Hướng dẫn, nhắc nhở người dân quét mã QR khi ra vào địa điểm công cộng
Lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên, một trong những địa phương được đánh giá mức độ “Nguy cơ” về dịch Covid-19, vừa yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh chỉ đạo và triển khai giải pháp quét mã QR của các địa điểm công cộng, nơi tập trung đông người.
Cùng với Phú Yên, những ngày cuối tháng 6 vừa qua, nhiều địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Gia Lai, Quảng Ninh… đã chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn đẩy mạnh triển khai giải pháp quét mã QR để quản lý thông tin người ra, vào cơ quan, tổ chức, cơ sở, địa điểm phục vụ phòng chống dịch Covid-19 .
Cụ thể, UBND các tỉnh giao UBND cấp huyện chỉ đạo quyết liệt việc khai báo y tế điện tử và quét mã QR để kiểm soát thông tin người ra vào đối với các cơ quan, tổ chức, cơ sở, địa điểm trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định 2666 ngày 29/5.
Mục tiêu là đảm bảo tất cả đối tượng áp dụng gồm các địa điểm kinh doanh, làm việc giải trí và nơi tập trung đông người trên địa bàn các tỉnh đều triển khai việc quét mã QR quản lý thông tin người ra vào, đồng thời thực hiện các giải pháp hướng dẫn, nhắc nhở, yêu cầu người dân khi ra vào cơ quan, tổ chức, công sở, các địa điểm công cộng cần quét mã QR.
Hệ thống quản lý vào ra các địa điểm công cộng, nơi tập trung đông người bằng mã QR là một trong những giải pháp công nghệ đã được Bộ TT&TT đề nghị các địa phương áp dụng. |
Cùng với đó, lãnh đạo UBND cấp huyện còn có trách nhiệm chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn huy động toàn bộ hệ thống chính trị ở địa bàn vào cuộc theo phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà” để phát tài liệu hướng dẫn, đề nghị tất cả các cơ quan, tổ chức, cơ sở, địa điểm thực hiện quét mã QR nhằm kiểm soát thông tin người ra, vào. Tuy nhiên, các UBND cấp xã được lưu ý quá trình triển khai vẫn phải đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Ban Quản lý các khu công nghiệp ở địa phương tăng cường tuyên truyền để tất cả doanh nghiệp hoạt động trong các khu áp dụng biện pháp quét mã QR hỗ trợ quản lý thông tin người vào ra và yêu cầu triệt để toàn thể cán bộ, công nhân viên và người lao động tuân thủ.
Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND các tỉnh cũng có chỉ đạo cụ thể với người đứng đầu các Sở: GD&ĐT, LĐTB-XH, Giao thông vận tải, Y tế và một số cơ quan, tổ chức tại địa phương về việc triển khai biện pháp quét mã QR để quản lý thông tin người vào ra.
Đơn cử như, với Sở Y tế, bên cạnh nhiệm vụ chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế áp dụng giải pháp quét mã QR để quản lý thông tin người ra vào, cơ quan này cũng có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở TT&TT và các đơn vị liên quan sử dụng hệ thống công nghệ do Trung tâm công nghệ phòng, chống Covid-19 quốc gia cung cấp, phục vụ cho công tác quản lý, truy vết, đồng thời tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
Giải pháp quan trọng hỗ trợ truy vết, khoanh vùng dịch
Hệ thống quản lý vào ra các địa điểm công cộng, nơi tập trung đông người bằng mã QR là một trong những giải pháp công nghệ đã được Bộ TT&TT đề nghị các địa phương áp dụng từ cuối tháng 4 để góp phần phát hiện sớm, khoanh vùng dịch hiệu quả.
Tuy nhiên, trong công văn mới gửi tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào ngày 25/6, Bộ TT&TT nhận định, việc triển khai quét mã QR khi đến các địa điểm công cộng, nơi tập trung đông người ở một số địa phương còn hạn chế.
Nhấn mạnh quản lý vào, ra các địa điểm công cộng, nơi tập trung đông người bằng mã QR là giải pháp rất quan trọng hỗ trợ việc truy vết, Bộ TT&TT đề nghị lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt và toàn diện các Sở, ban, ngành, chính quyền địa phương phối hợp áp dụng giải pháp này trên địa bàn.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển từ phòng ngừa sang tấn công Covid-19 bằng công nghệ, cuối tháng 5, Bộ Y tế đã ra Quyết định 2666 ban hành Hướng dẫn sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ: “Người dân có smartphone cần cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế để thực hiện khai báo y tế điện tử và sinh mã QR. Khi đến nơi công cộng, tập trung đông người phải cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần và bật chế độ Bluetooth.Sử dụng mã QR được in ra hoặc đã lưu trong điện thoại để khai báo y tế và chịu trách nhiệm về các thông tin khai báo y tế của mình. Khi đến các địa điểm cần khai báo y tế, đưa mã QR cho nhân viên kiểm soát thực hiện quét hoặc dùng điện thoại để tự quét mã QR tại điểm đó” .
Một điểm khác biệt trong triển khai các giải pháp công nghệ hỗ trợ chống dịch giai đoạn hiện nay là dữ liệu đã được kết nối, liên thông và tập trung về một hệ thống do Bộ Y tế và Bộ TT&TT quản lý.
Nhờ đó, dữ liệu khai báo của người dân, gồm cả khai báo y tế, khai báo di chuyển nội địa, quản lý vào ra bằng mã QR hay thông tin phản ánh, báo cáo dịch bệnh của tất cả các ứng dụng hỗ trợ phòng chống Covid-19 đều được tổng hợp về Kho dữ liệu chung, phục vụ cho địa phương, các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, nhà máy theo dõi, quản lý được số liệu. Đặc biệt là giúp tổ truy vết tại Trung ương và địa phương tìm kiếm, truy vết nhanh chóng các ca nghi nhiễm dịch.
Bên cạnh đó, một số ca nhiễm có lịch trình di chuyển qua nhiều địa bàn, nhiều tỉnh nên việc đồng bộ, liên kết và tập trung dữ liệu sẽ giúp cho việc truy vết, khoanh vùng dịch xuyên suốt trên toàn quốc, không bị hạn chế bởi bất cứ hệ thống hay địa phương nào.
Khi mọi người cùng tham gia khai báo y tế qua các ứng dụng di động, càng cập nhật tình hình sức khỏe và hành trình di chuyển thì hệ thống sẽ truy vết nhanh hơn, khoanh vùng gọn, cách ly chính xác hơn, ngăn chặn được dịch bệnh, tiết kiệm được nguồn lực của xã hội. Đó cũng chính là bảo vệ chính bản thân và gia đình mình.
Theo ICTNews