Đề xuất cho EVN tự điều chỉnh giá điện khi giá thành sản xuất tăng 3-5%

 VietTimes -- Bộ Công Thương vừa đưa ra dự thảo, trong đó có đề xuất cho phép EVN được tự điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức 3% đến 5%, nếu các thông số đầu vào thay đổi tương ứng. Theo đề xuất của bộ, thời gian điều chỉnh giá điện cách nhau tối thiểu là 03 tháng.

Điểm mới trong Dự thảo Quyết định Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân lần này là đề xuất thành lập quỹ bình ổn giá điện với mục tiêu để thực hiện mục tiêu bình ổn giá điện. 

Theo Bộ Công thương, nguồn hình thành Quỹ bình ổn giá điện được trích từ giá bán điện, và được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện.

Về nguyên tắc, dự thảo đề nghị quy định quỹ bình ổn giá điện được trích lập khi các yếu tố đầu vào của giá bán điện biến động làm giá bán điện bình quân giảm so với hiện hành, và chi phí sản xuất kinh doanh điện chưa được tính hết vào giá bán điện đã được phân bổ hết.

Việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá điện của EVN được thực hiện theo hướng dẫn và giám sát của Liên Bộ Tài chính - Công Thương.

Đối với việc điều chỉnh giá điện, EVN sẽ được thực hiện khi các thông số đầu vào cơ bản biến động cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành (sau khi đã sử dụng Quỹ bình ổn giá điện). 

Trường hợp giá thành sản xuất điện tăng từ 3% đến 5% nhưng vẫn trong khung giá quy định, EVN sẽ được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, chỉ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra theo đúng quy định.

Trường hợp giá thành sản xuất điện tăng trên 5%, hoặc giá bán điện bình quân tính toán sau điều chỉnh vượt khung giá quy định, thì EVN phải lập phương án giá, báo cáo Bộ Công Thương và gửi Bộ Tài chính để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.

hàng năm, sau khi EVN có báo cáo kiểm toán, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ kiểm tra, tính toán giá thành sản xuất kinh doanh điện. Đồng thời, EVN sẽ xây dựng phương án giá bán điện bình quân trình Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.

Về kiểm tra, giám sát điều chỉnh giá bán điện bình quân, Bộ Công Thương sẽ chịu trách nhiệm. Bộ Công Thương cũng có quyền yêu cầu EVN giảm hoặc dừng tăng giá bán điện bình quân.

Quốc Dũng - Ninh Giang