|
Người lao động nước ngoài chiếm tới 60% tổng số người nhiễm bệnh COVID-19 ở trong nước Singapore. Điều kiện sống tại các ký túc xá đã biến những nơi này thành các ổ dịch (Ảnh: Reuters). |
Vì sao từ một quốc gia được WHO coi là điển hình mẫu mực về chống dịch thành công, Singapore lại lâm vào tình cảnh khó khăn hiện nay?
Theo bài viết trên trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 19/4, kể từ giữa tháng 4, xu hướng phát triển dịch bệnh ở Singapore đã khiến các nhà phân tích ngạc nhiên. Singapore từng được Tổ chức Y tế Thế giới ca ngợi là “mô hình mẫu mực phòng chống dịch bệnh” vào các ngày 13/2 và 10/3, nhưng quốc gia đô thị này đột nhiên xuất hiện hai đợt bùng phát vào 2 tháng sau đó. Khi thế giới bên ngoài cố gắng tìm câu trả lời cho sự lây nhiễm của virus Corona mới thì sự phân bố nhân khẩu của các bệnh nhân Singapore đã làm rõ vấn đề. “Vấn đề người lao động nước ngoài” truyền thống của đảo quốc Sư tử đã trở thành then chốt của cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, tác động sâu rộng được phản ánh bởi điểm này cũng là điều khó nói của Singapore.
|
Đầu tháng 2, Singapore xảy ra đợt dân chúng mua tích trữ hàng (Ảnh: Getty).
|
Sự bùng phát thực sự của dịch bệnh
Nhiều nhà quan sát sau khi biết tin Singapore bùng phát dịch bệnh lần thứ hai đã đưa ra kết luận rằng các hành động chống dịch của Singapore đã thất bại. Ngày 16/4, bà Hà Tinh (Ho Ching), người đứng đầu Temasek Holdings Corporation và là vợ của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, cũng đã phát biểu, nói rằng “Singapore đã đánh giá thấp virus Corona mới và cố gắng sử dụng phương thức đối phó với dịch SARS để đối phó với dịch COVID-19 nên đã phải trả giá đắt”.
Bà Hà Tinh cũng đặc biệt nhấn mạnh rằng cơn sóng gió lần này là do sự kém cỏi trong quản lý cách ly tại nhà những người Singapore từ nước ngoài trở về, do đó “không thể xác định được những người nhiễm bệnh không có triệu chứng” và ảnh hưởng đến người lao động nước ngoài... Trọng tâm của bài phát biểu này khiến thế giới bên ngoài nhanh chóng nghĩ rằng những người nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng ở Singapore đang lan tràn, do đó dường như hành động “phong tỏa thành phố” của họ dường như bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, xem xét từ tình hình thực tế của dịch bệnh Singapore, bài phát biểu này có vẻ đã lảng tránh vấn đề chính và che giấu trọng điểm.
Tư liệu cho thấy, trong số 5.050 bệnh nhân được ghi nhận tại Singapore đến ngày 17/4, ngoài 569 bệnh nhân nhập cảnh từ nước ngoài, trong số 4.427 bệnh nhân tại bản địa còn lại, có khoảng 2.689 bệnh nhân là người lao động nước ngoài đang sống, làm việc khá cách biệt với cư dân Singapore địa phương và sống trong các khu ký túc xá (họ được gọi là “công nhân khách” tại Singapore). Xem xét thấy rằng nhóm này chỉ chiếm 323.000 ngàn trong số 5,6 triệu nhân khầu thường trú tại Singapore, nhưng có số người bị bệnh chiếm tới 60% tổng số bệnh nhân ở bản địa. Tỷ lệ này rõ ràng là vô cùng bất thường.
|
Trong dịch bệnh, cuộc sống của người dân Singapore vẫn diễn ra bình thường (Ảnh: Getty).
|
Trong đợt bùng phát thứ hai sau tháng 4, tuyệt đại đa số bệnh nhân là lao động nước ngoài. Ví dụ, trong số 728 bệnh nhân được phát hiện vào ngày 16/4, có 680 người là “khách công”, chỉ có 48 là cư dân địa phương người Singapore bị bệnh. Trong số 623 bệnh nhân được phát hiện vào ngày 17/4, có 595 là lao động nước ngoài, chỉ có 27 cư dân địa phương...
Hiện tại, hơn một nửa trong số 43 ký túc xá người lao động nước ngoài ở Singapore đã bùng phát dịch bệnh. Các chuyên gia y tế Singapore cũng phát hiện ra rằng những người lao động nước ngoài sống trong ký túc xá ở Singapore có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao hơn 40 lần so với các cư dân trong cộng đồng. Điều này có nghĩa là cốt lõi của sự bùng phát không phải là thông qua “những người nhiễm bệnh không có triệu chứng” ở Singapore, mà là điều kiện sống tồi tàn của những người lao động nước ngoài.
Singapore vẫn chưa thất bại
Theo như suy nghĩ của người Singapore trong việc kiểm soát dịch bệnh, thì tư duy, biện pháp và hiệu quả của họ vẫn thành công. Chính sách “từ chối nhập cảnh cho khách ngắn hạn” của nước từ ngày 31/1 đến ngày 22/3 về cơ bản đã đạt được sự cách ly về vật lý với những người ở các khu vực bị ảnh hưởng của dịch bệnh bằng biện pháp đơn giản.
Ngoài ra, Singapore cũng sử dụng biện pháp pháp luật để ban hành “lệnh cách ly” các cư dân Singapore có lịch sử đi lại trong vùng dịch bệnh. Dùng luật pháp bắt buộc những người liên quan phải cách ly theo dõi y tế tại nhà trong 14 ngày. Ai vi phạm có thể bị phạt tới 10 ngàn SGD hoặc bị bỏ tù.
|
Sau ngày 23/3, "Thiên đường du lịch" Singapore đã bị đóng cửa (Ảnh: Getty).
|
Hơn nữa, Singapore có một nền tảng y tế tương ứng. Hệ thống “Phòng khám sức khỏe cộng đồng” (PHPC) của Singapore đã chuyển 884 phòng khám tư nhân thành phòng khám sốt. Họ đã tham gia vào hành động điều độ tài nguyên y tế của chính phủ Singapore và giúp tránh sự cạn kiệt tài nguyên của các bệnh viện công lớn.
Một loạt các hiện trạng dường như chứng minh một điều: chính sách phòng chống dịch bệnh của Singapore vẫn có thể có hiệu lực, nhưng điều này chỉ dành cho công dân địa phương của Singapore. Xét tới việc Singapore đã trải qua hai đỉnh dịch bệnh địa phương vào đầu tháng 2 và đầu tháng 3 và do nhu cầu việc làm, Singapore vẫn cho phép người lao động nước ngoài tiếp tục tụ tập. Điều này giúp Singapore thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả đối với những công dân địa phương, nhưng những biện pháp này có thể không được áp dụng cho những người lao động nước ngoài.
|
Một khu ký túc xá của người lao động nước ngoài bị cách ly, ngày 16/4 (Ảnh: Reuters).
|
Điều đáng sợ hơn sự thất bại của chống dịch
Trên thực tế, đối với tuyệt đại đa số 1,4 triệu lao động nước ngoài ở tầng lớp cuối cùng trong xã hội Singapore, đặc biệt là 323.000 công nhân sống trong các ký túc xá, sức khỏe của họ cũng như điều kiện sống, quyền con người và các yếu tố khác khó có thể được đảm bảo. Mặc dù có nhiều người nước ngoài ở Singapore thuộc loại “cao cấp” có giấy phép lao động EP (Employment Pass) hy vọng sẽ có được tư cách thường trú tại Singapore trong số những người lao động nước ngoài của Singapore, nhưng nhiều người hơn chỉ đang giữ WP (Work Permit) và SP (S Pass), tức những người nghèo đến tham gia lao động cấp thấp, đơn giản.
Đối với Singapore, hơn một triệu “công nhân nước ngoài” đảm trách các công việc đòi hỏi thể lực và kĩ năng mà công dân Singapore không muốn làm và không thể làm. Nhưng đãi ngộ của họ không tốt, đặc biệt là những công nhân đang cầm chứng chỉ WP, đó là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tổ chức công đoàn ở Singapore nhận thấy mức lương tháng của loại công nhân này là khoảng 500 SGD (khoảng 351,5 USD), thường xuyên làm thêm giờ dài hạn nhưng thường bị nợ lương. Để tiết kiệm chi phí, chủ lao động thường sắp xếp ký túc xá ở vùng sâu vùng xa, trực tiếp hình thành sự cô lập với xã hội (social segregation). Giờ đây, họ đã gặp phải một loại virus nguy hiểm mới này.
|
Công nhân người Ấn Độ tập trung hoạt động nghi lễ tôn giáo (Ảnh: Tân Hoa xã).
|
Theo một nghĩa nào đó, chính quyền Singapore đã nhận thức được hoàn cảnh khốn khó của người lao động nước ngoài. Cũng có tiếng nói trong dư luận địa phương cho rằng “số trường hợp lây nhiễm của công nhân khách trong tuần qua đã tăng lên từng ngày, vì vậy nó nằm trong dự liệu của chính quyền, nhưng không phải mọi người dân đều có thể hiểu được”.
Vấn đề đối xử khác biệt với lao động nước ngoài đã là một vấn đề khó nói tiềm ẩn ở Singapore trong nhiều năm. Vấn đề về lao động nước ngoài bị người bản địa cố tình xa cách dường như phản ánh một nguy cơ tiềm ẩn gần như là “kỳ thị chủng tộc”. Vấn đề “kỳ thị chủng tộc” có thể còn tồi tệ hơn dịch bệnh COVID-19. Đây có thể là lý do tại sao Singapore đưa ra tuyên bố cuộc chiến chống dịch của họ đã không thỏa đáng.