Nếu trả từ 180-250 USD (tức là gấp 12-17 lần) thì có thể lấy được giấy phép trong 3 tuần…
Không phải cứ sản xuất nhiều thì thu nhập cao!
Chia sẻ với phóng viên tại “Diễn đàn đối thoại doanh nghiệp ngành nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản” ngày 12/8, ông Yasuzumi Hirotaka – Trưởng Đại diện của Tổ chức thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TP Hồ Chí Minh cho biết, đặc điểm củanông nghiệp Việt Namlà kinh doanh quy mô nhỏ, bình quân 0,62ha/ hộ dân với năng suất, hiệu quả thấp.
Theo ông Yasuzumi, vấn đề lớn của ngành nông ngiệp Việt Nam là giá cả không theo chất lượng nên gây nhầm lẫn rằng cứ sản xuất nhiều thì thu nhập cao. Điều này dẫn đến hệ quả là chú trọng nâng cao sản lượng bằng hóa chất, phân bón quá mức.
Bên cạnh đó, Việt Nam chưa chú trọng đầu tư vào nông nghiệp giá trị cao, an toàn. Người nông dân còn thiếu kiến thức mới, kỹ thuật công nghệ cao.
Một đặc điểm dễ nhận thấy của nông nghiệp Việt Nam là kỳ thu hoạch dồn dập nên giá rớt mạnh, nếu trung gian không mua thì phải hủy bỏ nông sản. Chi phí thuê người thu hoạch, giống, phân bón, thức ăn cao nhưng giá thấp nên thu hoạch của người nông dân thấp. Số hộ kinh doanh bị lỗ là trên 20%.
Về vấn đề lưu thông trong nông nghiệp, thị trường bán buôn chưa phát triển, chủ yếu là bán trực tiếp từ nông dân cho người bán lẻ (chiếm 45%) hoặc trung gian (chiếm 15%).
Đại diện JETRO TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, chuỗi cung ứng thực phẩm từ nơi sản xuất đến tiêu dùng bị đứt đoạn. Nông dân chưa thích ứng tích cực với nhu cầu của người tiêu dùng như yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, sức mua và thay đổi trong thói quen ăn uống.
Ngoài ra, do chuỗi cung ứng lạnh chưa hoàn thiện nên khó lưu thông thực phẩm tươi sống.
Vốn FDI vào nông nghiệp mới chiếm… 1,5%
Về vấn đề chính sách trong nông nghiệp, Trưởng Đại diện JETRO TP Hồ Chí Minh cho rằng, luật đầu tư nước ngoài đã được cấp phép nhưng thủ tục cấp đất còn chưa rõ ràng, phiền hà. Trong thực tế, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam vẫn còn hết sức hạn chế (chiếm 1,5% tổng vốn FDI).
Do đó, dù có sản phẩm giá trị cao nhưng không có thương hiệu nên tuy lượng xuất khẩu lớn nhưng giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp thấp.
Chính sách nông nghiệp vẫn chưa xử lý các vấn đề như đầu tư nông nghiệp hướng đến nâng cao giá trị , cơ giới hóa, áp dụng kỹ thuật, kết nối nhà sản xuất với người tiêu dùng…
“Đầu tư trong lĩnh vực này sẽ có rủi ro cao; do vậy cần gắn kết chặt chẽ hợp tác giữa Chính phủ, chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Tạo giá trị cao cho sản phẩm nông nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh ở các giai đoạn trong chuỗi giá trị thực phẩm và đơn giản hóa thủ tục hành chính” - ông Yasuzumi chia sẻ.
Muốn có được giấy phép sớm, phải trả thêm phí gấp… 12-17 lần
Đánh giá chung về thực trạng môi trường đầu tư tại Việt Nam, Trưởng đại diện JETRO TP Hồ Chí Minh nhận định, có 5 hạng mục rủi ro hàng đầu bao gồm: hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành chưa minh bạch; chi phí nhân công tăng cao; thủ tục hành chính phức tạp; cơ chế, thủ tục thuế phức tạp và cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện.
“Lệ phí khai báo và đăng ký các sản phẩm thực phẩm chế biến liên quan đến nhập khẩu là 8 USD, thời gian cấp phép là 15 ngày. Nhưng trên thực tế, nếu chỉ trả 8 USD thì phải mất 1 năm mới có được giấy phép. Nếu trả từ 180-250 USD (tức là gấp 12-17 lần) thì có thể lấy được giấy phép trong 3 tuần. Như vậy, thời gian được rút ngắn đi rất nhiều” – ông Yasuzumi dẫn chứng.
Theo ông Yasuzumi, có rất nhiều quy trình thủ tục, mà mỗi quy trình lại tính thêm phí, buộc doanh nghiệp phải trả phí thêm nữa.
“Doanh nghiệp Nhật Bản mong có mức phí và thời gian xử lý khác, mong muốn Việt Nam áp mức phí và thời gian xử lý này theo đúng luật... Rõ ràng, có độ vênh giữa quy định và thực tế, có sự khác biệt giữa việc vận hành, thực thi chính sách với quy định về mặt luật pháp của Chính phủ” - ông Yasuzumi nhấn mạnh.
Theo Trí thức trẻ