|
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và đệ nhất phu nhân Kim Keon-hee vào tháng 6/2023. Ảnh: Getty. |
Kim Keon-hee, đệ nhất phu nhân Hàn Quốc, đã trở thành tâm điểm gây tranh cãi trong bối cảnh hỗn loạn do nỗ lực áp đặt thiết quân luật thất bại của chồng bà vào tuần trước. Những vụ bê bối liên quan đến sự giàu có và tầm ảnh hưởng của bà được coi là yếu tố chính dẫn ông Yoon đến với những hậu quả chính trị.
Cũng có nhiều đồn đoán rằng ông Yoon đã tuyên bố thiết quân luật để bảo vệ vợ mình khỏi các cuộc điều tra của phe đối lập chính trị.
Tuy nhiên, những tranh cãi xung quanh bà Kim đã bắt đầu từ lâu trước sắc lệnh thiết quân luật gây sốc của chồng bà vào ngày 3/12.
Nhân vật gây tranh cãi
Trước khi trở thành đệ nhất phu nhân Hàn Quốc, bà Kim Keon-hee là nữ doanh nhân, đứng đầu một công ty tổ chức sự kiện nghệ thuật. Bà kết hôn với ông Yoon vào năm 2012 và dù chưa có con nhưng họ thường xuyên chia sẻ ảnh những chú chó và mèo cưng của mình lên mạng.
Là người ủng hộ quyền động vật, bà Kim đã nỗ lực chấm dứt việc tiêu thụ thịt chó ở Hàn Quốc. Bà cũng được ngưỡng mộ vì những lựa chọn thời trang của mình và phá vỡ khuôn mẫu của các đệ nhất phu nhân trước đây – những người thường tránh thu hút quá nhiều sự quan tâm của dư luận.
Tuy nhiên, bà Kim nổi lên như một nhân vật gây tranh cãi ngay từ khi ông Yoon bắt đầu chiến dịch tranh cử.
Vào năm 2021, đệ nhất phu nhân đã xin lỗi vì đã phóng đại bằng cấp học vấn của mình khi nộp đơn xin làm giáo sư, sau khi Bộ Giáo dục phát hiện bà khai gian rằng mình có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Quốc gia Seoul danh tiếng.
Trước cuộc bầu cử của Yoon vào năm 2022, đảng Dân chủ, đảng đối lập chính ở Hàn Quốc, đã cáo buộc Kim và gia đình bà thao túng giá cổ phiếu của một đại lý ô tô.
Để phản ứng trước các vụ bê bối, ông Yoon đã bãi bỏ Văn phòng Tổng thống có nhiệm vụ quản lý lịch trình và hoạt động của đệ nhất phu nhân. Nhưng các nhà phê bình cho rằng động thái này cho phép ông Kim gây ảnh hưởng tới các vấn đề nhà nước mà không cần giám sát.
Một cuộc khảo sát của Gallup Korea được công bố vào tháng 11 vừa qua cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Yoon đã giảm xuống còn 17%, mức thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 5/2022, trong đó sự bất bình của công chúng phần lớn là do cách ông xử lý các cáo buộc nhằm vào vợ mình.
Vụ bê bối túi xách Dior
Có lẽ vụ bê bối đau đớn nhất mà bà Kim phải đối mặt chính là vụ việc xoay quanh việc bà nhận một món quà xa xỉ – một chiếc túi xách Dior trị giá 2.200 USD – bị cho là vi phạm luật chống tham nhũng của Hàn Quốc.
Vụ việc được mục sư Choi Jae-young, người đã tặng chiếc túi cho bà Kim, ghi lại bằng camera giấu trong đồng hồ. Đoạn video đã gây ra tranh cãi lớn trên mạng, gợi nhớ lại những vụ bê bối trao đổi lợi ích trong quá khứ ở Hàn Quốc, nơi mà mọi người sử dụng quyền lực của mình để trục lợi cá nhân.
Trong khi một số người đặt câu hỏi liệu các nhà lập pháp đối lập có đang nhắm vào ông Kim hay không, các nhà phân tích lại tin rằng không phải vậy.
“Sự giám sát xung quanh bà Kim rất căng thẳng, nhưng tôi sẽ không coi đó là không công bằng”, Lee Young-Im, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học bang California, Sacramento, cho biết và thêm rằng một số vụ bê bối của bà Kim “dễ dàng gắn liền với hình ảnh phù phiếm” của bà.
“Hình ảnh (phù phiếm) đó càng được khuếch đại bởi nhận thức của công chúng về phẫu thuật thẩm mỹ, các quy trình thẩm mỹ cũng như sở thích thời trang và hàng xa xỉ của bà ấy, khiến bà ấy trở thành mục tiêu dễ dàng”, bà nói thêm.
Natalia Slavney, nhà phân tích nghiên cứu của Chương trình Hàn Quốc tại Trung tâm Stimson có trụ sở tại Mỹ, cho biết việc các chính trị gia và thành viên gia đình của họ “được coi là tiêu chuẩn cao” ở Hàn Quốc là điều bình thường.
“Đôi khi có vẻ như đảng đối lập đang tích cực tìm mọi cách có thể để công kích ông Yoon, nhưng tôi không coi việc bà Kim bị giám sát là quá mức”, bà nói. “Nếu bà (Kim) bị nghi ngờ thao túng cổ phiếu và/hoặc can thiệp bầu cử – cả hai cáo buộc đều nghiêm trọng – bà ấy nên bị điều tra mà không gặp bất kỳ trở ngại nào”.
Lịch sử các vụ bê bối
Các nhà phân tích cho biết, bối cảnh chính trị của Hàn Quốc từ lâu đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những vụ tranh cãi và bê bối liên quan đến các Tổng thống và người thân của họ, khiến công chúng trở nên nhạy cảm hơn với sự xuất hiện của các vấn đề tương tự dưới thời Tổng thống Yoon Suk Yeol.
Theo bà Slavney, nhiều cựu Tổng thống của Hàn Quốc đã phải đối mặt với các cuộc điều tra hình sự vì cáo buộc tham nhũng và cuối cùng đã bị bỏ tù.
Bà Park Geun-hye, người giữ chức Tổng thống từ năm 2013 cho đến khi bị luận tội vào năm 2017, đã phải đối mặt với sự giám sát tương tự như ông Yoon, khi các nhà phê bình cáo buộc bà cho phép một người bạn thân gây ở hậu trường ảnh hưởng lên các vấn đề nhà nước. Cuối cùng, bà bị kết án về tội tham nhũng.
Cựu Tổng thống Roh Moo-hyun, người từng tuyên bố rằng chính quyền 2003-2008 của ông là trong sạch nhất Hàn Quốc, đã tự sát sau khi rời nhiệm sở. Vào thời điểm đó, vợ ông đang bị điều tra vì cáo buộc nhận tiền từ một doanh nhân trốn thuế và giao dịch nội gián để giải quyết nợ gia đình.
Lee Myung-bak, người kế nhiệm ông Roh, bị kết tội tham nhũng sau khi rời nhiệm sở. Vụ án nảy sinh từ cuộc điều tra về công ty phụ tùng ô tô của anh trai ông Lee. Các công tố viên cáo buộc Lee đã lợi dụng công ty này để trục lợi cá nhân.
Bà Kim có thể đối diện với những hậu quả như thế nào?
Ông Yoon đã thoát khỏi trong gang tấc một đề nghị luận tội hôm 7/12 vì tuyên bố thiết quân luật của mình. Cùng ngày, một dự luật kêu gọi thành lập uỷ ban đặc biệt điều tra về các cáo buộc chống lại bà Kim cũng xuất hiện. Các cáo buộc nhằm vào bà bao gồm thao túng cổ phiếu, can thiệp bầu cử và nhận hối lộ. Dự luật chỉ thiếu 2 phiếu để được thông qua.
Đây không phải là lần đầu tiên các đảng đối lập yêu cầu điều tra bà Kim. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, ba nỗ lực điều tra trước đó đã bị ông Yoon phủ quyết, điều này khiến phe đối lập cáo buộc Tổng thống lợi dụng chức vụ của mình một cách không công bằng để bảo vệ vợ.
Trong cuộc bỏ phiếu luận tội hôm 7/12 vừa qua, các nhà lập pháp cáo buộc Tổng thống đang cố gắng “trốn tránh các cuộc điều tra về các cáo buộc hình sự liên quan đến bản thân ông và gia đình ông”.
Vì vậy, không khó để tưởng tượng những hậu quả tiềm ẩn đối với cả ông Yoon và bà Kim nếu Tổng thống bị bắt hoặc bị luận tội.
“Nếu ông ấy bị cách chức, bà ấy có thể phải đối mặt với sự giám sát gắt gao hơn mà không có sự bảo vệ mà chức vụ Tổng thống của chồng bà mang lại trước đây”, bà Slavney nói.
“Nếu ông [Yoon] bị kết tội, phản ứng dữ dội của công chúng có thể ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của hình phạt đối với bà ấy, có thể để ‘làm gương’ để bà phải chịu trách nhiệm về hành động của mình”, bà Slavney nói thêm.
Bà Lee từ Đại học bang California cho biết rất khó dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, nhưng phần lớn sẽ phụ thuộc vào đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền.
“Ngay cả khi ông Yoon bị bắt, các thành viên PPP vẫn có thể quyết định không cho phép đảng đối lập giành chiến thắng bằng cách để bà Kim bị điều tra”, bà Lee nhận định. “Tuy nhiên, tình hình đang phát triển nhanh chóng và PPP dường như đang gặp phải tình trạng khá hỗn loạn”.