Điểm tin cuối tuần: Giá điện bán lẻ bình quân tăng hơn 6%, OPEC tiếp tục cắt giảm sản lượng

VietTimes - Cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2017 thảo luận nhiều vấn đề quan trọng về kinh tế  - xã hội; Giá điện bán lẻ bình quân tăng 6,08%; OPEC tiếp tục kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng...là những tin tức kinh tế đáng chú ý tuần vừa qua (27/11 - 03/12).
Thủ tướng nhấn mạnh 3 nội dung trọng tâm chỉ đạo điều hành năm 2018 (Nguồn: VGP)

Thủ tướng Chính phủ nêu 3 trọng tâm chỉ đạo điều hành năm 2018

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2017, phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng đã nêu rõ định hướng xây dựng dự thảo Nghị quyết 01/2018, văn bản chủ đạo, quan trọng nhất trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ và cả hệ thống hành chính Nhà nước trong năm 2018 và giao một số nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh 3 nội dung trọng tâm chỉ đạo điều hành năm 2018.

Mục tiêu quan trọng nhất là hoàn thành toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2018 theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng.

Thứ hai, quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật và chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp.

Thứ ba, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm; chú trọng hơn nữa phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Giá bán lẻ điện bình quân tăng 6,08% kể từ 01/12/2017

Ngày 30/11/2017, Bộ Công thương đã có công bố thông tin về Chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2016 và điều chỉnh giá bản lẻ điện bình quân năm 2017.

Trả lời báo chí về vấn đề này, trong buổi họp báo sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng trong thời gian vừa qua, từ tháng 3/2015 đến nay, nghĩa là 2 năm 9 tháng, giá điện không có sự điều chỉnh, trong khi đầu vào của những thứ làm ra điện tăng rất nhiều, đặc biệt là than và nhiều yếu tố khác.”

Quang cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2017 (Nguồn: VGP)
Đại diện Bộ Công thương cũng cho biết, việc tăng giá bán lẻ điện lần này được thực hiện trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 đã được kiểm toán độc lập (Công ty kiểm toán Deloite) và kiểm tra bởi Tổ công tác liên Bộ. Trong đó có xem xét đến các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào và các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 và chi phí ước thực hiện năm 2017 theo quy định tại Quyết định số Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán điện lẻ bình quân.

Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân tăng lên mức 1.720,65 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), tăng 6,08% so với giá bán hiện hành 1.622,01 đồng một kWh. Thời điểm điểu chỉnh là từ 01 tháng 12 năm 2017.

Đánh giá về vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng Bộ Công thương vẫn chưa tính hết các yếu tố làm giảm giá thành hệ thống điện, quyết định tăng giá vẫn còn chưa có sự tham gia của người mua điện mà chỉ có bên bán điện của Nhà nước là EVN và thông báo đưa ra có phần khiến doanh nghiệp, người dân rơi vào thế bị động. Do đó, các chuyên gia đề nghị tiếp tục có giải trình minh bạch, thuyết phục hơn về việc tăng giá điện.

Thoái vốn Nhà nước sẽ còn nhiều bất ngờ

Trong tuần vừa qua, Bộ Xây dựng đã thoái vốn thành công tại Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (HOSE: DIG) ngay trên sàn giao dịch. Cụ thể, giao dịch được thực hiện ngày 28/11, Bộ Xây dựng đá bán hết 118,3 triệu cổ phiếu DIG, tương đương với 49,65% vốn điều lệ tại mức giá tối thiểu là 15.000 đồng. Như vậy, Bộ Xây dựng có thể thu về ít nhất 1.774 tỷ đồng từ đợt thoái vốn này.

Bộ Công thương (BCT) cũng đã có thông tin về việc chào bán cổ phần nhà nước tại Sabeco (HOSE: SAB). Theo đó, BCT đang triển khai bán 343.662.587 cổ phần của Nhà nước, tương đương với 53,59% vốn điều lệ của Sabeco, do BCT làm đại diện chủ sở hữu. Ngày tổ chức chào bán là 18/12/2017. BCT đã “chốt” mức giá khởi điểm chào bán là 320.000 đồng/cổ phiếu, cao gấp 1,7 lần mức giá mà đơn vị tư vấn đưa ra.

Buổi Roadshow "Giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phần SCIC tại NTP, BMP, DMC, FPT" (Nguồn: SCIC)

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra vào chiều ngày 1/12, Thứ trưởng BCT Đỗ Thắng Hải cũng thông tin cho biết Nhà nước có thể thu về được 9 tỷ USD từ thoái vốn Sabeco, cao hơn nhiều dự kiến ban đầu.

Trong khi đó, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã phải lùi thời điểm chào bán vốn tại một số doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán trong khi “hạn chót” trong tháng 12 năm 2017 mà Thủ tướng Chính phủ đề ra đang đến dần. Về tiến độ thực hiện, SCIC thông báo sẽ triển khai bán phần vốn của SCIC tại DMC trong tháng 12 năm 2017 và tiếp tục hoàn thiện hồ sơ bán vốn của SCIC tại NTP, BMP, FPT trong tháng 12 năm 2017.

Được biết, ĐHĐCĐ bất thường của CTCP Nhựa Tiền Phong (HNX: NTP) đã không thông qua được việc nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100%. Điều này được đánh giá là sẽ khiến SCIC gặp khó khăn hơn trong việc chào bán cổ phần tại doanh nghiệp này với mức giá có lợi nhất cho Nhà nước.

“SCIC sẽ thông báo sớm nhất lộ trình bán vốn cụ thể đối với từng doanh nghiệp sau khi có phê duyệt chính thức từ các cấp có thẩm quyền.”, thông báo của SCIC cho biết thêm.

OPEC tiếp tục kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng

Ngày 30/11/2017, các bộ trưởng dầu mỏ của OPEC và các nước sản xuất chính ngoài OPEC đã họp tại Vienna quyết định tiếp tục gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu sau thời hạn tháng 3/2018.

“Đồng ý với quyết định này, các nước thành viên đã khẳng định tiếp tục tập trung vào ổn định và cân bằng thị trường dầu, vì lợi ích của cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Các nước thành viên vẫn cam kết trở thành nhà cung cấp và các sản phẩm đáng tin cậy cho thị trường toàn cầu.”, kết luận cuộc họp thứ 173 của OPEC có đoạn.

OPEC cũng đưa ra quan điểm không chắc chắn về nguồn cung và ở mức độ tăng trưởng nhu cầu, dự kiến vào tháng 6/2018 cơ hội cho các hoạt động điều chỉnh tiếp theo sẽ được xem xét dựa trên các điều kiện thị trường và tiến bộ đạt được trong việc tái cân bằng thị trường dầu mỏ tại thời điểm đó.

Theo hãng tin Reuters, các nước tham gia thỏa thuận cũng đưa ra khả năng kết thúc thỏa thuận sớm hơn dự kiến nếu thị trường dầu lửa toàn cầu có dấu hiệu quá nóng.

Sau thông tin từ phía OPEC, giá dầu tiếp túc có những phản ứng tích cực. Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ giao sau tại thị trường Mỹ đã tăng lên mức 57,62 USD/thùng; giá dầu Brent cũng tăng lên mức 63,75 USD/thùng.