Dấu ấn các tỷ phú tại Tân Liên Phát Tân Cảng

VietTimes – Các thành tố “Tân Liên Phát” hay “Tân Cảng” tên gọi của Công ty cổ phần tiếp vận và Bất động sản Tân Liên Phát Tân Cảng (Tân Liên Phát Tân Cảng) có thể sẽ khiến nhiều người hình dung đến một thành viên của Vingroup, là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát – chủ đầu tư dự án Vinhomes Tân Cảng. Nhưng dữ liệu ban đầu cho thấy, Tân Liên Phát Tân Cảng được sáng lập bởi nhóm khác, cũng là những tỷ phú USD.

Công ty Cổ phần Tiếp vận và Bất động sản Tân Liên Phát Tân Cảng vừa công bố tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu 6 tháng đầu năm 2019.

Theo đó, ngày 21/6/2019, Tân Liên Phát Tân Cảng đã phát hành thành công 2 lô trái phiếu có quy mô 1.979 tỷ đồng, trong đó lô TLPTC062022 có kỳ hạn 3 năm, trị giá 593 tỷ đồng và lô TLPTC062020 kỳ hạn 1 năm 1 ngày với giá trị 1.386 tỷ đồng. Tới cuối tháng 6/2019, dư nợ gốc vẫn giữ nguyên và không phát sinh dư nợ lãi.

Văn bản không cho biết thông tin về trái chủ, cũng như lãi suất của lô trái phiếu, mà chỉ công bố tổ chức lưu ký là CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS). Tuy vậy, nó cũng lần đầu tiên thông báo công khai về kết quả của đợt phát hành trái phiếu trên của Tân Liên Phát Tân Cảng.

Dấu cũ Masan

Tân Liên Phát Tân Cảng được thành lập vào cuối tháng 1/2002 với tên gọi Công ty Cổ phần Tiếp vận MA SAN, với vốn điều lệ 26,67 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Đầu tư Ma San (Đại diện là ông Nguyễn Đăng Quang) nắm giữ 47,8%.

Cá nhân ông Quang cũng trực tiếp nắm giữ thêm 4,33%; Số cổ phần còn lại do đại gia Hồ Hùng Anh – người đồng hành lớn của ông Quang “Masan” - sở hữu.

Theo giấy đăng ký doanh nghiệp được thay đổi vào ngày 4/7/2019, vốn điều lệ của Công ty đã tăng lên thành 535,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, không rõ cơ cấu sở hữu của pháp nhân này hiện cụ thể ra sao. Nhưng một nguồn tin cho biết, nhóm ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang đã rút toàn bộ vốn từ nhiều năm trước.

Vinhomes Tân Cảng là một trong những điểm nhấn ấn tượng về sự phát triển của Tp. HCM và Việt Nam.
Vinhomes Tân Cảng là một trong những điểm nhấn ấn tượng về sự phát triển của Tp. HCM và Việt Nam.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, vào hạ tuần tháng 6/2015, Tân Liên Phát Tân Cảng đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh số 16b/2015/TLP-TLPTC với Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát (chủ đầu tư) về việc hợp tác kinh doanh tại Dự án Khu phức hợp Tân Cảng Sài Gòn (Vinhomes Tân Cảng).

Và có lẽ ít người biết Tân Liên Phát Tân Cảng còn là một trong những cổ đông lớn nhất của Công ty TNHH Đầu tư Continental Pacific – cái tên nắm giữ lượng cổ phần khủng tại không ít doanh nghiệp khủng.

Xuất phát chung gốc, Tân Liên Phát Tân Cảng hiện vẫn giữ quan hệ tín dụng bền chặt với Techcombank, ngân hàng “ruột” của nhiều tỷ phú gốc Đông Âu.

Chủ mới...

Nguồn tin của VietTimes nói rằng, nhóm ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang đã rút vốn khỏi Tân Liên Phát Tân Cảng "từ nhiều năm trước". Đó hẳn là một thông tin đáng chú ý nhưng nó có đồng nghĩa rằng nhóm này không còn liên quan gì về mặt sở hữu với Tân Liên Phát Tân Cảng?

Một thông lệ không mới là các ông chủ lớn thường chỉ đứng tên ở một số doanh nghiệp lõi; Còn các pháp nhân mang tính xử lý nghiệp vụ hay các SPCs lại thường được ủy quyền cho các nhân sự tin cẩn hay các tổ chức trung gian đại diện. Sự ra mặt kiểu ấy, nói một cách dễ hiểu hơn, là "đứng hộ".

Với Tân Liên Phát Tân Cảng, công ty này đã tăng vốn tới hàng trăm lần so với ban đầu. Như vậy, số cổ phần mà các cổ đông sáng lập - như Công ty Cổ phần Đầu tư Ma San, ông Nguyễn Đăng Quang, ông Hồ Hùng Anh - nếu không được bổ sung thêm qua các lần góp vốn sẽ bị pha loãng mạnh, tiếng nói còn lại không đáng kể. Trong bối cảnh như thế, việc nhóm Masan (gồm cả ông Quang và ông Anh) chuyển nhượng vốn tại Tân Liên Phát Tân Cảng cho bên khác cũng không có gì bất ngờ.

Vậy đâu là cổ đông mới của Tân Liên Phát Tân Cảng?

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, cổ đông lớn nhất hiện nay của công ty này là bà Trần Thị Thu Hiền (SN 1973), với quy mô nắm giữ 26.419.440 cổ phần, tương ứng tỷ lệ sở hữu 50,55%.

Đáng chú ý, bà Hiền cũng chính là người đại diện theo pháp luật của Tân Liên Phát Tân Cảng với vai trò Giám đốc từ nhiều năm nay. Ngoài lượng cổ phần lớn tại Tân Liên Phát Tân Cảng, bà Trần Thị Thu Hiền còn nắm giữ hơn 87,2 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Đầu tư Newco Việt Nam (theo Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần số 02/GCNCĐ/NEWCO ký ngày 28/03/2017). Chỉ tính riêng mệnh giá của lượng cổ phần mà bà Hiền nắm giữ tại hai doanh nghiệp này, giá trị đã lên tới cả nghìn tỷ đồng.

Nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng bà Trần Thị Thu Hiền là một đại gia nghìn tỷ. Lượng cổ phần này có thể chỉ là một con số đăng ký và bà Hiền có thể cũng chỉ là một người “đứng tên”, nhất là khi số cổ phần ấy đều đã được “cắm” ở Techcombank.

Vậy bà Hiền đến từ nhóm nào?

Trước tiên, tài liệu của VietTimes cho thấy, bà Trần Thị Thu Hiền đã giữ ghế Giám đốc Tân Liên Phát Tân Cảng từ nhiều năm nay - không loại trừ là từ thời nhóm Masan chưa thoái vốn.

Thứ nữa, ngoài Tân Liên Phát Tân Cảng, bà Trần Thị Thu Hiền còn từng đứng tên đại diện cho một loạt doanh nghiệp như: Công ty TNHH Metropolis (Metropolis), Công ty TNHH Parkland 53 (Parkland 53), Công ty TNHH Mi Lan, CTCP Đầu tư Phong Tuấn Phát.

Masteri là thương hiệu của Thảo Điền Investment. (Ảnh: Internet)
Masteri là thương hiệu của Thảo Điền Investment. (Ảnh: Internet)

Trong đó, Metropolis là pháp nhân dự án của một dự án thành phần có quy mô 3,1 ha được tách ra từ đại dự án Khu nhà ở cao tầng kết hợp thương mại - dịch vụ Thảo Điền diện tích 8 ha (tên thương mại là Masteri Thảo Điền) do Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Thảo Điền (Thảo Điền Investment) làm chủ đầu tư, tại phường Thảo Điền, Quận 2, Tp. HCM.

Tương tự, Parkland 53 cũng được lập ra để sắm vai chủ đầu tư dự án địa ốc tại thửa đất số 53, tờ bản đồ số 19, phường An Phú, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh. Chủ sở hữu Parkland 53 khá thú vị, cũng giống Tân Liên Phát Tân Cảng, là một cổ đông lớn của Công ty TNHH Đầu tư Continental Pacific.

Nhiều dấu hiệu cho thấy Metropolis và Parkland 53 từng có liên hệ với hệ sinh thái Thảo Điền Investment – một chủ đầu tư địa ốc kín đáo được cho là có mối liên hệ với gia đình một tỷ phú USD.

Bộ đôi tỷ phú của Techcombank - Masan: ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang. (Ảnh: Internet)
Bộ đôi tỷ phú của Techcombank - Masan: ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang. (Ảnh: Internet)

Cùng trở về từ Đông Âu và dựng nghiệp bằng nghề kinh doanh mì gói như ông chủ Vingroup Phạm Nhật Vượng, ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh tiếp tục gắn bó và được xem như một cặp bài trùng trên thường trường Việt.

Dấu ấn của họ in đậm lên hai tổ chức kinh tế tư nhân lớn bậc nhất hiện nay là Tập đoàn Masan và Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank). Hiện ông Đăng Quang và ông Hùng Anh được xem là những người giàu nhất của không chỉ Việt Nam mà đã lọt top các tỷ phú thế giới.

Dù ít được nhắc đến trên thị trường địa ốc giống như các đại gia trở về từ Đông Âu khác, tuy nhiên theo tìm hiểu của VietTimes, bộ đôi tỷ phú này và gia đình không phải là không hoạt động trong lĩnh vực từng được xem như béo bở nhất, tạo lập nên nhiều đại gia nhất này./.