Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp: Lượng bệnh nhân đến khám tại bệnh viện giảm

VietTimes -- Ngày 11/3, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lượng bệnh nhân đến khám tại các bệnh viện có xu hướng giảm đi đáng kể so với trước đó.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Minh Thúy
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Minh Thúy

Trao đổi với PV VietTimes, TS. BS. Dương Đức Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai – cho biết, trước tình hình dịch COVID-19 diễn phức tạp, số lượng bệnh nhân đến tái khám định kỳ tại Bệnh viện Bạch Mai có dấu hiệu giảm so với trước đây.

Do Bệnh viện Bạch Mai có tính chất là bệnh viện đặc biệt tuyến cuối nên người bệnh đến bệnh viện sẽ có 2 nhóm bệnh nhân gồm: bệnh nhân buộc phải đến (bệnh nhân nặng, bệnh nhân ở các nơi chuyển đến) và bệnh nhân đến tái khám định kỳ.

Thực tế, số lượng bệnh nhân nặng ở Bệnh viện vẫn cố định. Không phải vì có dịch mà lượng bệnh nhân này giảm đi, lượng bệnh nhân đến khám vẫn không thay đổi.

Bác sĩ kiểm tra thân nhiệt cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Minh Thúy
Bác sĩ kiểm tra thân nhiệt cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Minh Thúy 

Các khoa tại Bệnh viện như Hồi sức cấp cứu, Cấp cứu tim mạch,… vẫn có một số lượng lớn bệnh nhân đến khám và ở lại điều trị. Bởi hầu hết các bệnh nhân đều là người già, người cao tuổi bị suy tim, phải đặt stent,…

Vì thế, số lượng bệnh nhân tới Bệnh viện tái khám định kỳ giảm, số lượng bệnh nhân nặng, nội trú không nhiều và không có sự thay đổi so với trước.

Đối với các bệnh nhân đến khám theo chương trình, lượng bệnh nhân này có dấu hiệu giảm đi là do người dân lo lắng trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và truyền thông có hiệu quả. “Đây là một dấu hiệu đáng mừng bởi nó tránh được việc tập trung đông người, quá tải tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.” - TS. BS. Hùng nói.

Theo BS Hùng, những nhóm bệnh không thể tránh được như suy tim, các bệnh lý về tim mạch,… vẫn phải đến bệnh viện để thăm khám.

Tương tự như Bệnh viện Bạch Mai, lượng bệnh nhân tới khám tại Bệnh viện phổi Trung ương cũng giảm đáng kể.

PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương - cho hay: Đến thời điểm hiện tại, lượng bệnh nhân đến khám tại khoa khám bệnh đã giảm 50%. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân nặng, điều trị nội trú tại Bệnh viện vẫn giữ nguyên. 

PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung chia sẻ: Là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về phổi, tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân nặng, có bệnh phổi từ trước khi mắc COVID-19, Bệnh viện Phổi Trung ương đã chủ động đưa ra hướng dẫn thực hành lâm sàng dựa theo hướng dẫn khung của Bộ Y tế.

PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: Minh Thúy
PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: Minh Thúy 

Để đáp ứng nhu cầu của người bệnh, sẵn sàng trước mọi tình huống của dịch, Bệnh viện đã chuẩn bị 40 giường bệnh, đầu tư các trang thiết bị như máy thở, máy hút,… Cùng với đó, Bệnh viện đã xây dựng phòng labo với máy REALTIME-PRC, KIT test tự động đến từ Hàn Quốc để sử dụng trong trường hợp cần thiết.

Thông tin thêm về việc điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung chia sẻ: Với bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở thể nhẹ, người bệnh sẽ được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế nhằm tăng cường sức miễn dịch, đề kháng để cơ thể sản sinh ra kháng thể chống lại dịch bệnh. 

Trong trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 ở thể nặng, có bệnh nền như: viêm phổi, mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, xơ phổi, ung thư phổi,… Bệnh viện đã có hướng dẫn thực hành lâm sàng cụ thể - điều trị song song bệnh nền của bệnh nhân với bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona mới (COVID-19) để tránh tình trạng suy hô hấp. Có thể phải sử dụng kháng sinh điều trị mạnh ngay từ đầu, Corticoid, hỗ trợ thở oxy,…

Ngoài ra, theo ghi nhận của VietTimes, số lượng bệnh nhân đến thăm khám, điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong những ngày gần đây đã giảm 20%. 

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) đã không còn bệnh nhân đến khám bệnh, các bác sĩ chủ yếu tập trung mọi nguồn lực cho việc cách ly, điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19.