Phim trường TP HCM nhiều năm nay chứng kiến cảnh các nghệ sĩ cao tuổi vẫn lặn lội chạy xe máy đến ghi hình. Họ thuộc dàn diễn viên từ trước năm 1975, số còn lại xuất thân từ nghệ sĩ cải lương.
Lê Thiện được biết đến với những vai "bà già nổi loạn" trong các phim Cá rô anh yêu em, Dù gió có thổi, Vừa đi vừa khóc... Phi Điểu, Hồng Sáp, Ánh Hoa, Thiên Kim quen thuộc với khán giả trong vai những bà mẹ Nam bộ hiền hậu, chất phác hoặc bị con cháu hắt hủi, xã hội ruồng bỏ trong các phim Xóm cào cào,Blouse trắng, Đồng tiền xương máu, Bỗng dưng muốn khóc... Mạnh Dung, Mạc Can ghi dấu ấn trong tạo hình ông già Nam bộ hiền hòa, chất phác, giàu lòng nhân ái trong Đất phương Nam, Những đứa con thành phố, Vó ngựa trời Nam, Cái bóng bên chồng...
Ở tuổi già, nhiều diễn viên thấy hẫng hụt trước ứng xử của đoàn phim. So với thời họ đóng phim cách đây vài chục năm, cách đối xử có nhiều khác biệt.
Từ những năm 1970 đến 2000 - thời của các thế hệ đạo diễn Lê Dân, Lê Hoàng Hoa, Lê Cung Bắc, Trần Vịnh, Châu Huế..., diễn viên cao tuổi luôn được đoàn phim chăm sóc chu đáo từ chuyện ăn uống đến vệ sinh cá nhân. Diễn viên Nguyễn Đình Thương kể ông đóng phần hai phim Hướng nghiệplúc chân bắt đầu khó di chuyển do di chứng bệnh thoát vị đĩa đệm. Đoàn phim cử riêng một người phục vụ ông, cõng ông đi ăn cơm, vệ sinh...
"Bây giờ, tôi tự đi lại được bằng gậy nhưng nhắc đến tôi, không đạo diễn trẻ nào dám mời. Họ sợ tôi di chuyển khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ và kinh phí làm phim. Còn nếu đạo diễn ngỏ ý mời thì nhà sản xuất cũng gạt đi, họ nói thẳng rằng họ đâu thiếu diễn viên, hơi đâu đi rước một ông già bệnh tật", nghệ sĩ ngậm ngùi.
NSƯT Lê Thiện (phải) và đạo diễnPhương Điền trên trường quay phim "Người đàn bà ngủ trên nóc nhà". |
Trên trường quay một số phim, diễn viên già phải tự xoay sở che mưa, che nắng trong khi diễn viên trẻ - người được coi là cái tên bán vé cho phim - được chăm sóc kỹ lưỡng. Họ có riêng người của đoàn phim theo che ô, phục vụ cơm ăn, nước uống. "Ban đầu cũng có chút chạnh lòng, mãi rồi chúng tôi cũng quen. Tôi biết thời của chúng tôi qua rồi", nghệ sĩ Mạnh Dung chia sẻ.
"Ngày trước, chủ nhiệm phim còn đặt riêng cơm chay, cơm mặn tùy theo nhu cầu mỗi người. Bây giờ, họ tống cả diễn viên già ngủ chung với diễn viên trẻ mỗi khi đi diễn xa. Tụi trẻ hay đi chơi về khuya, mở TV to, hút thuốc trong phòng máy lạnh rồi chơi bài ồn ào khiến người già không sao ngủ được", diễn viên Nguyễn Hậu kể.
Chuyện phải chờ diễn viên ngôi sao có mặt mới quay được phim xảy ra như cơm bữa. Với diễn viên già, đây gần như là một cực hình. Họ đến trường quay từ sáng sớm theo lời dặn của đạo diễn, trở về vào đêm khuya chỉ để quay một phân đoạn duy nhất trong ngày. Nghệ sĩ Lê Thiện từng bị nhỡ giờ cơm, giờ thuốc cho chồng khi lịch quay thay đổi. "Chồng tôi bị nhiều bệnh, thuốc luôn thường trực. Không sống cùng các con nên tôi lỡ về chậm một chút, có thể ông ấy phải đi cấp cứu", nữ Nghệ sĩ Ưu tú nhớ lại.
Một số diễn viên tuổi cao, sức khỏe yếu vẫn lăn lộn trên phim trường để mưu sinh nhưng thường xuyên bị nhà sản xuất "ăn chặn" cát-xê.Nghệ sĩ Hồng Sáp tâm sự có phim bà đóng vai thứ chính, quay vài tháng trời mà thù lao nhận vỏn vẹn năm triệu đồng. Trừ tiền đi lại bằng xe ôm, số tiền nghệ sĩ nhận về chẳng đáng là bao.
Người già thường ngại va chạm nên để tùy nhà sản xuất đề ra mức thù lao. Lợi dụng tâm lý này, một số đoàn phim thường "ăn bớt" bằng cách sửa kịch bản, gộp nhiều phân đoạn thành một để tiết kiệm chi phí trả cho diễn viên. "Có lần tôi chứng kiến một diễn viên già diễn cảnh gào khóc trong nhà rồi lao ra cửa, trèo lên xe buýt, chạy mấy vòng thành phố rồi quay về mà đoàn phim vẫn tính là một phân đoạn", một chuyên viên hóa trang cho biết.
Không có vai diễn phim truyền hình, nghệ sĩ Hồng Sáp (bên phải) nhận đóng cả MV để có tiền sinh sống. |
Nhiều diễn viên gạo cội mâu thuẫn quan điểm làm nghề với đạo diễn đến mức bỏ nghề.NSND Thế Anh tâm sự: "Lâu rồi, tôi không nhận vai vì kịch bản bây giờ dở quá. Êkíp làm phim cũng kém chuyên nghiệp và nghiêm túc so với ngày trước. Phim Việt Nam giờ dùng nhiều chiêu trò để câu khách, tôi không dại gì 'đu' theo những cái đó để tổn hại đến danh dự và tên tuổi mình".
Đại diện một nhà sản xuất cho biết họ thường mời diễn viên quần chúng trẻ hoặc trung niên rồi hóa trang thành người già để tiết kiệm chi phí và tránh những rắc rối không đáng có trên trường quay. Chủ nhiệm một bộ phim truyền hình nói: "Chúng tôi rất ngại các cụ tuổi cao, sức yếu, nhỡ trên đường đi quay gặp tai nạn hoặc gặp chứng cao huyết áp ngất xỉu khi đang quay thì không hay. Chưa kể nhiều cụ muốn can thiệp sâu vào kịch bản trong khi mọi quyết định phụ thuộc vào nhà sản xuất".
Kinh phí cũng là yếu tố được mang ra để giải thích vì sao có sự phân biệt đối xử. Theo đa số chủ nhiệm phim, chỉ những ngôi sao, diễn viên chính lên phim trường mới nhận được sự chăm sóc đặc biệt. "Ngay cả vai thứ chính cũng không được chế độ riêng, nói gì đến các vai phụ hay quần chúng", một chủ nhiệm cho biết.
Trăn trở là vậy, nhiều nghệ sĩ vẫn lăn lộn trên phim trường để tuổi già bớt trống trải, cô quạnh, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống hoặc làm từ thiện.
Vợ NSƯT Mạnh Dung cho biết chồng thường hoạt bát, vui vẻ, háo hức mỗi khi gần đến ngày phim mới bấm máy. NSƯT Lê Thiện tâm sự để tuổi già đỡ trống trải, cô đơn, ngoài thời gian chăm sóc nhà cửa, bà ra phim trường cho khuây khỏa nỗi nhớ nghề. "Nghệ sĩ nhạy cảm lắm, phải ngồi nhà khi mình còn nhiệt huyết, còn khả năng mà không được diễn dễ cảm thấy tủi thân, bị lạc lõng, bỏ rơi", bà nói.
Ngoài đi diễn, nghệ sĩ Lê Thiện tham gia Hội ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, Phi Điểu hoạt động trong Hội phụ nữ phường và nhận cưu mang một số em bé có hoàn cảnh khó khăn.
"Đi diễn chân tay được vận động, các ngón nghề vẫn được ứng dụng, lại được gặp gỡ mọi người, rồi có thù lao lo cho bọn trẻ, tôi vui lắm", nghệ sĩ Phi Điểu chia sẻ.
NSND Thế Anh bức xúc khi nói về thực trạng làm phim hiện nay. |
Ngoài niềm vui được làm nghề, vai diễn còn giúp một số nghệ sĩ khó khăn có khoản thu nhập đáng kể để sinh sống. Với thù lao từ 300.000 đến 500.000 đồng một vai, nếu có vai diễn đều, nghệ sĩ Hồng Sáp có thể thu nhập từ ba đến năm triệu một tháng, đủ trang trải tiền thuê nhà, sinh hoạt và nuôi cháu trai ăn học. "Lúc nào tôi cũng canh điện thoại, mong có đạo diễn gọi đi đóng phim. Nếu không, chỉ làm phục trang tuồng cho các vở cải lương, thu nhập thất thường tháng có tháng không, tôi không có tiền nuôi cháu", Hồng Sáp tâm sự.
Là nghệ sĩ ảo thuật nhưng thu nhập chính của Mạc Can có từ đóng phim. Có khi ông chạy tới ba trường quay trong một ngày. Thu nhập vừa đủ giúp nghệ sĩ trả tiền nhà và trị bệnh.