại và quan sát, phân tích dư luận, các vấn đề khiếu nại chủ yếu tập trung ở ba khía cạnh: Thứ nhất, các món ăn chế biến sẵn không giống như tuyên truyền quảng cáo, mùi vị không đạt và có vấn đề an toàn thực phẩm; Thứ hai, các nhà hàng offline sử dụng món ăn là đồ chế biến sẵn mà không thông báo trước cho người tiêu dùng, quyền được biết của khách chưa được đảm bảo đầy đủ; Thứ ba, thông tin nhãn mác trên món ăn chế biến mập mờ, không đầy đủ, khiến người tiêu dùng lo lắng.

nganh-che-bien-mon-an-san-phat-tai-8777.png
Ngành chế biến món ăn sẵn Trung Quốc đang phát tài vào dịp Tết Giáp Thìn (Ảnh: Sina).

Trên mạng xã hội, một số cư dân mạng cho rằng không phải họ không chấp nhận món ăn chế biến sẵn mà chỉ là họ không thể chấp nhận đến nhà hàng mà phải ăn các món chế biến sẵn và cảm thấy như bị lừa. Một số cư dân mạng cho rằng đừng nên đưa món ăn chuẩn bị sẵn vào bữa tiệc đêm giao thừa, những món ăn chế biến sẵn nếu không có hương vị nồi chảo sẽ làm mất đi ý nghĩa bữa ăn gia đình ấm cúng.

Theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Trung Quốc, người tiêu dùng có quyền được biết thực trạng mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ của mình và họ cũng có quyền lựa chọn hàng hóa, dịch vụ một cách độc lập. Nếu nhà hàng sử dụng các món ăn đã chuẩn bị sẵn cho bữa tiệc đêm Giao thừa thì phải thực hiện nghĩa vụ nói rõ với người tiêu dùng để họ được lựa chọn dùng hoặc không dùng, nếu không sẽ bị coi là xâm phạm quyền được biết và lựa chọn của người tiêu dùng. Các nhà hàng sử dụng các món ăn được chế biến sẵn làm món ăn mới chế biến bị coi là quảng cáo sai sự thật và lừa gạt người tiêu dùng.

mon-an-san-len-ngoi-8897.jpeg
Quảng cáo món ăn đêm Giao thừa của một nhà hàng (Ảnh: Sohu).

Thêm nữa, tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp thức ăn chế biến sẵn là rất lớn, tuy nhiên do chưa có “tiêu chuẩn quốc gia” cho món ăn chế biến sẵn và chưa có ngưỡng gia nhập ngành nên thị trường còn hỗn tạp, tiềm ẩn rủi ro về an toàn thực phẩm, cản trở sự phát triển của ngành món ăn chế biến sẵn; đồng thời ảnh hưởng đến sự hiểu biết nhận thức, đánh giá và lựa chọn các món ăn chế biến sẵn của người tiêu dùng. Người kinh doanh dịch vụ ăn uống phải kinh doanh giữ chữ tín, đảm bảo an toàn cho các món ăn đã chế biến, đảm bảo sức khỏe và vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm và phù hợp với các yêu cầu tiêu chuẩn liên quan. Cơ quan quản lý giám sát thị trường cũng cần tăng cường giám sát, quản lý thị trường món ăn chế biến sẵn trong thời điểm quan trọng Tết Nguyên đán để đảm bảo an toàn cho người dân.

Theo Sohu