ĐBQH đề nghị trả lại tiền mua thuốc, vật tư thuộc phạm vi bảo hiểm y tế khi người dân phải mua ngoài

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Cần có cơ chế chi trả lại chi phí cho người dân khi phải tự mua vật tư y tế bên ngoài, đối với những loại có trong danh mục được thanh toán bảo hiểm y tế, bởi thiếu thuốc, vật tư y tế là lỗi cơ quan nhà nước – ĐB Bình Dương nói.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Thị Ngọc Xuân phát biểu.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Thị Ngọc Xuân phát biểu.

Vấn đề này được ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn ĐBQH Bình Dương) đặt ra tại phiên họp chiều 31/10, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV và có nhiều ĐB khác cùng chung quan điểm.

Tại phần phát biểu khá dài ở hội trường, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân đặt ra 3 vấn đề. Trong đó, bà đại diện cử tri kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo khắc phục cho được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.

Đồng thời, cần có cơ chế chi trả lại chi phí cho người dân khi phải tự mua vật tư y tế bên ngoài, đối với những loại có trong danh mục được thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT), thiếu thuốc, vật tư y tế không phải do lỗi của người dân mà do cơ quan nhà nước. “Do đó, nhân dân cần cơ chế bảo vệ quyền lợi chính đáng này” – ĐB Ngọc Xuân nói.

Cùng quan điểm với ĐB Ngọc Xuân, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) cũng nêu ý kiến tập trung về vấn đề thuốc và vật tư y tế trong danh mục BHYT. Bà cho rằng, vấn đề trước đây và bây giờ cũng vẫn còn xảy ra, đó là việc bệnh nhân phải tự mua thuốc.

“Tôi xin đặt lại câu hỏi một lần nữa, bảo hiểm y tế có trách nhiệm gì trong việc chi trả tiền người dân phải tự bỏ ra để mua thuốc này. Vì đây là quyền lợi của người dân và không cung ứng được là lỗi của chúng ta” – ĐB Phạm Khánh Phong Lan cùng quan điểm như ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân.

Cần 2-4 năm để cập nhật thuốc mới vào danh mục BHYT

Từ góc độ chuyên môn, là Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội dược học Việt Nam, bà Phạm Khánh Phong Lan góp ý Chính phủ cần bổ sung về tình hình cung ứng thuốc, vật tư y tế đã được nỗ lực giải quyết như thế nào, cũng như cập nhật danh mục thuốc bảo hiểm y tế.

ĐB Phong Lan nêu rõ, ngoài việc thuốc và vật tư y tế có thời gian đã không được cung ứng đủ cho bệnh nhân. Cập nhật danh mục thuốc để cho bệnh nhân có thể kịp thời sử dụng những thành quả mới nhất của nhân loại cũng rất chậm nếu so với các nước.

phamkhanhphonglan.jpeg
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Dẫn thực tế triển khai ở các quốc gia khác Nhật chỉ mất khoảng 3 tháng, Pháp 15 tháng, Hàn Quốc 18 tháng, ĐB Lan chỉ ra Việt Nam mất trung bình từ 2 tới 4 năm để cho loại thuốc mới có thể được vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế là quá chậm, làm mất quyền lợi của người dân hưởng bảo hiểm y tế. Cùng với đó, cần có chính sách dự trữ quốc gia về các thuốc hiếm để giải quyết một số những bệnh đặc biệt, một số trường hợp đặc biệt. Việc thiếu vaccine cho tiêm chủng mở rộng vẫn là một nguy cơ, hiện nay ở tại một số địa phương cũng vẫn chưa đầy đủ được trong vấn đề này.

ĐB Phong Lan cũng đề nghị Chính phủ có những bổ sung thêm về chính sách đãi ngộ cho nhân viên y tế, “để thể hiện một cách đúng nhất việc quan tâm tới ngành y tế, cũng là quan tâm tới an sinh xã hội, tới sức khỏe, tới quyền lợi, tới tính mạng của bệnh nhân” – Đại diện Đoàn TP. Hồ Chí Minh bày tỏ.

Trước toàn thể ĐBQH có mặt tại hội trường, PGS. TS. Nguyễn Phong Lan nêu quan điểm, các khó khăn thì không phải chỉ là từ yếu tố khách quan, không phải chỉ từ chuyện thiếu tiền hay thiếu nhân lực mà đôi khi còn là do các quy định, các thủ tục quá phức tạp, “đá nhau” và chậm sửa đổi.

Bà bày tỏ mong mỏi giải quyết những tình trạng này tận gốc rễ, bởi những nỗ lực điều chỉnh không chỉ xuất phát từ ngành y tế mà rất cần có sự quan tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo đồng bộ để tất cả các ngành cùng vào cuộc./.