|
Lãi suất hiện chỉ tăng công khai ở khối ngân hàng nhỏ và vừa (ảnh minh họa) |
Ngân hàng liên tục tăng lãi suất huy động
Tuần qua, Ngân hàng Sacombank công bố biểu lãi suất huy động mới, áp dụng từ ngày 1/10. Theo đó, lãi suất huy động nhiều số kỳ hạn của ngân hàng này tiếp tục nhích nhẹ, dù đã có sự điều chỉnh trước đó hai tuần. Như vậy, chỉ trong vòng vài tháng, Sacombank đã có 4 lần điều chỉnh biểu lãi suất huy động.
Trước Sacombank, trong tháng 9/2015 vừa qua, BacABank, ABBank, KienLongBank, LienVietPostBank, Eximbank, VIB, SeABank… cũng đồng loạt tăng lãi suất phổ biến là 0,1- 0,2% với mỗi kỳ hạn. Hiện lãi suất huy động cao nhất thị trường thuộc về Ngân hàng Sài Gòn (SCB).
Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 6 tháng của ngân hàng này là 6,75%, kỳ hạn 12 tháng là 7,25%, kỳ hạn 13 tháng là 7,5% còn kỳ hạn 18 tháng là 7,6%. Tại ngân hàng BaoVietBank, mức lãi suất áp dụng cao nhất cũng là 7,6% (kỳ hạn 36 tháng).
Đáng chú ý, tình trạng lãi suất ngầm cũng đã ngầm tái xuất. Tùy từng kỳ hạn, tùy số tiền gửi và mức độ thân thiết, khách hàng sẽ được cộng thêm 0,05-0,15% lãi suất và chi thẳng vào tài khoản của khách hàng. Trên thực tế, lãi suất cao nhất trên thị trường, nếu cộng thêm các hình thức khuyến mãi, đã chạm gần 8%.
Tình trạng “thưởng tiền” này cũng xảy ra ở một số ngân hàng TMCP nhà nước, dù khối ngân hàng lớn này đang đứng ngoài đợt tăng lãi suất huy động đang diễn ra.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc hàng loạt ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động cho thấy, thanh khoản hệ thống đã có dấu hiệu căng thẳng do sức ép của tỷ giá và tín dụng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư vào tháng 9, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên giakinh tế đã cho biết, ông và một số chuyên gia độc lập đã phối hợp với chuyên gia Hàn Quốc tính toán công phu 6 năm để ra đường cong lãi suất chuẩn và thấy rằng, đường cong này đang có xu hướng đi lên. Dự đoán, từ tháng 10 trở đi, đường cong mới này sẽ rõ ràng hơn, dù mức tăng chỉ nhẹ thôi nhưng đáng lo là sẽ lập mặt bằng lãi suất mới.
Chưa nghiêm trọng nhưng phải dè chừng
Thông thường, lạm phát giảm thì lãi suất phải giảm theo. Song nghịch lý là mặt bằng lãi suất đang tăng lên bất chấp lạm phát hiện giảm chỉ còn 0,4%. Theo lý giải của các ngân hàng, sở dĩ họ buộc phải tăng lãi suất là để giữ khách gửi tiền trong bối cảnh USD tăng giá mạnh và nhiều kênh đầu tư khác có dấu hiệu khởi sắc. Ngoài ra, tín dụng 9 tháng đầu năm đang phục hồi mạnh nhất trong vòng 5 năm qua (tăng khoảng 11%) cũng khiến thanh khoản ngân hàng không còn dồi dào, trong khi nhu cầu vay vốn phục vụ mùa kinh doanh cuối năm của doanh nghiệpđang tăng lên.
Tuy nhiên, lãi suất hiện chỉ tăng công khai ở khối ngân hàng nhỏ và vừa. Bốn ngân hàng TMCP nhà nước, vốn chiếm thị phần áp đảo về huy động vốn và cho vay vẫn giữ ổn định lãi suất. Hơn nữa, trong bối cảnh vẫn bị kiểm soát tín dụng theo hình thức cấp “quota” như hiện nay, ngân hàng nào muốn được tăng tín dụng cao ắt cũng không dám dâng cao lãi suất huy động. Đây cũng là lý do của tình trạng lãi suất huy động ngầm, dù NHNN đã bỏ trần lãi suất kỳ hạn trên 6 tháng.
TS. Cấn Văn Lực, hàm Phó tổng giám đốc Ngân hàng BIDV cho rằng, việc lãi suất tăng không có lợi cho ngân hàng. Bởi lãi suất đầu vào tăng trong khi lãi suất đầu ra không thể tăng (vì ngược với chủ trương giảm lãi suất cho vay của NHNN), ngân hàng sẽ bị giảm lợi nhuận. Tuy vậy, TS. Lực cũng thừa nhận, để giảm thêm lãi suất ngân hàng thời điểm này là cực kỳ khó.
Các chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo, dù mức tăng lãi suất không lớn, nhưng nếu không được kiểm soát chặt chẽ, lãi suất cao sẽ quay trở lại, gây khó khăn cho quá trình phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên, để làm được điều này, Chính phủ cũng cần tính toán, giảm gánh nặng trái phiếu chính phủ mỗi năm hàng trăm nghìn tỷ đồng, chủ yếu nhắm vào khối ngân hàng.
“Thời gian tới, tỷ giá có thể sẽ nguội đi, nhưng lãi suất sẽ là vấn đề đáng phải quan tâm”, TS. Lê Xuân Nghĩa cảnh báo.
Theo Đầu tư