Điện Kremlin: Cáo buộc của Mỹ không khác gì “ống đựng bột trắng” chống Iraq năm 2003

VietTimes -- Chiến dịch khởi động cuộc chiến của Mỹ ở Iraq năm 2003 là một câu chuyện cần phải nhớ lại, khi bàn tới hành động "nhe nanh vuốt" và chỉ tay buộc tội trong bối cảnh căng thẳng trên Vịnh Ba Tư hiện nay - người phát ngôn Điện Kremlin cảnh báo.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell cầm chiếc ống chứa bột trắng như bằng chứng chống lại chính quyền Saddam Hussein (Ảnh: RT)

"Chúng tôi không bao giờ quên những ống bột trắng. Chúng tôi nhớ và bởi vậy đã học được cách kiềm chế trong khi đưa ra đánh giá về một sự việc" - Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói trong buổi phỏng vấn trên kênh Rossiya 1 của Nga.

Ông Peskov đã nhắc tới một hình ảnh nổi tiếng tại Hội đồng Bảo an LHQ chỉ vài tháng trước khi cuộc chiến Iraq bùng nổ. Trong nỗ lực biện minh cho cuộc xâm lược của Mỹ sắp xảy ra ở Trung Đông, Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ, ông Colin Powell, đã trưng ra một chiếc ống bên trong chứa thứ bột trắng để chỉ ra sự nguy hiểm của bệnh than - thứ mà Mỹ cáo buộc chính quyền Saddam Hussein đang tích trữ.

Cáo buộc cho rằng Iraq đang sở hữu virus bệnh than cùng nhiều loại vũ khí hủy diệt khác được chứng minh là không đúng sự thực, nhưng đó là sau khi Washington đã khởi động cuộc chiến và lật đổ Chính phủ ở Baghdad.

Ông Peskov nói rằng câu chuyện này giờ là lời nhắc nhở chúng ta không nên chơi trò chỉ tay cáo buộc trong bối cảnh căng thẳng trên Vịnh Ba Tư.

Ngoại trưởng Mỹ hiện nay, ông Miuke Pompeo, đã ra sức cáo buộc Iran đứng đằng sau vụ tấn công 2 tàu vận tải nước ngoài trong tuần trước, dựa vào thông tin tình báo mà ông nhận được. Hải quân Mỹ còn công bố đoạn video cho thấy tàu tuần tra Iran đang gỡ mìn bám trên thân của 1 trong 2 con tàu bị tấn công. Iran cực lực bác bỏ sự dính líu tới vụ tấn công này.

Mỹ tuyên bố rằng họ nhận được sự ủng hộ của các đồng minh như Arab Saudi và Anh. "Chúng tôi đã xong phần đánh giá tin tình báo của mình và chúng tôi đã sử dụng cụm từ "gần như chắc chắn"...Chúng tôi tin rằng không có bên nào khác thực hiện điều này" - Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt nói với BBC hôm cuối tuần trước.

Hoàng thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman thì đưa ra luận điệu cứng rắn hơn, nói rằng bằng việc "tấn công các tàu chở dầu", Iran đã nhằm vào "an ninh và sự ổn định trong khu vực".

Phát ngôn viên Điện Kremlin, trong khi đó, cho rằng không có đủ chứng cứ để cáo buộc bất cứ bên nào; việc kết luận quá vội vã và ra quyết định chóng vánh có thể dẫn tới những hậu quả khó lường.

Một số quốc gia, các chính trị gia, cũng thể hiện rõ sự hoài nghi đối với bằng chứng mà Mỹ tung ra nhằm vào Iran. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói rằng đoạn video mà Mỹ công bố là "không đủ" để đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc. Lãnh đạo Công đảng Anh Jerremy Corbyn cũng lên tiếng chỉ trích Mỹ vì cứ một mực cáo buộc Iran "mà không có bằng chứng đáng tin".