Điểm sáng từ nợ vay do Chính phủ bảo lãnh

VietTimes - Nhiều người lo ngại vấn đề nợ công, nhưng ở một góc nhìn khác, việc Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước lại có một số điểm tích cực.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Dữ liệu trong Bản tin nợ công số 4, do Cục quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ tài chính ban hành mới đây, đã khắc họa khá rõ nét bức tranh nợ vay do Chính phủ bảo lãnh. Như vậy, sau 19 tháng kể từ bản tin nợ công số 3, sự gia tăng của các chỉ số nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia mới có thêm mắt xích mới.

Khi NCĐT đối chiếu chéo bản tin này với số liệu từ báo cáo tổng hợp tình hình bảo lãnh nợ của Chính phủ năm 2015, tổng số tiền Chính phủ phải đứng ra cam kết bảo lãnh trong giai đoạn 2011-2015 đã tăng gấp gần 3 lần giai đoạn liền trước đó (2007-2010).

“Bộ Tứ” góp mặt trong danh sách các doanh nghiệp quốc doanh được Chính phủ “đỡ đầu” vay vốn gồm Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy. Tính chung, trong năm 2015, tổng dư nợ của các doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ bảo lãnh tương đương 11,1% GDP, tức xấp xỉ 21 tỉ USD và chiếm 19% tổng dư nợ công quốc gia.

Trong khi đó, tỉ lệ nợ vay do Chính phủ bảo lãnh trên vốn chủ sở hữu của khối doanh nghiệp nhà nước là 1,41 lần vào năm 2014. Nợ vay do chính phủ bảo lãnh của khối doanh nghiệp nhà nước tăng là một trong những nguyên nhân góp phần làm tăng tổng nợ quốc gia. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, tỉ lệ 1,41 lần vẫn nằm trong ngưỡng quy định cho phép. Cơ sở đưa ra là Nghị định 206 về quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Theo đó, từng doanh nghiệp phải ban hành và thực hiện quy chế quản lý nợ, bảo đảm hệ số nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần.

Tổng nợ phải trả dưới tên các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng đã lên tới 1,57 triệu tỉ đồng vào năm 2014. Việc nợ vay của khối doanh nghiệp nhà nước tăng dần, theo chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh, đã đặt ra áp lực trả nợ rất lớn cho ngân sách nhà nước, nhất là trong bối cảnh biến động tỉ giá từ các đồng tiền vay nợ chủ chốt như USD và yen. Giai đoạn 2011-2015, trong tổng số vốn cam kết có giá trị khoảng 15,6 tỉ USD mà Bộ Tài chính đã cấp cho tổng cộng 35 dự án, có đến 14 tỉ USD là vốn vay ngoại tệ từ nước ngoài với thời hạn trả nợ trung bình 12 năm.

Điểm sáng từ nợ vay do Chính phủ bảo lãnh ảnh 1

Vay và trả nợ được Chính phủ bảo lãnh 2010-2014

Tất cả những điều này đã khiến cho nhiều người lo ngại, không chỉ là vấn đề nợ công gia tăng mà còn là sức ép về lộ trình trả lãi và gốc của các khoản nợ quốc tế khi đến hạn. Dẫu vậy, ở một góc nhìn khác, việc Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước lại có một số điểm tích cực. Trước hết là quy mô và lãi suất của khoản vay. Nhìn vào bảng xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức Fitch Ratings và Moody’s, có thể thấy các doanh nghiệp Việt đang đối mặt với khó khăn “trùng điệp” trong việc tiếp cận dòng vốn ngoại có giá trị lớn với lãi suất ưu đãi. Khó khăn này sẽ phần nào được tháo gỡ khi Chính phủ đứng ra bảo lãnh khoản vay cho doanh nghiệp, vì chi phí của khoản vay có bảo lãnh sẽ thấp hơn so với trường hợp doanh nghiệp trực tiếp vay thương mại thông thường.

Các định chế tài chính nước ngoài sở dĩ vẫn đánh giá cao “bảo lãnh chính phủ” của Việt Nam là vì họ dựa vào các chỉ số phân tích định lượng uy tín quốc gia, mà một trong số đó là chỉ số Hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS). Theo đó, các chủ nợ quốc tế, khi muốn phòng chống rủi ro vỡ tín dụng các khoản vốn mà họ đã cho vay trên lãnh thổ Việt Nam, sẽ thông qua một ngân hàng đầu tư trung gian để mua một hợp đồng CDS. Thông thường, họ chấp nhận trả một khoản phí đều đặn hằng năm và có thời hạn trùng với khoản vốn đã cho các doanh nghiệp Việt Nam vay.

Hiện tại, chỉ số CDS 5 năm của Việt Nam đang ở mức 229 điểm và CDS 10 năm ở mức 298 điểm. Đường CDS 5 năm của Việt Nam, theo thống kê của Bloomberg, mặc dù có tăng trong giai đoạn 2011-2015 nhưng vẫn ổn định, chứng tỏ niềm tin của nhà đầu tư quốc tế vào sức khỏe nền kinh tế quốc gia cũng như các khoản nợ do Chính phủ bảo lãnh.

Mặt khác, hầu hết chính phủ các nước đều bảo lãnh cho khối doanh nghiệp quốc doanh vay vốn nước ngoài như một bước trung gian thực hiện các dự án đầu tư cấp bách, trọng điểm, đặc biệt quan trọng của Nhà nước, đáp ứng cho nhu cầu đầu tư phát triển.

Việc gia tăng các khoản vay nợ do Chính phủ bảo lãnh còn có một lý do quan trọng khác. Theo kế hoạch, chỉ còn đúng 1 năm nữa, tức đến tháng 7.2017, World Bank sẽ tuyên bố chấm dứt viện trợ ODA với Việt Nam. Sau đó Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các nhà tài trợ song phương cũng chuyển dần hình thức hỗ trợ Việt Nam. Rõ ràng, khi trong tương lai gần, Chính phủ Việt Nam sẽ phải tiếp cận nguồn vốn vay thương mại với lãi suất trung bình cao hơn từ 1,5-3 điểm phần trăm, việc gia tăng bảo lãnh Chính phủ cho các doanh nghiệp nhà nước đã trực tiếp hỗ trợ khối doanh nghiệp này tiếp cận lượng vốn quốc tế lớn với chi phí thấp, nhằm đảm bảo hoàn thành các dự án đặc biệt quan trọng với sự phát triển của nền kinh tế.

Theo NCĐT