TS Võ Đình Trí |
Nhiều người cho rằng, khi lạm phát tăng thì không ai muốn nắm giữ tiền mặt. Bàn luận về vấn đề này, Tiến sĩ Võ Đình Trí cho rằng, nói đúng ra thì "không phải là nắm giữ hay không nắm giữ, mà là nắm giữ lượng tiền mặt nhiều hay ít".
Thông thường nếu các tổ chức không muốn nắm giữ lượng tiền mặt lớn mà vẫn có thể duy trì thanh khoản cao, họ thường sẽ chọn các công cụ tiền tệ ngắn hạn ví dụ như chứng chỉ tiền gửi hoặc một số tài sản ngắn hạn khác.
Về việc lựa chọn hay trú ẩn hay vẫn tiếp tục đầu tư trong lạm phát, nhà đầu tư cần phân biệt rõ giữa trú ẩn và phòng vệ. Trú ẩn thường là trong giai đoạn thị trường có những biến động rất lớn và khi đó các nhà đầu tư sẽ có xu hướng tìm đến những nơi có ít bị ảnh hưởng.
Còn đối với trường hợp lạm phát, thông thường người ta sẽ tìm kiếm những sự phòng vệ (hay còn gọi là hedging) để đương đầu với rủi ro lạm phát. Khi đó, dòng tiền sẽ tìm đến những nơi có tỷ suất sinh lời cao hơn lạm phát để có lãi suất thực dương.
Vậy ngành nào có thể chống chịu trước "bão giá"? Tiến sĩ Võ Đình Trí cho biết, "các ngành liên quan đến nguyên vật liệu, thị trường hàng hóa, hoặc những cổ phiếu thể chuyển được áp lực về giá bán lên người tiêu dùng là các ngành có thể chống được lạm phát".
Đối với nhóm ngành ngân hàng, bản chất là hoạt động kinh doanh của các nhà băng là định chế tài chính trung gian. Hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ được đánh giá giữa bởi chênh lệch lãi suất cho vay và lãi suất huy động (biên lãi ròng-NIM). Vì thế khi lãi suất tăng cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến ngân hàng. Khi chi phí huy động cao hơn, các nhà băng cũng phải tăng lãi suất cho vay để có thể duy trì một biên lợi nhuận nhất định.
Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, không vì thế mà nhà băng "miễn nhiễm" với lạm phát. Kết quả kinh doanh cũng như cổ phiếu của một số ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Ví dụ trong trường hợp lãi suất quá cao, nhu cầu vay vốn từ người dân và các doanh nghiệp sẽ giảm xuống và ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các nhà băng, từ đó, kéo theo giá cổ phiếu ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.
Ngoài việc tác động đến các khoản vay mới, lãi suất cao cũng có thể tác động đến các khoản vay hiện hữu, làm tăng tình trạng nợ xấu của ngân hàng. Điều này có thể khiến cho kết quả kinh doanh của ngân hàng không còn tích cực như trước, giá cổ phiếu cũng theo đó mà bị vạ lây.
Bên cạnh lựa chọn một kênh đầu tư để chống chọi trước lạm phát, thanh khoản và chi phí của các tài sản cũng là yếu tố cần được cân nhắc.
Chẳng hạn như bất động sản thường thanh khoản không cao, đồng thời nó cũng đi kèm với các chi phí mua bán. Thậm chí như vàng dù có thanh khoản cao nhưng nó cũng có những chi phí mua bán, chênh lệch giá…
Tiến sĩ Võ Đình Trí cũng cho biết, yếu tố lạm phát cũng sẽ không phải là một yếu tố quá đáng lo ngại ở Việt Nam lúc này. "Lạm phát hiện tại ở Việt Nam vẫn đang trong tầm kiểm soát và dự báo năm nay sẽ không vượt 4%" - ông nhận định.
Theo Doanh nghiệp & Tiếp Thị