Reuters ngày 27.9 đưa tin cho biết trong 2 bài phát biểu gần đây, Đô đốc Scott Swift, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ nêu thắc mắc về việc có nên để tồn tại ranh giới phân chia phạm vi hoạt động của Hạm đội 7 và Hạm đội 3 hay không.
Hạm đội 7 đang phụ trách khu vực Tây Thái Bình Dương với 1 tàu sân bay, 80 tàu chiến, 140 máy bay và 40.000 quân nhân. Còn Hạm đội 3 hoạt động ở phía đông Thái Bình Dương với hơn 100 tàu chiến, gồm 4 tàu sân bay.
Một dấu hiệu mới phát sinh cho thấy đang có sự điều chỉnh về mặt chiến thuật của quân đội Mỹ, đó là việc các quan chức Hải quân nước này từng tuyên bố nên để cho chuẩn đô đốc Nora Tyson, chỉ huy Hạm đội 3, đại diện Hải quân Mỹ trong cuộc tập trận thường niên Japan Fleet Review với hải quân Nhật, diễn ra vào ngày 18.10 tới.
“Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên nếu thấy chuẩn đô đốc Tyson hoạt động nhiều hơn cho quá trình phát triển của mô hình này”, đô đốc Swift cho biết hôm 7.9 nhân chuyến thăm Hạm đội 7 ở cảng Yokosuka (Nhật Bản).
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ còn cho biết thêm rằng sẽ không có chuyện dời địa điểm đồn trú trong bất kỳ thay đổi nào có thể phát sinh trong thời gian tới, mà sẽ là sự điều chỉnh cho phép 2 hạm đội cùng làm việc với nhau tại “các khu vực bất ổn nhất”.
Phát biểu của ông Swift được đưa ra ngay trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực ngày một gia tăng, đặc biệt là tại Biển Đông do các hành động của Trung Quốc. Bắc Kinh đã bồi đắp phi pháp 7 đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam và đang xây 3 đường băng trên các đảo này, bất chấp sự phản đối của các nước.
Một quan chức thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tiết lộ với Reuters rằng ý tưởng gỡ bỏ ranh giới hành chính phân chia phạm vi hoạt động giữa các hạm đội Mỹ đang được soạn thảo.
Theo Thanh niên