Đến 2021, Đà Nẵng sẽ có trường học thông minh, giáo án điện tử

VietTimes – Đến tháng 8/2020, Đà Nẵng sẽ đưa trung tâm cơ sở dữ liệu giáo dục vào hoạt động, đến năm 2021 sẽ đưa hệ thống camera thông minh tại các trường học vào sử dụng.
Đà Nẵng đang nỗ lực xây dựng giáo án điện tử trong dạy và học trên địa bàn

Là một trong hai đơn vị tiên phong của Đà Nẵng thực hiện đề án Ứng dụng CNTT trong lĩnh vực hoạt động, hướng tới xây dựng Đà Nẵng "Thành phố thông minh". Đề án được xây dựng với kỳ vọng sẽ đem lại những thay đổi trong ngành giáo dục từ trường học thông minh, giáo án điện tử, cho đến giảng dạy trực truyến...

Và theo tiến độ đặt ra, đề án Ứng dụng CNTT trong ngành giáo dục Đà Nẵng đã đi gần hết 2 giai đoạn với những kết quả bước đầu đáng ghi nhận nhưng cũng gặp những khó khăn không nhỏ. Để rõ hơn về vấn đề này, VietTimes đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng. 

Hoàn thành nhiều nội dung lõi


PV: Với mục tiêu đến năm 2020, ngành giáo dục sẽ hoàn thành kiến trúc ứng dụng CNTT và triển khai mở rộng tại các cấp học, cơ sở giáo dục trên địa bàn. Vậy trong 3 năm qua, ngành giáo dục Đà Nẵng đã triển khai được những gì?

 Bà Lê Thị Bích Thuận: Thực hiện Quyết định của UBND TP về ban hành Kiến trúc ứng dụng CNTT ngành GD&ĐT TP. Đà Nẵng, Sở đã triển khai thực hiện được một số dự án và đã đưa vào áp dụng tại các cơ sở giáo dục.

Cụ thể, đối với việc xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành GD&ĐT nhằm tích hợp thông tin về học sinh thì từ năm 2018, Sở đã tiến hành các bước theo quy định để lập đề cương, dự toán, gửi Sở TT&TT thẩm định, tổ chức đấu thầu và đã được UBND TP phê duyệt. Đến nay, Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Đà Nẵng đang tiến hành hoàn thiện phần mềm và dự kiến sẽ được bàn giao và đưa vào sử dụng vào tháng 8/2020.

Đối với nội dung xây dựng Cổng thông tin GD&ĐT Đà Nẵng và hệ thống website thống nhất cho các tổ chức GD&ĐT, thì từ năm 2019, UBND TP đã phê duyệt cho phép Sở GD&ĐT thực hiện đề án và dự kiến sẽ được nghiệm thu đưa vào hoạt động vào tháng 8/2020.

Riêng đối với dự án xây dựng Nền tảng (platform) dịch vụ GD&ĐT của Đà Nẵng trên môi trường trực tuyến tích hợp với nền tảng chính quyền điện tử của TP,  Sở đã lập báo cáo chủ trương đầu tư và đã được UBND TP phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 10/2018. Hiện tại, Sở GD&ĐT đang làm việc với đơn vị tư vấn để lập báo cáo nghiên cứu khả thi gửi Sở TT&TT phê duyệt, sau đó sẽ triển khai xây dựng phần mềm.

Một nội dung nữa đó là xây dựng Trung tâm học liệu ngành GD&ĐT, hiện chúng tôi đang cùng đơn vị tư vấn hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi để gửi Sở TT&TT thẩm định trước khi thực hiện các bước theo thủ tục để xây dựng phần mềm. Khi hoàn thành, hệ thống này sẽ cho phép người dùng tải các bài giảng, tư liệu học liệu số để phục vụ công tác dạy và học trên địa bàn.

Bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng

PV: Một trong những nội dung quan trọng trong ứng dụng CNTT trong ngành GD&ĐT, hướng đến giáo dục thông minh đó là giáo án điện tử và giảng dạy trực tuyến. Vậy nội dung này đã được Sở GD&ĐT triển khai ra sao, thưa bà?

 Bà Lê Thị Bích Thuận: Xây dựng bài giảng điện tử là nội dung mà chúng tôi chưa triển khai được mặc dù UBND TP có bố trí kinh phí để Sở thực hiện.

Dự toán kinh phí để thực hiện nội dung xây dựng bài giảng điện tử khoảng 5,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT lùi thời gian áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa nên nội dung xây dựng bài giảng điện tử không có cơ sở để thực hiện.

Trước thực trạng này, Sở đề xuất thực hiện nội dung bài giảng điện tử sẽ triển khai từ năm học 2020-2021, sau khi chương trình giáo dục phổ thông được thực hiện ở các bậc học và sách giáo khoa mới đã được Bộ GD&ĐT ban hành.

Đến 2021 sẽ có trường học thông minh

PV: Để có thể truyền đạt nội dung bài giảng, chương trình học tập bằng phương thức mới, Sở GD&ĐT TP đã làm gì để thầy và trò có thể sử dụng tốt hệ thống giáo dục thông minh này?

 Bà Lê Thị Bích Thuận: Trong thời gian qua, Sở đã tổ chức tập huấn cho giáo viên sử dụng các phần mềm, công cụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, các khóa tập huấn thiết kế bài giảng điện tử e-Learning phục vụ cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục.

Tuy vậy, các phần mềm xây dựng theo đề án kiến trúc ứng dụng công nghệ thông tin ứng dụng vào hoạt động quản lý chưa nhiều, chủ yếu là phục vụ cho công việc quản lý, tổ chức của các đơn vị, trường học.

Chính vì vậy, Sở cũng đã tổ chức nhiều cuộc thi thiết kế bài giảng e-Learning, bài giảng trực tuyến cho giáo viên các bậc học. Mỗi năm có từ 1.500 đến 2.500 sản phẩm dự thi cấp TP, những sản phẩm đạt giải cao trong các cuộc thi được Sở cập nhật lên trang trung tâm học liệu của ngành (http://tthl.danang.edu.vn) để áp dụng, triển khai.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu các phần mềm có khả năng ứng dụng cho hoạt động giảng dạy của giáo viên nói riêng, giáo dục cho học sinh nói chung.

PV: Còn tiến độ xây dựng trường học thông minh ở Đà Nẵng đã được thực hiện đến đâu, thưa bà? Khi nào Đà Nẵng sẽ có trường học thông minh?

Bà Lê Thị Bích Thuận: Về nội dung này, Sở GD&ĐT cũng đã được TP phê duyệt. Gần nhất là dự án lắp đặt, trang bị hệ thống camera thông minh tại các trường THPT với số tiền 3,554 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách TP.

Hệ thống camera thông minh được trang bị phần mềm phân tích, nhận diện khuôn mặt, cảnh báo các hành vi bạo lực học đường; hệ thống âm thanh thông báo đến từng lớp học; kết nối với mạng LAN chung của TP… Từ những thông tin, dữ liệu thu thập qua hệ thống camera, các cán bộ quản lý sẽ theo dõi, phát hiện và có những tác động đến cơ quan quản lý để có những điều chỉnh kịp thời.

Liên quan đến nội dung này, UBND TP cũng đã giao cho Sở làm chủ đầu tư kiêm quản lý dự án. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2020 đến năm 2021, và trước mắt, hệ thống camera sẽ lắp đặt thí điểm tại Trường THPT Trần Phú và Trường THPT Nguyễn Hiền.

Trường THPT Trần Phú sẽ được thí điểm lắp đặt camera thông minh nhằm hướng đến trường học thông minh theo lộ trình ứng dụng CNTT trong ngành giáo dục Đà Nẵng

PV: Trong quá trình thực hiện Đề án, Sở GD&ĐT đã đối mặt với những khó khăn, vướng mắc gì?

 Bà Lê Thị Bích Thuận: Khó khăn lớn nhất là nguồn nhân lực để triển khai các nội dung của đề án còn hạn chế. Đa số nhân lực không có chuyên môn sâu về kỹ thuật công nghệ thông tin do vậy việc triển khai các đề án CNTT của ngành còn gặp khó khăn, nhất là công đoạn đánh giá bước đầu các báo cáo kinh tế kỹ thuật phức tạp.

Chính vậy, để đề án được thực hiện tốt, chúng tôi rất cần có sự phối hợp chặt chẽ với Sở TT&TT trong công tác triển khai.

PV: Như vậy, trong thời gian qua, Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng đã làm được khối lượng công việc khá lớn. Với kết quả đó, dự kiến đến khi nào Đà Nẵng sẽ hoàn thành mục tiêu đưa sách giáo khoa điện tử, giáo án điện tử, mô hình E-learning đến với tất cả học sinh trên địa bàn?

 Bà Lê Thị Bích Thuận: Hiện nay, chúng tôi đang nỗ lực để thực hiện đề án Xây dựng Trung tâm học liệu ngành GD&ĐT. Đây là trung tâm cho phép các đơn vị trường học, giáo viên upload, chia sẻ các bài giảng E-learning, sách điện tử, tài liệu điện tử,… để học sinh tham khảo, học tập.

Và một khi Trung tâm học liệu này đưa vào hoạt động, học sinh trên địa bàn sẽ được thụ hưởng những ứng dụng giáo dục thông minh cũng như khai thác tài nguyên học tập tối ưu nhất.

- Xin cảm ơn!