Đêm nay, 10 liều thuốc kháng độc tố của vi khuẩn trong pate Minh Chay sẽ về Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chiều nay (8/9), PGS.TS.BS. Trần Thị Giáng Hương - Giám đốc các chương trình Kiểm soát Bệnh tật, kiêm Giám đốc các chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương – cho biết, WHO đã tài trợ khẩn cấp 10 liều thuốc kháng độc tố Botulinum cho Việt Nam.
Thuốc Botulism antitoxin heptavalent kháng độc tố Botulinum (Ảnh: Thảo Vy)
Thuốc Botulism antitoxin heptavalent kháng độc tố Botulinum (Ảnh: Thảo Vy)

Trao đổi với PV VietTimes, PGS.TS.BS. Trần Thị Giáng Hương – cho hay: Trong đêm nay, lô hàng gồm 10 liều thuốc kháng độc tố Botulinum sẽ được vận chuyển từ kho dự trữ thuốc của WHO ở Geneva về đến Hà Nội và được bảo quản trong điều kiện đặc biệt  Mặc dù tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng WHO đã nỗ lực vận chuyển thuốc kháng độc tố Botulinum tới bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm một cách nhanh nhất.

10 liều thuốc nêu trên dự kiến sẽ được dùng để điều trị cho các bệnh nhân trong tình trạng hiểm nghèo tại các bệnh viện ở Việt Nam. Bệnh viện Bạch Mai được Bộ Y tế chỉ định là đơn vị tiếp nhận số thuốc này và sẽ vận chuyển cho các đơn vị y tế khác theo nhu cầu thực tế của việc điều trị bệnh nhân.

Trước đó, Văn phòng WHO tại Hà Nội đã tài trợ và hỗ trợ cho Bệnh viện Bạch Mai trong việc vận chuyển và tiếp nhận 2 liều kháng độc tố Botulinum từ Thái Lan về để điều trị cho 2 bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn sản phẩm pate Minh Chay tại Bệnh Viện Bạch Mai.

Dưới sự chỉ đạo của Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) đã phối hợp chặt chẽ với WHO để giải quyết các thủ tục cần thiết trong việc tiếp nhận 10 liều thuốc kháng độc tố Botulinum.

PGS.TS. Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai - người trực tiếp tham gia hội chẩn 2 bệnh nhân ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay – cho biết: Bệnh ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Clostridium botulinum đã xuất hiện cách đây 100 năm. Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Clostridium botulinum thường xảy ra sau khi người dân ăn đồ hộp đóng kín đã nhiễm vi khuẩn. Bệnh nhân thường có biểu hiện bị liệt từ đầu, mặt, cổ đến các chi, do độc tố của vi khuẩn tấn công vào hệ thần kinh. Vi khuẩn này rất hiếm gặp ở Việt Nam, phát triển trong môi trường kị khí.

Vi khuẩn Clostridium botulinum chứa trực khuẩn gram dương, sinh nha bào, dài 4-6Mm, kỵ khí tuyệt đối, không có oxy, độ pH lớn hơn 4,6, nhiệt độ 25-37 độ C. Vi khuẩn hiện diện ở khắp nơi từ rau quả, hải sản, đất đến trầm tích đáy biển.

Theo PGS. Cường, độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum cực mạnh, giống như một “vũ khí sinh học” - chỉ với 1 liều rất nhỏ cũng có thể gây chết người. Mặc dù có độc tố cực mạnh nhưng vi khuẩn này sẽ bị tiêu diệt ở 100 độ C trong hơn 5h và ở 120 độ C trong 5 phút. Độc tố của vi khuẩn sẽ bất hoạt ở 80 độ C, phân hủy ở 100 độ C trong 15 phút.

Thông thường, độc tố của vi khuẩn sẽ theo đường tiêu hóa, vết thương, vào cơ thể, nhưng không bị phá hủy mà ngấm vào máu và synape (mô thần kinh cơ). Đáng chú ý, độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum không mùi, không vị, không bị tác động bởi acid dịch vị và enzym TH. Nguồn độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum đến từ nha bào (đất, bụi, thực phẩm nhiễm bẩn, vi khuẩn, sản phẩm đóng hộp).

Đến thời điểm hiện tại, cả nước đã ghi nhận 15 bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay có độc tố Botulinum tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Quảng Nam.