Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tiên Thanh, huyện Tiên Lãng, Tp. Hải Phòng.
Dự án này có quy mô 410,46ha, với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 4.597,46 tỉ đồng, chủ đầu tư là CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Tiên Thanh (KCN Tiên Thanh).
Thành lập từ tháng 8/2020, KCN Tiên Thanh có quy mô vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: CTCP Xây dựng Bất động sản Việt Phát (viết tắt: Việt Phát Land; góp 650 tỉ đồng, tương đương 65% vốn điều lệ); bà Nguyễn Thị Ngọc (góp 300 tỉ đồng, chiếm 30% VĐL); và ông Nguyễn Xuân Trường (góp 50 tỉ đồng; chiếm 5% VĐL).
Vị trí giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của KCN Tiên Thanh do ông Nguyễn Khôi đảm nhiệm.
Sinh năm 1978, ông Nguyễn Khôi, nên biết, là Thành viên Hội đồng quản trị độc lập, Chủ tịch Uỷ ban kiểm toán của CTCP Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Việt Phát (Mã CK: VPG).
Đáng chú ý, ông Khôi cũng là chuyên viên phòng phát triển dự án của Việt Phát Land – công ty mẹ của KCN Tiên Thanh. Doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, do Chủ tịch HĐQT VPG Nguyễn Văn Bình (SN 1973) và phu nhân Lê Thị Thanh Lệ nắm chi phối.
Thành lập từ tháng 7/2008, VPG khởi đầu từ một công ty vận tải nội địa, rồi mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh nguyên liệu khoáng sản, kinh doanh kho, bãi và bất động sản.
VPG là doanh nghiệp có danh tiếng trong lĩnh vực cung ứng khoáng sản như quặng sắt, than cốc, titan cho một loạt các doanh nghiệp thép trong nước như: Thép Hoà Phát Hải Dương, Gang thép Thái Nguyên, Thép Dongbu Việt Nam.
Như VietTimes từng đề cập, liên danh VPG – Danka Minerals – SUEK AG (công ty khai thác khoáng sản của Nga) đã trúng gói thầu cung cấp nhiên liệu than cho quá trình vận hành thương mại Nhà máy điện Nhiệt điện Sông Hậu 1 năm 2022 với giá trúng thầu lên tới 11.965,3 tỉ đồng.
Trong giai đoạn 2018 – 2021, VPG ghi nhận hoạt động kinh doanh khởi sắc với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng qua từng năm.
Năm 2021, tập đoàn này ghi nhận 3.863,5 tỉ đồng, báo lãi sau thuế 421,2 tỉ đồng, tăng 1,65 và 4,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Kết thúc quý đầu năm 2022, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của VPG lần lượt đạt 966,6 tỉ đồng và 52,1 tỉ đồng.
Bên cạnh lĩnh vực vận tải và kinh doanh khoáng sản, ít năm trở lại đây, giới chủ VPG còn đẩy mạnh hoạt động sang lĩnh vực bất động sản.
HĐQT VPG mới đây đã thông qua việc góp 585 tỉ đồng cùng với CTCP Thương mại và Đầu tư Công nghệ Ecotech Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị tại thị trấn Bo, huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình. Dự án này có tổng vốn đầu tư ở mức 1.500 tỉ đồng.
Ngoài dự án khu công nghiệp Tiên Thanh như VietTimes đề cập ở đầu bài viết, nhóm VPG còn thể hiện mối quan tâm tới các dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Đồng Hoá và Cụm công nghiệp Lê Hồ có tổng diện tích 150ha tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam./.