Điện đàm Antony Blinken – Dương Khiết Trì: đấu khẩu kịch liệt

VietTimes – Chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc đối đầu đầu tiên với chính phủ Trung Quốc, qua cuộc trao đổi điện thoại giữa hai ông Antony Blinken và Dương Khiết Trì.
Cuộc điện đàm Dương Khiết Trì - Antony Blinken bộc lộ sự bất đồng nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Mỹ trong nhiều vấn đề (Ảnh: HKET).

Theo trang tin Hoa ngữ Dwnews (Đa Chiều) ngày 7/2, sau khi Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Dương Khiết Trì đánh tiếng với Washington, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc điện đàm với ông Dương Khiết Trì.

Trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 5/2 (giờ Mỹ) đã thông báo về cuộc điện đàm giữa hai ông Blinken và Dương Khiết Trì như sau: “Ngoại trưởng Antony Blinken hôm nay đã nói chuyện điện thoại với ông Dương Khiết Trì và Blinken đã gửi lời chúc mừng năm mới nhân Tết âm lịch.

Ông Blinken nhắc lại rằng Washington sẽ cùng với các đồng minh và đối tác bảo vệ các giá trị và lợi ích chung. Ông cũng yêu cầu Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc đe dọa sự ổn định của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong đó có eo biển Đài Loan và làm tổn hại hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ.

Ông Blinken nhấn mạnh với Dương Khiết Trì rằng Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ nhân quyền và các giá trị dân chủ bao gồm Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông, đồng thời kêu gọi Trung Quốc tham gia cùng cộng đồng quốc tế lên án cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar. Mỹ sẽ cùng nỗ lực với các đồng minh và đối tác để bảo vệ các giá trị và lợi ích chung và buộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phải chịu trách nhiệm về những hành động đe dọa sự ổn định của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, bao gồm cả hai bờ eo biển Đài Loan và phá hoại hệ thống quốc tế dựa trên các luật lệ”.

Hơn 20 ngày sau khi ông Joe Biden nhậm chức, lãnh đạo hai nước Mỹ - Trung vẫn chưa tiếp xúc với nhau (Ảnh: Deutsche Welle).

Cá nhân ông Blinken cũng đã viết tweet (Twitter) nhấn mạnh: “Tôi đã nói rõ là Mỹ sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia của mình, ủng hộ các quan niệm giá trị dân chủ của mình và truy cứu trách nhiệm của Bắc Kinh về việc lạm dụng hệ thống quốc tế”.

Trong khi đó, trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo rằng ông Dương Khiết Trì đã đưa ra 4 đoạn mô tả về cuộc điện đàm trên: “Quan hệ Trung - Mỹ hiện tại đang ở vào thời điểm mấu chốt quan trọng. Chính phủ Trung Quốc luôn duy trì sự ổn định và liên tục ở mức độ cao trong chính sách đối với Mỹ. Trung Quốc kêu gọi Mỹ sửa chữa những sai lầm của mình trong một thời gian qua và cùng Trung Quốc đề cao không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng, tập trung hợp tác, quản lý khác biệt, thúc đẩy quan hệ Trung - Mỹ phát triển lành mạnh và ổn định”.

Ông Dương Khiết Trì nhấn mạnh: "Vấn đề Đài Loan là vấn đề cốt lõi quan trọng nhất và nhạy cảm nhất trong quan hệ hai nước. Đồng thời, các vấn đề Hồng Kông, Tân Cương, Tây Tạng là công việc nội bộ của Trung Quốc, không cho phép bất kỳ thế lực bên ngoài nào can thiệp. Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên định bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia và lợi ích phát triển”.

Trong đàm thoại, ông Dương Khiết Trì kêu gọi Mỹ sửa chữa sai lầm trong chính sách với Trung Quốc thời gian qua (Ảnh: Reuters).

Dương Khiết Trì còn nói: “Hai bên Trung Quốc và Mỹ nên tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau cũng như chế độ chính trị và con đường phát triển của nhau, và mỗi nước nên làm tốt công việc của mình. Tất cả các quốc gia trên thế giới nên duy trì một hệ thống quốc tế lấy Liên hợp quốc làm cốt lõi và luật pháp quốc tế làm nền tảng. Trật tự quốc tế cần lấy cơ sở là luật quốc tế và quan hệ quốc tế cần dựa trên tôn chỉ và nguyên tắc Hiến chương Liên hợp quốc. Đây là sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế, không phải là trật tự quốc tế dựa trên luật lệ của một vài quốc gia”.

Ông Dương Khiết Trì kêu gọi Mỹ đóng vai trò xây dựng vì hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhắc lại lập trường của Trung Quốc về tình hình hiện tại ở Myanmar, nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần tạo ra một môi trường bên ngoài tốt đẹp cho việc giải quyết ổn thỏa vấn đề Myanmar.

Trước khi diễn ra cuộc điện đàm này giữa Trung Quốc và Mỹ, Trung Quốc đã chủ động tiến hành các thăm dò ngoại giao. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải ngày 27/1 đã có một bài phát biểu mang ý nghĩa sâu xa tại Đối thoại Mỹ-Trung do Trung tâm Carter, một tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ tổ chức. Ông Dương Khiết Trì cũng đã có một bài phát biểu quan trọng với rất nhiều thông tin tại cuộc đối thoại trực tuyến qua truyền hình do Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ-Trung của Mỹ tổ chức hôm 2/2. Một số cơ quan truyền thông Hoa Kỳ nhạy bén cho rằng hai cuộc đối thoại ngoại giao Trung-Mỹ trước này là tín hiệu cho thấy Trung Quốc "đã chơi bài ngửa", chủ động đưa ra tín hiệu đối thoại.

Hiện vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy một cuộc gặp gỡ cấp cao giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung. Trong ảnh: ông Tập Cận Bình chiêu đãi ông Joe Biden ngày 25/9/2015 (Ảnh: Reuters).

Vậy ông Blinken đã đáp ứng như thế nào trước tín hiệu do hai quan chức ngoại giao Trung Quốc đưa ra trước? Điều đáng chú ý là trong nội dung mà phía Mỹ công khai, ông Blinken hoàn toàn không đề cập đến quan hệ Mỹ - Trung, và dường như ông cũng không đáp lại những lời cáo buộc của Dương Khiết Trì trong cuộc gọi này; đó là “Trung Quốc thúc giục Mỹ sửa chữa những sai lầm đã mắc phải trong thời gian qua; không xung đột hay đối đầu, tập trung vào hợp tác và quản lý sự khác biệt”.

Theo thông báo của Trung Quốc, ông Blinken nói: "Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc rất quan trọng đối với cả hai nước và thế giới. Mỹ mong muốn phát triển quan hệ song phương ổn định và mang tính xây dựng với Trung Quốc; hai bên đồng ý duy trì liên lạc và tiếp xúc về quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm. Ông Blinken nhắc lại rằng Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách một Trung Quốc và tuân thủ ba bản thông cáo chung Trung-Mỹ; lập trường chính sách này không thay đổi". Tuy nhiên, thông báo của phía Mỹ về cuộc điện đàm không hề nhắc đến những nội dung này.

Trước đó, ngày 26/1 ông Blinken tham dự phiên điều trần khi ông chính thức được Thượng viện phê chuẩn làm Ngoại trưởng Mỹ thứ 71, đã đặc biệt nhấn mạnh khi nói về cựu Tổng thống Donald Trump: “Tôi rất không đồng ý với cách làm của ông ấy trong nhiều lĩnh vực, nhưng về cơ bản là đúng về nguyên tắc. Chính quyền Trump đã đúng đắn khi thực hiện một cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc”, “Tôi cho rằng điều này thực sự rất hữu ích cho chính sách đối ngoại của chúng tôi”; “Tôi cũng muốn thấy Đài Loan đóng một vai trò lớn hơn tại các nơi trên thế giới, bao gồm trong các tổ chức quốc tế”.

Bình luận về cuộc điện đàm này, Bloomberg nói rằng hai ông Blinken và Dương Khiết Trì đã có một cuộc "tranh luận" về dân chủ và nhân quyền trong khi đối thoại.

Trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại vào ngày 4/2, Tổng thống Biden mô tả Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh gay gắt nhất" của Mỹ, nói rằng nước này đặt ra thách thức trực tiếp đối với sự thịnh vượng, an ninh và các giá trị dân chủ của Mỹ. Ông Biden nói: “Chúng tôi sẽ đối mặt với hành vi kinh tế xấu xa của Trung Quốc, chống lại các hành vi gây hấn và ép buộc của nước này, cũng như đáp trả các cuộc tấn công của Trung Quốc nhằm vào nhân quyền, quyền sở hữu trí tuệ và quản trị toàn cầu”. Ông Biden cũng nói: “Nhưng chúng tôi cũng đã chuẩn bị để làm việc với Bắc Kinh trên cơ sở phù hợp lợi ích của Mỹ”.

Về tín hiệu do ông Biden gửi đi, tờ South China Morning Post ngày 6/2 dẫn lời các nhà phân tích cho rằng quan hệ Trung-Mỹ có thể ổn định hơn do Mỹ đã nhấn mạnh sự cần thiết hợp tác trong một số lĩnh vực, nhưng căng thẳng vẫn tồn tại. Tờ Financial Times chỉ ra rằng cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, Jake Sullivan tuần trước cho biết chính phủ mới đã sẵn sàng để khiến Trung Quốc “phải trả giá cho những gì Trung Quốc đã làm ở Tân Cương và Hồng Kông, cũng như sự hiếu chiến và đe dọa đối với Đài Loan”.

Hai bên Mỹ - Trung hiện bất đồng gay gắt trong vấn đề Đài Loan (Ảnh: Deutsche Welle).

Ngày 4/2, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS McCain đi qua eo biển Đài Loan, đây là hành động đầu tiên kể từ khi chính quyền Biden nhậm chức, Financial Times phân tích rằng đây là dấu hiệu cho thấy chính quyền Biden vẫn cảnh giác trước Trung Quốc. Cùng ngày, nhà chức trách Đài Loan thông báo thành lập văn phòng tại Guyana, truyền thông Đài Loan cho rằng có bóng dáng của Mỹ đứng sau. Sau khi Guyana tuyên bố chấm dứt thỏa thuận liên quan, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 5/2 tuyên bố rằng sự ủng hộ của họ đối với Đài Loan là “vững như bàn thạch” và khuyến khích nhiều nước hơn nữa tăng cường quan hệ không chính thức với Đài Loan.

Tờ Lianhe Zaobao của Singapore tuyên bố rằng vào cuối tháng trước, Mỹ đã cử nhóm tác chiến tàu sân bay USS Roosevelt vào Biển Đông; gần đây, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ Charles Richard tuyên bố cần phải nhìn thẳng vào "khả năng thực tế về một cuộc chiến tranh hạt nhân với Trung Quốc và Nga”. Trong tuần này, Trung Quốc thông báo rằng họ đã tiến hành thành công cuộc thử nghiệm công nghệ đánh chặn tên lửa đạn đạo giai đoạn giữa từ đất liền. Điều này cho thấy trong khi nỗ lực đối thoại với Mỹ, Trung Quốc cũng đang chuẩn bị cho việc quan hệ hai nước tiếp tục xấu đi.

Đài VOA (Tiếng nói Hoa Kỳ) đưa tin rằng thông điệp quan trọng của Biden đưa ra qua việc tới Bộ Ngoại giao trước khi đến thăm Lầu Năm Góc hoặc FBI là ông sẽ tập trung vào ngoại giao và cốt lõi trong chính sách của ông là hợp tác với các đồng minh. Kênh Kinh doanh và Tin tức Tiêu dùng Mỹ (CNBC) hôm 5/2 phân tích rằng đội ngũ của ông Biden đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các đồng minh trong việc đối phó với cuộc cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh.