Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) vừa ra thông báo AFF Cup 2020 sẽ tổ chức theo đúng lịch trình vào cuối năm nay. Phải chăng AFF “cố đấm ăn xôi” dù hầu hết các sự kiện thể thao lớn trên phạm vi toàn thế giới đều bị hoãn, Ủy ban Olympic quốc tế ban đầu cũng quyết tâm tổ chức Olympic 2020 nhưng rốt cuộc vẫn phải thay đổi.
Giá trị thương mại
Thực ra, nếu nhìn kỹ ta sẽ thấy phải đến cuối tháng 11 năm nay thì AFF Cup 2020 mới được khai mạc. Từ nay đến lúc đó vẫn còn thời gian khá dài để AFF thay đổi kế hoạch. Nếu virus Corona vẫn đang chưa được đẩy lùi thì chắc chắn AFF sẽ phải thay đổi quyết định bởi nếu AFF Cup 2020 có được tổ chức thì cũng ít đội tham gia.
Chúng ta là nhà vô địch AFF Cup 2018. Ảnh VPF
|
Tiếp đến, nhà tài trợ Suzuki tính toán từ nay đến cuối năm tại châu Á và khu vực Đông Nam Á không có các sự kiện thể thao lớn thì nếu tổ chức thành công AFF Cup 2020, họ sẽ giành thắng lợi lớn về mặt thương mại.
7 năm gắn bó với AFF Cup, nhà tài trợ Suzuki đánh giá rất cao thương hiệu của giải đấu này. Kể từ năm 2008, Suzuki gắn tên với AFF Cup, giải đấu mà Việt Nam lần đầu tiên lên ngôi vô địch (5 kỳ đầu tiên là nhãn hàng Tiger) và giúp giải đấu này ngày càng có uy tín.
Sân cỏ Đông Nam Á được coi là “vùng trũng bóng đá thế giới” Asian Cup, World Cup được coi là giấc mơ hoa. Chính vì vậy, giải đấu khu vực như AFF Cup trở thành đấu trường quốc tế duy nhất mà các đội tuyển quốc gia có thể cạnh tranh danh hiệu. Nó hoàn toàn khác với các giải đấu khu vực Nam, Tây và Đông Á, nơi mà các đội tuyển Hàn Quốc, Nhật Bản, Saudi Arabia hay UAE, Qatar đều chỉ hướng sự quan tâm đến World Cup, Asian Cup.
Phần lớn sân chơi khu vực họ chỉ giành cho các cầu thủ trẻ thử sức. Giải vô địch Nam Á (SAFF Championship) thì Ấn độ, Nepal, Pakistan…thì còn thể nhạt hơn bởi khu vực này, bóng đá không phải là môn thể thao Vua.
Từ AFF Cup 2018, AFC lại áp dụng thể thức thi đấu mới càng làm giải đấu tăng vọt lượng khán giả. Tại vòng bảng, 10 đội tuyển sẽ được rút thăm chia thành hai bảng năm đội với mỗi đội tuyển thi đấu các trận đấu trên sân nhà và sân khách đấu với nhau khiến cho sân Mỹ Đình công suất 40 chỗ luôn chật kín, còn Indonesia, Malaysia có đến… 90 ngàn CĐV đến sân.
Không chỉ đến sân, số lượng người xem qua truyền hình giải đấu AFF Cup được đánh giá rất đông. AFF Cup 2018 một số kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ, Hàn Quốc, Hong Kong đã liên hệ để mua bản quyền phát sóng giải đấu. Riêng tại Việt Nam, 2 trận chung kết lượt đi và lượt về với Malaysia đạt lượt người xem (rating) cao kỷ lục chưa từng có đối với một chương trình truyền hình, với trên 31%. Tất nhiên vì thế bản quyền truyền hình AFF Cup có giá không hề rẻ chút nào.
Chất lượng chuyên môn
Về chuyên môn tại AFF Cup luôn xuất hiện những cuộc đối đầu giữa các đối thủ truyền kiếp như Singapore với Malaysia hay Malaysia gặp Indonesia, Thái Lan; đặc biệt gần đây sau khi ông Park cầm quân những cuộc đụng độ bóng đá Việt Nam - Thái Lan theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy” đã AFF Cup thêm sức nóng. Khi bóng đá Thái Lan không còn thống trị khu vực, tất cả các đội tuyển ASEAN đều muốn vô địch AFF Cup trở thành niềm kiêu hãnh quốc gia.
Nhiệm vụ của thầy trò ông Park là bảo vệ ngôi vô địch. Ảnh VNN
|
Suzuki rất muốn tổ chức AFF Cup 2020 đúng kế hoạch bởi giải đấu còn giúp các CLB Nhật Bản tuyển quân. Từ năm 1976 đến 2020, đã có 22 cầu thủ Thái Lan sang Nhật bản thi đấu, tượng đài Witthaya Laohakul mở đầu cho làn sóng chơi bóng tại Nhật khi trở thành cầu thủ Thái Lan đầu tiên đến xứ sở mặt trời mọc. Cựu giám đốc kỹ thuật Liên đoàn Bóng đá Thái Lan khoác áo Cerezo Osaka và Gamba Osaka (1986-1995).
Hiện nay, ở J.League 1, đang có 5 cầu thủ Thái Lan thi đấu gồm Chanathip Songkrasin, Kawin trong màu áo Consadole, Teerasil Dangda vừa ký với Shimizu S-Pulse, Theerathon Bunmathan tiếp tục ở lại Yokohama Marinos và Thitipan Puangchan ở Oita Trinita.