Điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong nước cho rằng, các cấp chính quyền địa phương thường ưu tiên giải quyết các vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp nước ngoài hơn là doanh nghiệp trong nước; cơ quan nhà nước các cấp thường ưu tiên, dành nhiều “quyền, lợi” cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hơn doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Ngoài ra, thời gian gần đây, cộng đồng doanh nghiệp còn cho rằng họ phải cạnh tranh không lành mạnh từ các doanh nghiệp có quan hệ thân hữu với một số cán bộ, công chức nhà nước các cấp, với đại diện chủ sở hữu và người quản lý các DNNN.
TS Nguyễn Đình Cung lập luận, DNNN là một tác nhân hay chủ thể thị trường; là tổ chức kinh doanh, phải được đối xử bình đẳng như các tác nhân khác của thị trường. Ông Cung đề nghị thành lập cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ chuyên trách và trực tiếp thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp. Các cơ quan khác của Nhà nước không được trực tiếp tham gia vào việc ra quyết định và quản lý điều hành tại DNNN.
“Quốc hội, với tư cách là cơ quan nhà nước cao nhất trực tiếp đại diện cho lợi ích của nhân dân, phải là cơ quan đầu tiên chịu trách nhiệm trước nhân dân về hiệu quả hoạt động và phát triển của DNNN nói chung. Nhà nước hiện vẫn tham gia kinh doanh quá lớn, chèn lấn hoạt động của khu vực tư nhân” – TS. Nguyễn Đình Cung nhận định.
Cũng đánh giá quá trình cổ phần hoá DNNN còn chậm, nhiều vướng mắc nhưng ông Cung cho rằng không cần thiết xây dựng luật về việc này vì không có luật, việc bán dần, thoái vốn nhà nước vẫn diễn ra suốt 10 năm qua.
Không đồng tình quan điểm này, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão lại sốt sắng cho rằng, làm luật về cổ phần hoá là cần thiết. Ông Mão phân tích, đúng là 10 năm qua việc cổ phần hoá DNNN vẫn được thực hiện nhưng chính vì chưa có quy chuẩn đủ hiệu lực pháp lý nên ngần ấy thời gian trôi qua, công việc này vẫn ngổn ngang, chưa hoàn thành.
Ủng hộ quan điểm của ông Mão, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đề nghị xem xét lại vô số những vấn đề cần khắc phục trong hoạt động cổ phần hoá DNNN để tránh thất thoát quá lớn tiền của nhà nước. Bà Lan khái quát, khu vực kinh tế nhà nước vẫn hoạt động chưa hiệu quả nghĩa là khối tài sản khổng lồ của người dân chưa được đưa vào lưu thông, vẫn bị bỏ không, không có sự giám sát của Quốc hội (cơ quan đại diện cho dân). Nữ chuyên gia gật đầu với đề xuất phải đốc thúc làm luật cổ phần hoá.
Tỷ lệ kỷ lục về hoạt động “bôi trơn”
Một vấn đề báo động khác đối với môi trường kinh doanh được trở đi trở lại trong diễn đàn là tình trạng tham nhũng.
Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết, cuộc điều tra tiến hành với các doanh nghiệp FDI đã cho kết quả: khoảng 17% các doanh nghiệp FDI thừa nhận rằng họ đã trả tiền "bôi trơn" để có được giấy phép đầu tư và 31% trả hối lộ khi cạnh tranh giành các hợp đồng của chính phủ. Hành vi “bôi trơn” trong quá trình xin cấp phép không quá khác với tình trạng các năm trước song hối lộ trong quá trình ký kết giành hợp đồng thì lại tăng cao đáng ngạc nhiên – gấp ba lần số điểm ghi nhận trong năm ngoái.
Có trên 66% doanh nghiệp FDI được hỏi thừa nhận đã chi trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục tại cảng, cao kỷ lục qua tất cả các kỳ điều tra về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Có 22% doanh nghiệp lựa chọn không sử dụng tòa án khi có tranh chấp vì họ quan ngại về tình trạng “chạy án” trong quá trình giải quyết. Đây cũng là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay trong điều tra PCI-FDI.
Cũng theo đó, các chi phí hối lộ cũng tăng lên kể từ năm 2013. Năm 2013, khoảng 32% doanh nghiệp cho biết tổng số tiền “bôi trơn” của họ lên tới hơn 1% thu nhập mỗi năm, năm 2014 con số này là 38%. Quy mô hối lộ trung bình ở Việt Nam được điều tra PCI-FDI ghi nhận là cao nhất kể từ năm 2011.
“Điều trớ trêu là dường như tham nhũng, chi phí không chính thức tại Việt Nam đối với DN đang trở thành công cụ tin cậy hơn bảo đảm thành công cho hoạt động sản xuất kinh doanh” – ông Tuấn nói.
Tham nhũng, rõ ràng, chính là điểm trừ quan trọng trong đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài về môi trường kinh doanh, trong khi những sự kiện xảy ra tại Bình Dương và Hà Tĩnh trong năm qua lại không làm tổn hại quá nhiều đến lòng tin của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh.
Bình luận về những thông tin đưa ra, nữ chuyên gia Phạm Chi Lan nhận xét, Chính phủ đã cố gắng giải quyết vấn đề, cải thiện tình hình, hỗ trợ DN để có môi trường thông thoáng hơn nhưng điều cơ bản là nhà nước cần xác định làm những việc đó cho chính mình chứ không phải là làm theo kiểu “ban ơn” cho DN, người dân.
“Việc làm cho bộ máy nhà nước tốt hơn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn nghĩa là làm sao cho nhà nước nhận ra những yếu kém của mình và sửa chữa những yếu kém đó. Nhà nước chưa làm được việc này nên tham nhũng, lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ vẫn còn, nói mãi chưa khắc phục được” – bà Lan phát biểu.
Đặt trong bối cảnh hội nhập, bà Lan không giấu lo lắng cho môi trường kinh doanh của Việt Nam khi đã 20 năm tham gia ASEAN mà vẫn “vui vẻ đứng trong nhóm 4 nước kém phát triển (cùng với Campuchia, Lào, Mianmar), vẫn phải chìa tay xin hỗ trợ, ưu đãi, vẫn cổ vũ cho sáng kiến ASEAN để hỗ trợ nhóm 4 nước tốp dưới này”. Vậy thì hi vọng sao mà vượt lên ngang bằng trong sân chơi chung với Mỹ, Nhật, EU?
Dù vậy, nữ chuyên gia kinh tế lại không ủng hộ giải pháp mạnh đang được xem xét áp dụng là bán, nhượng quyền khai thác các công trình hạ tầng như cao tốc, sân bay, cảng biển vì cho rằng, tài sản nhà nước đang bị mất đi qua hoạt động này, không lấy gì đảm bảo người mua không tăng giá khai thác khiến gánh nặng chi phí lại đè lên vai DN, người dân.
Tuy nhiên, gạt bỏ những lo ngại này, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phủ nhận việc “Việt Nam vui vẻ đứng ở top 4 từ dưới lên” mà Chính phủ đã có chương trình, chiến lược hành động cụ thể để trong năm nay đứng trong top 6 nước đứng đầu ASEAN và bước vào “top 4 từ trên xuống”.
Việc chuyển nhượng hạ tầng cũng là một chủ trương được Chính phủ thống nhất với những quy định chặt chẽ về điều kiện khai thác, quản lý… đi kèm đối với với nhà đầu tư.
Theo Dân trí