Điện thoại 2G "cục gạch" không thể nghe gọi từ 15/9 tới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau ngày 15/9, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ dừng hoạt động hoàn toàn hệ thống 2G. Từ thời điểm đó, điện thoại "cục gạch" chỉ hỗ trợ công nghệ 2G sẽ không thể nghe gọi, ngoại trừ khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và nhà giàn DK.

Khi Việt Nam chính thức tắt sóng 2G, các mẫu điện thoại "cục gạch" trước đây sẽ bị mất khả năng nghe gọi.
Khi Việt Nam chính thức tắt sóng 2G, các mẫu điện thoại "cục gạch" trước đây sẽ bị mất khả năng nghe gọi.

Theo lộ trình dừng công nghệ di động 2G tại Việt Nam mà Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố ngày 5/7, kể từ ngày 16/9 tới, không cung cấp dịch vụ di động cho thiết bị đầu cuối thuê bao chỉ hỗ trợ 2G, trừ khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, và nhà giàn DK.

Từ 15/9/2024 - 15/9/2026, Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn cấp phép cho các nhà mạng duy trì công nghệ 2G để cung cấp dịch vụ cho thuê bao 3G và 4G không có VoLTE (không có dịch vụ thoại). Từ tháng 9/2026, băng tần 900 MHz (đang dùng cho 2G) sẽ được thu hồi, đấu giá và cấp phép cho 4G, 5G.

Khi thực hiện tắt sóng 2G, các điện thoại "cục gạch" có chức năng 3G, 4G vẫn sử dụng bình thường.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra một số giải pháp triển khai dừng công nghệ 2G và thúc đẩy chuyển đổi điện thoại thông minh. Cụ thể, Bộ yêu cầu doanh nghiệp hỗ trợ thuê bao chuyển đổi sang sử dụng máy điện thoại công nghệ cao hơn. Trong đó, thực hiện chương trình hỗ trợ kinh phí mua máy smartphone 4G hoặc điện thoại featurephone 4G và ban hành các gói cước hỗ trợ thuê bao chuyển đổi, thực hiện đến 16/9/2024.

Đồng thời, các doanh nghiệp thực hiện ngăn chặn nhập mạng các máy điện thoại 2G không chứng nhận hợp quy. Doanh nghiệp phát triển các trạm thu phát sóng di động đảm bảo vùng phủ mạng 4G thay thế mạng 2G khi dừng hệ thống 2G và hoàn thành trước tháng 9/2026.

Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông, doanh nghiệp viễn thông di động thực hiện truyền thông tới từng đối tượng người sử dụng trên các phương tiện truyền thông phù hợp để nắm bắt chủ trương và chủ động chuyển đổi sang sử dụng máy điện thoại công nghệ 4G trở lên.

Vì sao cần tắt sóng 2G?

Ông Đoàn Quang Hoan, Tổng Thư ký Hội Vô tuyến điện tử chia sẻ, việc tắt sóng 2G là xu hướng của thế giới. Đây là một chủ trương đúng đắn của Bộ TT&TT.

Theo ông Đoàn Quang Hoan, có 3 mục tiêu cơ bản khi tắt sóng 2G bao gồm: đối với xã hội khi tắt sóng 2G giúp người dùng sẽ loại bỏ dịch vụ chất lượng thấp; đối với doanh nghiệp sẽ giảm bớt chi phí khai thác, góp phần xã hội phát triển công nghệ xanh; đối với nhà nước khi tắt 2G sẽ giải phóng băng tần công nghệ cũ, sử dụng công nghệ mới mang lại hiệu quả quan trọng, phù hợp với chuyển đổi số quốc gia.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông nói rằng nhà mạng không thể tồn tại đồng thời công nghệ 2G, 3G, 4G, 5G vì việc này rất tốn kém trong khai thác, vận hành mạng lưới. Chủ trương dừng công nghệ 2G, chuyển sang 4G nhằm thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giúp người dân có thể tiếp cận các dịch vụ công, giao dịch trên môi trường hiện đại với tốc độ cao.

"Đến năm 2030, định hướng của Bộ TT&TT sẽ bắt đầu công nghệ 6G. Vì vậy, các điện thoại công nghệ 2G sẽ không còn được sử dụng, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường", ông Nhã thông tin.