Dịch bệnh COVID-19 đã lây lan ra ít nhất 135 quốc gia và vùng lãnh thổ, gây nên hoang mang sợ hãi cho toàn nhân loại (Ảnh: AP) |
Italy hôm qua có thêm 2547 ca nhiễm mới, chết thêm 250 người
Italy đang phải đối mặt với thời điểm nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19 (Ảnh: Guancha).
|
Theo số liệu mới nhất do Bộ Y tế Italy công bố cuối ngày 13/3, theo giờ địa phương, hiện có 14.955 bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị tại Italy, 1.266 trường hợp tử vong và đã khỏi 1.439 người. Tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới được xác nhận là 17.660, tăng 2.547 ca so với 18 giờ chiều ngày 12/3. Có thêm 250 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ.
Trước đó, CNN dẫn lời hãng thông tấn Ansa của Italy nói, ông Stella Stella, 67 tuổi chủ tịch Hiệp hội y tế Valez ở miền bắc Italy, một chuyên gia y tế hàng đầu nước này đã bị nhiễm COVID-19 và qua đời hôm 10/3.
Trong một tuyên bố, Liên đoàn bác sĩ và chăm sóc y tế quốc gia Ý bày tỏ chia buồn về cái chết của Stella, nhấn mạnh sự đóng góp của ông cho sự nghiệp y tế của quốc gia và hy vọng rằng chính phủ hiểu được nguy cơ đối với các nhân viên y tế Italy.
“Ông ấy là một mẫu mực về năng lực và sự tận tụy của một bác sĩ gia đình. Cái chết của ông ấy cũng thể hiện sự phản kháng mạnh mẽ của tất cả các nhân viên y tế. Cho đến lúc này họ vẫn thiếu các thiết bị phòng hộ cá nhân cần thiết”.
Đan Mạch, Ba Lan tuyên bố đóng cửa biên giới để chống dịch
Chính phủ Đan Mạch tuyên bố đóng cửa biên giới trong 1 tháng kể từ hôm nay, 14/3 để chống dịch COVID-19 (Ảnh: Đông Phương).
|
Dịch COVID-19 tiếp tục lây lan rộng khắp châu Âu, và nhiều quốc gia đã áp dụng chính sách đóng cửa để ngăn chặn dịch bệnh. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tuyên bố tạm thời đóng cửa biên giới từ hôm nay, thứ Bảy (14/3) và chỉ cho phép công dân Đan Mạch nhập cảnh. Quốc gia Trung Âu Ba Lan cũng thực hiện kiểm soát biên giới toàn diện và thực hiện cách ly 14 ngày đối với công dân Ba Lan và người nước ngoài nhập cảnh.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen hôm 13/3 đã công bố chính sách đóng cửa biên giới, nói biên giới sẽ đóng cửa cho đến ngày 13/4, các công dân không phải là người Đan Mạch không được vào hoặc ra khỏi Đan Mạch trong thời gian này trừ khi xảy ra trường hợp khẩn cấp đặc biệt; giao quân đội chịu trách nhiệm bảo vệ biên giới, bất kỳ người nước ngoài nào cũng bị từ chối nhập cảnh nếu không có sự chấp thuận của chính phủ. Tuy nhiên, tất cả hàng hóa vẫn được nhập, lệnh cấm không áp dụng cho tài xế xe tải chở hàng.
Bà Mette Frederiksen kêu gọi người dân Đan Mạch tránh đi du lịch nước ngoài trong dịp lễ Phục sinh tới đây. Chính phủ trước đó cũng đã đề nghị công dân không nên ra nước ngoài trừ khi cần thiết. Ngoài ra, Mette Frederiksen cũng tiết lộ bà cảm thấy không khỏe, nhưng kết quả xét nghiệm virus cho thấy bà không bị nhiễm bệnh.
Đồng thời, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố rằng một cuộc kiểm tra biên giới toàn diện sẽ được thực hiện trong ít nhất 10 ngày tới, tất cả công dân Ba Lan và người nước ngoài nhập cảnh đều sẽ bị cách ly. Ông Mateusz Morawiecki nói rằng trong tình hình hiện tại, chính phủ không thể tiếp tục mở cửa biên giới cho người nước ngoài và tìm mọi cách giảm thiểu rủi ro. Bộ Nội vụ mô tả rằng hiện thời không phải là thời điểm thích hợp để đến Ba Lan, nhưng du khách sau khi đến Ba Lan có thể tự do di chuyển khắp đất nước sau khi đã cách ly.
Ngoài ra, chính phủ Ba Lan cấm các cuộc tụ họp công cộng có hơn 50 người. Các nhà hàng và quán bar, trung tâm mua sắm đã đóng cửa; tất cả các chuyến bay và tàu hỏa quốc tế sẽ bị đình chỉ vào Chủ nhật 15/3.
Campuchia đã có 7 ca nhiễm COVID-19
Bộ Y tế Campuchia thông báo đã có 7 người bị nhiễm COVID-19 ở Campuchia (Ảnh: Huanqiu)
|
Bộ Y tế Campuchia ngày 13/3 đã ra thông báo, nói có thêm 2 trường hợp mới mắc bệnh COVID-19 được chẩn đoán đưa tổng số người bị bệnh được xác nhận đã tăng lên 7.
Bộ Y tế Campuchia cho biết, 2 bệnh nhân mới được xác nhận là người Canada và người Bỉ, hiện đang được điều trị tại một bệnh viện ở thủ đô Phnom Penh và các ngành liên quan đang tìm kiếm những người tiếp xúc gần gũi với họ.
Ivanka, con gái Tổng thống Donald Trump phải làm việc ở nhà vì tiếp xúc gần với Bộ trưởng Nội vụ Australia Peter Dutton
Ông Peter Dutton (thứ 3, phải qua) đứng bên cạnh Ivanka Trump khi chụp ảnh chung (Ảnh: Sohu).
|
Theo The Hill của Mỹ, Văn phòng Nhà Trắng hôm 13/3 theo giờ địa phương thông báo: “Xuất phát từ việc cân nhắc thận trọng”, con gái của Tổng thống là Ivanka Trump đã làm việc tại nhà từ ngày 13/3. Trước đây, bà Ivanka đã liên hệ chặt chẽ với Bộ trưởng Nội vụ Australia Dutton, người được chẩn đoán đã bị nhiễm COVID-19.
Bộ trưởng Nội vụ Australia Peter Dutton ngày 13/3 đã đưa ra một tuyên bố trên mạng xã hội nói rằng ông bị sốt, đau họng và các triệu chứng khác vào ngày hôm đó. Sau đó, ông đã được xét nghiệm virus Corona chủng mới và dương tính. Trước đó, ngày 5/3, ông Dutton đã đến thăm Mỹ, gặp gỡ và chụp ảnh chung với bà Ivanka và Bộ trưởng Tư pháp William Barr cùng một số quan chức cấp cao.
Báo cáo nội bộ của Mỹ dự báo tình huống xấu nhất Mỹ có thể chết 1,7 triệu người
Báo cáo của Hiệp hội Đối ngoại Hoa Kỳ và tổ chức phi lợi nhuận y tế “Save Life” dự đoán rằng có tới hơn 1,6 triệu người sẽ chết vì COVID-19 (Ảnh: Guancha)
|
Dịch bệnh viêm phổi cấp do coronavirus mới (COVID-19) đã bắt đầu lan rộng ở Mỹ; Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố Mỹ bước vào tình trạng khẩn cấp. Một bản báo cáo dự đoán căn cứ mô hình của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho thấy vụ dịch lần này có thể gây ra 1,7 triệu ca tử vong trên khắp nước Mỹ.
Theo trang tin Đa Chiều, tờ New York Times ngày 13/3 đã trích dẫn các tài liệu nội bộ cho biết, nhà phân tích mô hình của CDC Matthew Biggerstaff đã giới thiệu tình hình dịch bệnh có thể xảy ra của Mỹ cho một nhóm khoảng 50 chuyên gia toàn thế giới trong một cuộc hội nghị điện thoại tổ chức hồi tháng 2.
Một trong 4 kết quả của mô hình phát triển dịch bệnh cho thấy có khoảng từ 160 triệu đến 214 triệu người Mỹ dự kiến sẽ bị nhiễm bệnh và dịch có thể kéo dài một năm. Trong trường hợp xấu nhất, 1,7 triệu người sẽ chết vì COVID-19 ở Mỹ. Ngoài ra, Biggstaff dự đoán rằng 2,4 triệu đến 21 triệu người Mỹ cần phải nhập viện. Đáng chú ý, báo cáo thường niên 2020 của Hiệp hội các bệnh viện Mỹ cho biết: hiện nay cả nước Mỹ chỉ có 924.107 giường bệnh. Điều đó có nghĩa là trong tình huống xấu nhất mà Matthew Biggerstaff dự kiến, hệ thống điều trị y tế của Mỹ sẽ sụp đổ.
New York Times cho biết, báo cáo đã không được công khai cho đến nay. Ira Longini, một nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Đại học Florida, người đã tham dự cuộc họp, giải thích rằng điều này là do các chuyên gia không hiểu đầy đủ về virus Corona chủng mới. “Chúng tôi rất, rất, rất cẩn thận để đảm bảo rằng mô hình của chúng tôi là khoa học và có thể phản ánh chân thực dịch bệnh. Nếu bạn đưa ra, công chúng sẽ hoảng loạn”.
Số liệu thống kê giường bệnh trong báo cáo năm 2020 của Hiệp hội bệnh viện Mỹ (Ảnh Guancha).
|
Ngoài Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, một số chuyên gia ở Mỹ gần đây cũng đã dự đoán sự bùng phát. Ví dụ, một báo cáo chung của Hiệp hội Đối ngoại Hoa Kỳ và tổ chức phi lợi nhuận y tế “Save Life” dự đoán rằng có tới hơn 1,6 triệu người sẽ chết vì COVID-19. Nhóm của Đại học Harvard dự đoán rằng tối đa có thể có tới 4.2 tỷ người sẽ bị nhiễm bệnh trên toàn thế giới.
Về điều này, Devin O'Malley, người phát ngôn của Nhóm Công tác dịch bệnh Nhà Trắng, trả lời rằng không có quan chức cấp cao nào của bộ y tế đã nộp báo cáo này cho nhóm công tác, và Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence (trưởng nhóm công tác) cũng chưa thấy mô hình đó.
Tướng chỉ huy của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran chết vì COVID-19
Tướng Nasser Shabani (Ảnh: Sina).
|
Theo Đài Truyền hình quốc gia Iran, tướng Nasser Shabani, chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, đã chết vì viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19).Ông Shabani là chỉ huy của Lực lượng Vệ binh Cách mạng trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq và là cựu Phó Tư lệnh Căn cứ Taharalah của Vệ binh Cách mạng Tehran. Căn cứ này chịu trách nhiệm về an ninh của thủ đô Tehran và là một trong những căn cứ quan trọng nhất của Vệ binh Cách mạng.
Theo Bộ Y tế Iran vào ngày 13/3, Iran đã có thêm 1.289 trường hợp nhiễm virus Corona chủng mới và 85 trường hợp tử vong. Tính đến trưa 13/3 giờ địa phương, óc tổng cộng 11.364 trường hợp COVID-19 đã được xác nhận tại Iran, trong đó 3.529 người đã hồi phục và 514 người bị chết.
Dịch Covid-19 tiếp tục lây lan mạnh ra khắp thế giới. Tại Trung Quốc, theo Ủy ban Y tế và Sức khỏe quốc gia, số bị bệnh mới, nghi nhiễm và tử vong tiếp tục giảm mạnh, duy trì ở mức hàng chục (số tử vong lần đầu tiên xuống đến mức dưới 10 người/ngày), chủ yếu ở tỉnh Hồ Bắc, số người đã khỏi bệnh xuất viện tăng nhanh. Hầu hết các địa phương trừ Hồ Bắc đã khôi phục các hoạt động đi lại và sản xuất bình thường. Trung Quốc hiện siết chặt công tác kiểm dịch đối với người từ nước ngoài nhập cảnh để ngăn chặn nguồn dịch từ các nước vùng có dịch nghiêm trọng ở châu Âu, Iran, Hàn Quốc, Mỹ...lây lan vào Trung Quốc.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh trên thế giới tiếp tục diễn ra phức tạp và rất nghiêm trọng tại một số nước châu Á như Hàn Quốc, Iran, Nhật; đặc biệt là các quốc gia châu Âu như Italy, Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ, Bỉ, Hà Lan, Na Uy, Đan Mạch và Mỹ ...Đã có ít nhất 135 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới bị dịch bệnh COVID-19 tấn công với số người mới bị bệnh, số tử vong đều tăng rất nhanh; trong đó Italy và Iran đã có số người bị bệnh vượt mốc 10 ngàn. Tổng số ca bị bệnh ngoài Trung Quốc đã hơn 57 ngàn người, số tử vong đang tăng rất nhanh (363 người/ngày).
Theo trang tin Trung Quốc Guancha, tính đến 24h00 đêm 13/3, số ca mắc bệnh trong cả nước này được báo cáo là 81.007 (tăng 15 ca); nghi nhiễm 88 ca (tăng 3), đã xuất viện 64.226 người, (tăng 1.339) số người tử vong đã tới 3.181 (tăng 8, riêng Vũ Hán: 5); hiện còn đang điều trị 13.600 người
Tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm của dịch bệnh theo thống kê sơ bộ có 67.786 ca bị bệnh (tăng 5,Vũ Hán 49.986); đã chữa khỏi 51.553 (Vũ Hán 35.187), tử vong 3.062 (tăng 6, Vũ Hán 2.436).
Hồng Kông đã có 134 người bị bệnh (chết 4), Đài Loan: 50 ca (chết 1), Ma Cao: 10 người bị bệnh.
Số người khỏi bệnh xuất viện ở Trung Quốc đang tăng rất nhanh (Ảnh: Tân Hoa xã).
|
Tính đến 6 giờ sáng ngày 14/3, trên toàn thế giới đã có ít nhất 135 quốc gia và vùng lãnh thổ bị dịch bệnh COVID-19 tấn công với ít nhất 138.013 người bị bệnh (tăng 10.307 người), chết 5.097 người (tăng 363 người). Trong đó:
Châu Á: bị bệnh 102.919 người, chết 3.802, đã chữa khỏi 68.662 (trong đó, các quốc gia bị nặng ngoài Trung Quốc là: Hàn Quốc: bị bệnh 7.979, chết 72; Iran: bị bệnh 11.364, chết 514; Nhật Bản: bị bệnh 711, chết 19; Singapore: bị bệnh 200 người; Malaysia: bị bệnh 158, Bahrain: bị bệnh 210, Israel: bị bệnh 126; Qatar: bị bệnh 262).
Tàu Diamond Princess: bị bệnh 697, chết 7; tàu Grand Princess: bị bệnh 21.
Châu Âu: bị bệnh 32.013 người, tử vong 1236 (riêng Italy có 15.113 người bị bệnh, chết 1.016 – Theo Thewuhanvirus: bị bệnh 17.660, chết 1266; Tây Ban Nha: bị bệnh 4.209, chết 120; Pháp: bị bệnh 2.876, chết 61; Đức: bị bệnh 3.117, chết 7, Anh: bị bệnh 5.90, chết 6; Thụy Sĩ: bị bệnh 1009, chết 4; Bỉ: bị bệnh 556, chết 3; Thụy Điển: bị bệnh 683, chết 8; Áo: bị bệnh 361, chết 1; Na Uy: bị bệnh 703; Hà Lan: bị bệnh 804, chết 5; Đan Mạch: bị bệnh 785; Iceland: bị bệnh 109; Hy Lạp: bị bệnh 117, chết 1; Phần Lan: bị bệnh 155).
Bắc Mỹ: bị bệnh 1.863, chết 41 (Mỹ: bị bệnh: 1.635, chết 39: Canada: bị bệnh 149, chết 1).
Nam Mỹ: bị bệnh 97, chết 2.
Châu Đại Dương: bị bệnh 150, chết 3.
Châu Phi: bị bệnh 174, chết 6.