|
Bác sĩ trực cấp cứu ở bệnh viện (Ảnh - Minh Thuý) |
Tự theo dõi sức khoẻ hàng ngày
Bộ Y tế cho biết: Hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà được xây dựng để cung cấp các hướng dẫn và quy định về quản lý, hỗ trợ và chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2 và người bệnh COVID-19 mức độ nhẹ tại nhà.
Theo Bộ Y tế, người mắc COVID-19 điều trị tại nhà là người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 bằng Realtime RT-PCR hoặc Test nhanh kháng nguyên; không có triệu chứng lâm sàng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ (sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi); không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy, nhịp thở < 20 lần/phút, SpO2 > 96% khi thở khí trời; không có thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít ở thì hít vào; đã tiêm đủ 2 mũi hoặc 1 mũi vaccine phòng COVID-19 sau 14 ngày; trẻ em trên 1 tuổi, người lớn < 50 tuổi; không có bệnh nền; không mang thai.
|
Người dân được kiểm tra nhiệt độ trước khi vào bệnh viện (Ảnh - Minh Thuý) |
Trong quá trình điều trị tại nhà, người mắc COVID-19 phải tự theo dõi sức khoẻ hàng ngày (nhịp thở, mạch, nhiệt độ, SpO2, huyết áp); các triệu chứng mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh, gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy (phân lỏng đi ngoài); ho ra máu, thở dốc, khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo; đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ,...
Khi người mắc COVID-19 bị khó thở, thở hụt hơi, người lớn (nhịp thở > 21 lần/phút), trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi (hịp thở: > 40 lần/phút), trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi (nhịp thở: > 30 lần/phút); SpO2 < 95% (nếu có thể đo), (khi phát hiện bất thường đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút); mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút; huyết áp thấp; không thể uống hoặc bú kém/giảm, ăn kém, nôn (ở trẻ em); trẻ có biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống (sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi dâu tây, ngón tay chân sưng phù nổi hồng ban,...), người mắc COVID-19 phải báo cáo ngay với Cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà, trạm y tế xã, phường, hoặc trạm y tế lưu động, trung tâm vận chuyển cấp cứu,... để được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời.
Người mắc COVID-19 uống thuốc gì để tự điều trị tại nhà?
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khi điều trị tại nhà, người mắc COVID-19 cần nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ, tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày; uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước; không bỏ bữa; ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả, suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái.
Khi người mắc COVID-19 bị sốt (> 38.5°C) hoặc đau đầu, đau người nhiều, Bộ Y tế hướng dẫn người bệnh cần uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5g, có thể lặp lại mỗi 4-6h, ngày không quá 4 viên, uống oresol nếu uống kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước.
Đối với trẻ em bị > 38.5° C, gia đình cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol liều 1015mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6h, ngày không quá 4 lần. Nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ, gia đình phải thông báo ngay cho cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà để phối hợp xử lý.
Nếu bị ho, cả người lớn và trẻ em cần dùng thuốc giảm ho.
|
Người mắc COVID-19 điều trị tại nhà cần tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế (Ảnh minh hoạ) |
Về vấn đề kê đơn, cấp phát thuốc điều trị ngoại trú, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng virus SARS-CoV-2 của Bộ Y tế. Căn cứ vào số ca mắc và khu vực có ca mắc, lãnh đạo phường, xã sẽ thành lập các trạm y tế lưu động hoặc đội y tế lưu động sẵn sàng hỗ trợ cấp cứu cho người bệnh tại nhà.
Về vấn đề lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người bệnh điều trị tại nhà, cán bộ y tế sẽ lấy mẫu xét nghiệm Realtime RT-PCR, Test nhanh kháng nguyên cho người mắc COVID-19 vào ngày thứ 14 để kết thúc thời gian cách ly, đồng thời, xét nghiệm cho người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với người nhiễm khi có triệu chứng nghi mắc COVID-19.
Nếu người mắc COVID-19 cần cấp cứu, chuyển viện, Bộ Y tế yêu cầu cơ sở quản lý người bệnh tại nhà hướng dẫn bệnh nhân khi có các dấu hiệu, triệu chứng cấp cứu phải liên hệ ngay tới cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà hoặc trung tâm vận chuyển cấp cứu để được hỗ trợ xử trí cấp cứu, chuyển viện. Trong thời gian chờ đợi chuyển tuyến, cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 sẽ hướng dẫn, xử trí cấp cứu cho bệnh nhân.