|
Ông Tập Cận Bình tiếp ông Chu Lập Luân ngày 4/5/2015 thăm Bắc Kinh với tư cách Chủ tịch Quốc dân Đảng Trung Quốc (Ảnh: EPA). |
Các nhà phân tích cho rằng Quốc dân Đảng (KMT) dưới sự lãnh đạo của Chu Lập Luân sẽ theo đuổi đường lối trung dung ôn hòa với Trung Quốc, khác với đường lối đối đầu của bà Thái Anh Văn và Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền. Tuy nhiên, họ cho rằng KMT có thể khó xé bỏ cái mác "thân Trung Quốc", trong cục diện đối đầu Trung-Mỹ hiện nay, rất có thể vẫn sẽ thất bại trong cuộc bầu cử năm 2024.
Cựu Chủ tịch Quốc dân Đảng quay trở lại nắm quyền lãnh đạo đảng
Ông Chu Lập Luân đã trở thành Chủ tịch thứ 11 của Quốc dân Đảng Trung Quốc (Đài Loan) với 85.164 phiếu bầu (45,78% số phiếu), đánh bại 3 đối thủ là đương kim Chủ tịch Giang Khởi Thần (18,87%), Hiệu trưởng trường Tôn Văn Trương Á Trung (32,59%) và cựu huyện trưởng Chương Hóa Trác Bá Nguyên 2,76%).
Chu Lập Luân (Eric Chu), 60 tuổi, từng là Ủy viên lập pháp, Huyện trưởng Đào Viên, Phó Viện trưởng Hành pháp và thị trưởng thành phố Tân Bắc. Ông cũng từng là Chủ tịch KMT từ 2014 đến 2016, đã đại diện cho KMT trong cuộc bầu cử “tổng thống” năm 2016, nhưng đã thua ứng viên Đảng Dân Tiến (DPP) là bà Thái Anh Văn 3,08 triệu phiếu bầu. Không chỉ là thất bại đầu tiên trong sự nghiệp tranh cử cá nhân, ông còn lập kỷ lục về số phiếu bầu của KMT với khoảng cách lớn nhất so với DPP kể từ cuộc bầu cử “tổng thống” năm 2000.
|
Ông Chu Lập Luân thất bại nặng trước bà Thái Anh Văn trong cuộc bầu cử "tổng thống" năm 2016 khiến ông mất chức Chủ tịch KMT (Ảnh: Chinatimes) |
Chu Lập Luân đã phát biểu sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm thứ Bảy rằng tuy có những bất đồng trong nội bộ đảng, nhưng thông qua cuộc bầu cử, KMT đã thể hiện phong thái của một đảng dân chủ, đây là cột mốc để KMT trở thành một đảng đa nguyên. Ông kêu gọi KMT đoàn kết, phát huy sức mạnh chiến đấu, để chiến thắng DPP, chống lại sự bá chủ của DPP, “đánh bại DPP trong mọi cuộc thăm dò và mọi cuộc bầu cử”.
Về đường lối xuyên eo biển, Chu Lập Luân nhấn mạnh rằng KMT dưới sự lãnh đạo của ông sẽ không bao giờ trở thành đảng phụ họa cho DPP, ông cũng không sợ bất kỳ mác nào của DPP gán cho; nói rằng ông sẽ xây dựng lại nền tảng trao đổi qua eo biển và nối lại các kênh liên lạc, tiến hành trao đổi qua eo biển theo quy định của cương lĩnh KMT. Bước đầu tiên là khởi động lại trao đổi xã hội dân sự.
Kể từ khi từ Trung Quốc chạy ra Đài Loan năm 1949, KMT đã nắm quyền ở Đài Loan trong 51 năm. Khi lần đầu tiên mất quyền lực vào tay DPP năm 2000, KMT vẫn giữ được đa số ở nghị viện. Năm 2008, KMT quay trở lại nắm quyền dưới sự lãnh đạo của cựu chủ tịch Mã Anh Cửu.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ý thức về bản địa ở Đài Loan đã gia tăng và làn sóng "chống Trung Quốc" đã trở nên phổ biến trong dân chúng. KMT với chủ trương “hòa Đại Lục”, giữ quan hệ hữu hảo với Bắc Kinh đã bị tẩy chay, bản thân cái tên chính thức “Quốc dân Đảng Trung Quốc” của KMT cũng khiến họ bị coi là một đảng ngoại lai.
|
Ông Chu Lập Luân và những người ủng hộ ăn mừng chiến thắng (Ảnh: Zaobao). |
Trong các cuộc bầu cử “tổng thống” năm 2016 và 2020, KMT không chỉ thua cả hai lần, Viện Lập pháp (Quốc hội) cũng bị DPP giành được đa số ghế và suy yếu thành một đảng đối lập. Theo cuộc khảo sát "Phân bổ sự ưu ái đảng phái chính trị của người dân Đài Loan" do Trung tâm Nghiên cứu Bầu cử Đại học Chính trị thực hiện, tính đến tháng 6/2021, sự ủng hộ KMT đã kém hơn DPP 12,7 điểm phần trăm.
Trục chính của cuộc bầu cử đã phát triển từ mối quan hệ với Mỹ sang mối quan hệ với Trung Quốc
Cuộc bầu cử chủ tịch đảng của KMT lần này rất khó lường. Ban đầu, các giới xã hội đều dự đoán rằng đây sẽ là cuộc đọ sức giữa Chu Lập Luân và chủ tịch đảng đương nhiệm Giang Khởi Thần. Cả hai ông đều là những học giả du học Mỹ và đều thuộc “phái thân Mỹ” trong KMT, chính kiến đều nhấn mạnh duy trì quan hệ tốt đẹp với Mỹ và đều muốn lập Văn phòng đại diện KMT tại Washington. Làm thế nào thân Mỹ đã trở thành giọng điệu tranh luận thời kỳ đầu tranh cử.
Tuy nhiên, sau hội nghị công bố chính kiến lần đầu tiên vào ngày 4/9, Trương Á Trung, người ủng hộ việc ký kết "Bản ghi nhớ hòa bình xuyên eo biển", đã nổi lên và giành được sự ủng hộ của các đảng viên bảo thủ (thân Bắc Kinh), trong một số cuộc thăm dò đã sánh ngang với số phiếu ủng hộ Chu Lập Luân, yếu tố Trung Quốc đã trở thành trục chính của cuộc bầu cử. Trong cuộc tranh luận thứ hai, Chu Lập Luân bám lấy luận điểm Trương Á Trung là một "học giả phái thống nhất" và chỉ trích mạnh mẽ tính khó khả thi của "bản ghi nhớ hòa bình" mà ông ta đề cao.
|
Ông Chu Lập Luân đã đánh bại đương kim Chủ tịch KMT Giang Khởi Thần (Ảnh: CNA). |
Do chủ trương của Trương Á Trung quá cực đoan và đi ngược với dư luận chính thống trong xã hội Đài Loan, Chu Lập Luân đã lợi dụng "ý thức mất đảng” trong giai đoạn cuối cuộc bầu cử, dẫn đến hiệu ứng "bỏ Giang, bảo vệ Chu", khiến nhiều lãnh đạo quận, thành phố và đại diện dư luận đứng ra ủng hộ. Cuối cùng Chu Lập Luân đạt được gần 50% số phiếu bầu và giành chiến thắng.
Tuân thủ Đồng thuận năm 1992, “thân Mỹ hòa Trung”
Về chủ trương xuyên eo biển, Chu Lập Luân tuân theo các tuyên bố truyền thống của KMT nhấn mạnh kiên trì "Đồng thuận năm 1992, một Trung Quốc". Ông cho rằng cơ sở của giao lưu xuyên eo biển nằm ở việc “cầu đồng tồn dị” (tìm kiếm điểm chung trong khi bảo lưu sự khác biệt) và sự mơ hồ sáng tạo. Sự khác biệt ở chỗ không được giải thích quá rõ ràng, trong tương lai hai bên eo biển mới có thể “cầu đồng tồn dị" và tiến xa hơn để “hóa dị cầu đồng” (giải quyết những khác biệt và tìm kiếm điểm chung).
Chu Lập Luân cho rằng KMT có cơ sở cho việc trao đổi xuyên eo biển và không khó để khôi phục các kênh liên lạc, không cần tạo ra các danh từ mới ngoài "Đồng thuận 1992"; và theo cương lĩnh của đảng, KMT tuân theo lập trường dân chủ và tự do, đồng thời cũng bảo vệ Hiến pháp “Trung Hoa Dân Quốc”.
Chu Lập Luân ngày 4/5/2015 đã gặp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh với tư cách là Chủ tịch Quốc dân Đảng Trung Quốc. Các kênh liên lạc giữa Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản có thể vẫn tồn tại, nhưng những đề xuất mới nhất của Chu Lập Luân về eo biển, liệu Bắc Kinh có chấp nhận hay không vẫn còn phải xem.
Đài Loan không còn nhiều dư địa trong các mối quan hệ xuyên eo biển mà chỉ có thể tìm thấy sự thỏa hiệp giữa hai cường quốc Trung Quốc và Mỹ, hoặc di chuyển giữa hai thái cực là thân Trung Quốc hoặc thân Mỹ.
|
Ông Tập Cận Bình hội đàm với Chu Lập Luân tại Bắc Kinh tháng 5/2015 (Ảnh: Xinhua). |
Để tranh cử năm 2024 Chu Lập Luân phải tiếp cận phái bảo thủ trong đảng.
Sau khi Trương Á Trung trỗi dậy, mâu thuẫn giữa các thành phần Quốc dân đảng và dư luận chính thống ở Đài Loan đã nổi lên. Ngay cả khi Chu Lập Luân đánh bại Trương Á Trung bằng cách dựa vào cái gọi là "con đường trung dung", nếu muốn trở lại tranh cử “tổng thống” trong tương lai, ông ta nhất định phải tiếp cận những người bảo thủ (thân Đại Lục). Nhưng đây cũng chính là lý do tại sao KMT đã thất bại trong các cuộc bầu cử nhiều lần, vì lập trường thân Trung Quốc của họ đã đi chệch khỏi quan điểm chủ đạo của Đài Loan về dân chủ và nhân quyền.
Điện mừng của Tập Cận Bình gửi Chu Lập Luân cảnh báo về "tình hình phức tạp và nghiêm trọng"
Sau khi Chu Lập Luân giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Chủ tịch KMT, ngày 26/9, ông Tập Cận Bình đã gửi điện chúc mừng, cảnh báo rằng tình hình hiện nay là "phức tạp và nghiêm trọng" và kêu gọi KMT "tìm kiếm hòa bình cho eo biển Đài Loan và tìm kiếm sự thống nhất đất nước". Chu Lập Luân lập tức trả lời Tập Cận Bình: "Hướng tới tương lai, tìm kiếm điểm chung và tôn trọng sự khác biệt", đồng thời chỉ trích DPP là "phi Trung Quốc" và "chống Trung Quốc".
Theo Tân Hoa xã, ông Tập Cận Bình bày tỏ trong điện chúc mừng: "Trong thời kỳ vừa qua, quý đảng và chúng tôi trên cơ sở chính trị chung tuân thủ 'Đồng thuận 1992' và phản đối 'Đài Loan độc lập' đã có những tương tác tích cực, tăng cường hợp tác, đáp ứng nguyện vọng chung của đồng bào hai bên eo biển, thúc đẩy quan hệ hai bên eo biển phát triển hòa bình và mang lại lợi ích cho đồng bào hai bên eo, thành quả là điều hiển nhiên. Hiện nay tình hình ở eo biển Đài Loan rất phức tạp và nghiêm trọng. Toàn thể con dân Trung Hoa cần phải chung sức, đồng lòng hướng về phía trước. Mong rằng hai Đảng sẽ đứng cao, nhìn xa, giữ vững nền tảng chính trị chung, đề cao đại nghĩa của dân tộc, ra sức hợp tác; vì đồng bào mưu cầu phúc lợi, tìm kiếm hòa bình cho eo biển Đài Loan, tìm kiếm sự thống nhất cho đất nước, và tìm kiếm sự phục hưng quốc gia".
Trong điện mừng, ông Tập Cận Bình gọi Chu Lập Luân là "Chu Lập Luân Tiên sinh của Ủy ban Trung ương Quốc Dân Đảng Trung Quốc" và ký tên là "Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc".
|
Ông Chu Lập Luân lần thứ hai trở thành Chủ tịch Quốc dân Đảng (Ảnh: UDN). |
Chu Lập Luân: Mong muốn “cầu đồng tồn dị”, nâng cao lòng tin lẫn nhau
Ngay trong ngày 26/9, Chu Lập Luân cũng trả lời điện chúc mừng của ông Tập Cận Bình, nói rằng trong hơn 30 năm qua quan hệ xuyên eo biển, nhờ những nỗ lực không ngừng của Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản, sự giao lưu và hợp tác ở tất cả các cấp đã đạt được khá nhiều tiến triển tốt đẹp. "Tuy nhiên, trong những năm gần đây, dưới sự cai trị của DPP, chính sách 'rời bỏ Trung Quốc' và 'chống Trung Quốc' đã thay đổi hiện trạng ở cả hai bên eo biển. Điều này đã gây ra tình thế nguy hiểm cho cả hai bên eo biển và khiến người dân hai bên bờ vô cùng bất an”.
Ngoài việc chỉ trích bà Thái Anh Văn và DPP "rời bỏ Trung Quốc" và "chống Trung Quốc", Chu Lập Luân cũng tuyên bố trong bức điện của mình rằng "người dân ở hai bên eo biển đều là con cháu của Viêm Hoàng. Chân thành hy vọng từ nay về sau hai Đảng sẽ trên cơ sở 'Đồng thuận 1992' và ‘phản đối Đài Loan độc lập', ‘cầu đồng tồn dị’, tăng cường giao lưu hợp tác để quan hệ eo biển tiếp tục phát triển, cùng nhau mưu cầu hạnh phúc cho dân chúng, thúc đẩy hoàn bình ổn định ở eo biển Đài Loan”.
Trong bức điện, ông Chu Lập Luân gọi ông Tập Cận Bình là "Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc," và ký tên là "Chu Lập Luân, Chủ tịch được bầu của Quốc dân Đảng Trung Quốc".
Reuters ngày 26/9 đưa tin, trong nhiệm kỳ 17 tháng của Chủ tịch Quốc Dân Đảng sắp mãn nhiệm Giang Khởi Thần, các liên hệ giữa Quốc Dân Đảng với các quan chức cấp cao của Bắc Kinh bị đình trệ; trong bối cảnh căng thẳng quân sự giữa hai bên eo biển, Bắc Kinh đã nghi ngờ Quốc Dân Đảng thực hiện cam kết không đủ về "Đồng thuận 1992".
Chính vì vậy, với việc ông Chu Lập Luân tái đắc cử chức Chủ tịch KMT, Trung Quốc hy vọng ông ta sẽ giúp đoàn kết các phe phái trong đảng, tập trung sức mạnh chống lại DPP của bà Thái Anh Văn, từng bước quay lại cầm quyền, đưa quan hệ hai bên trở lại như thời kỳ trước đây.