|
Người dân đeo khẩu trang khi đi chơi giáng sinh (Ảnh minh hoạ - BBC) |
Cầu nguyện cũng phải chủ động phòng, chống dịch
Nhận định về tình hình dịch COVID-19 ở Hà Nội, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Hà Nội diễn ra vào chiều nay (18/12), ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội – cho biết: Trong tuần qua, Hà Nội đã ghi nhận 3 ca mắc COVID-19 mới đều là người từ nước ngoài về gồm: 1 người có quốc tịch Belarus và 2 người đều là bệnh nhân tái dương tính với virus SARS-CoV-2.
Mặc dù TP. Hà Nội cơ bản đã khống chế được dịch COVID-19 nhưng nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là rất cao. Bởi tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, mầm bệnh có thể tồn tại trong cộng đồng. Đặc biệt, trong dịp Lễ Giáng sinh và kỳ nghỉ Tết dươ ng lịch tới đây, lượng người di chuyển lớn có thể làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
|
họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Hà Nội diễn ra vào chiều nay (18/12) (Ảnh: Phú Khánh) |
Không chỉ vậy, những ngày gần đây, ở Hà Nội không ít người dân có tâm lý chủ quan, không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch ở những nơi công cộng, đặc biệt là việc đeo khẩu trang.
Chính vì thế, ông Hạnh yêu cầu các địa phương phải tăng cường công tác phòng, chống dịch, không chủ quan, lơ là; tuyên truyền và yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng, tại các bến tàu, bến xe.
Đáng chú ý, tại cuộc họp, ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội – đã chỉ đạo các quận huyện cần phải làm việc với các nhà thờ đề nghị bảo đảm việc phòng, chống dịch cho các hoạt động cầu nguyện. Đặc biệt, các nhà thờ phải tổ chức vệ sinh, sát khuẩn và yêu cầu người dân đeo khẩu trang để chủ động phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp lễ Giáng sinh.
“Quên” đeo khẩu trang nơi công cộng bị phạt tới 3 triệu đồng
Theo Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế của Chính phủ, bắt đầu từ ngày 15/11, người dân khi ra đường không đeo khẩu trang ở nơi công cộng sẽ bị phạt tới 3 triệu đồng.
Cụ thể, Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế đã quy định hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế; không báo cáo với Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng.
|
Nhân viên y tế đo nhiệt độ cho người dân (Ảnh: Minh Thuý) |
Trước đó, theo Nghị định 176/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, mức phạt cho hành vi trên chỉ từ 100 - 300 ngàn đồng. Như vậy, mức phạt theo Nghị định 117 đã tăng gấp 10 lần so với Nghị định 176 (hết hiệu lực thi hành từ 15/11).
Bên cạnh đó, nếu người dân có các hành vi: Che giấu tình trạng bệnh của mình, hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch; không thực hiện hoặc từ chối thực hiện biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch; không tham gia chống dịch theo quyết định huy động của Ban Chỉ đạo chống dịch; thu tiền khám và điều trị đối với trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực vật và vật khác là trung gian truyền bệnh, trừ các trường hợp quy định sẽ bị phạt tới 10 triệu đồng.