Đầu tư dài hạn cho nguồn năng lượng sạch
Theo Trung tâm Năng lượng tái tạo và Cơ chế phát triển sạch, Viện Năng lượng thuộc Bộ Công Thương, Việt Nam có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo sẵn có, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Thực tế cho thấy, cường độ bức xạ mặt trời tại Việt Nam tương đối cao trên thế giới (trung bình 150kcal/m2 , tương đương 2.000 – 5.000 giờ/năm), và số ngày nắng nhiều ở khu vực miền Nam và miền Trung (khoảng 300 ngày/năm). Với những thế mạnh này, cùng thực tế thiếu điện trầm trọng trong những ngày hạn hán xảy ra trong nhiều năm qua, Chính phủ vừa đưa ra chương trình phát triển năng lượng sạch với nhiều cơ chế hỗ trợ đầu tư cho các đơn vị và doanh nghiệp kinh doanh phát triển nguồn năng lượng điện mặt trời.
Theo quy định của Chính phủ, công nghệ điện mặt trời là loại hình năng lượng sạch, nằm trong lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư. Được biết, mức đầu tư ban đầu cho hệ thống điện mặt trời hiện nay tương đối cao (khoảng 35 triệu đồng/kWp) nhưng điện mặt trời tận dụng được nhiều ưu điểm như: tiếp cận năng lượng sạch, xanh, tăng tính chủ động sử dụng điện với độ bền của hệ thống, hệ thống pin năng lượng mặt trời đạt hiệu suất trên 85% trong tối thiểu 15 năm đầu và kéo dài tuổi thọ khoảng 25 năm. Dù vậy, TTC vẫn xác định đây là định hướng phát triển ngành năng lượng sạch của TTC trong giai đoạn 2016 – 2020. Ngay từ cuối năm 2015, TTC đã tiến hành lắp đặt và đưa vào vận hành các hệ thống điện mặt trời tại trụ sở văn phòng ở Tp.HCM và nhiều đơn vị trực thuộc như: Tổng kho Khu công nghiệp Tân Bình, Nhà hàng Nổi Bến Tre (tỉnh Bến Tre), hệ thống văn phòng, nhà máy trực thuộc Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (GEC), đơn vị chủ lực ngành Năng lượng của TTC. Bên cạnh đó, TTC cũng triển khai bơm tưới mía cho nông dân trồng mía bằng nguồn điện năng lượng mặt trời để giải quyết thực trạng khô hạn trầm trọng tại các tỉnh khu vực miền Trung và miền Nam hiện nay.
Giải quyết bài toán thiếu điện và đầu tư kinh doanh
Hiện nay, việc đầu tư điện mặt trời đang nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay, cộng với nhu cầu sử dụng điện liên tục tăng cao thì việc phát triển dạng năng lượng mặt trời đang được xem là hướng đi phù hợp nhất.
Bên cạnh đó, hàng loạt các chính sách nhằm khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng mặt trời được Chính phủ và các cơ quan nhà nước quan tâm, dự kiến sẽ sớm ban hành, trong đó có thể kể ra như Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam đang được Bộ Công thương trình Thủ tướng phê duyệt, qua đó ngoài việc đầu tư điện mặt trời sẽ giảm chi phí tiêu thụ điện năng từ lưới điện, nhà đầu tư còn có thể bán toàn bộ lượng điện năng dư từ điện mặt trời cho bên mua điện với cơ chế giá bán rất được kỳ vọng; đồng thời trên địa bàn Tp HCM trong năm 2016 các cơ quan chức năng cũng sẽ tiếp tục xem xét để triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, các nhà đầu tư điện mặt trời với mức hỗ trợ 2000 đồng/kWh trong thời gian 1 năm.
Chia sẻ về định hướng phát triển ngành năng lượng TTC giai đoạn 2016 – 2020, ông Tân Xuân Hiến, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng Tập đoàn TTC cho biết: “Để đạt được mục tiêu chiến lược phát triển nguồn năng lượng xanh bền vững này, ngành năng lượng TTC đang chú trọng đẩy mạnh các hoạt động năng lượng tái tạo thông qua việc triển khai hiệu quả trong công tác vận hành tối ưu các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, các nhà máy nhiệt điện bã mía của Tập đoàn, đẩy mạnh hoạt động đầu tư “trại gió”, “trại nắng” – phát triển lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà và nối lưới … Tuy nhiên để khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, cũng như tiến tới xã hội hóa năng lượng tái tạo ( tiềm năng còn rất lớn tại Việt Nam), Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi về chính sách, về giá điện một cách nhanh chóng và thuận lợi ngay trong năm nay”.
Được biết, hiện nay nguồn điện sản xuất từ năng lượng mặt trời của TTC đang được khai thác theo 2 dạng: điện mặt trời trại nắng (solar farm) và mái nhà (rooftop). Trong đó, TTC đang đẩy mạnh triển khai dự án mái nhà có công suất khoảng 600kWp (năm 2016), dự kiến 1MWp (2017) và đưa vào sử dụng tối đa nguồn điện này để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện năng đồng thời bán lượng điện dư cho hệ thống. Đồng thời, ngành năng lượng TTC đang tích cực triển khai đầu tư các nhà máy điện mặt trời với công suất tối thiểu 7MW tại các địa bàn có tiềm năng như: Bình Thuận, Ninh Thuận, và các tỉnh miền Trung để giải quyết bài toán thiếu điện và đầu tư kinh doanh theo chủ trương khuyến khích đầu tư của chính phủ.