Danh tính Chery - hãng xe Trung Quốc hợp tác với Geleximco xây nhà máy 19.000 tỉ đồng ở Thái Bình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Chery từng hợp tác với Liên doanh ô tô Hòa Bình (VMC) để vào thị trường Việt Nam nhưng thất bại. Nhiều năm sau, hãng xe Trung Quốc trở lại thị trường Việt, bắt tay với Geleximco xây nhà máy tại Thái Bình.

Như VietTimes đã đưa tin, Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery, Trung Quốc) đã ký hợp đồng nguyên tắc với CTCP Tập đoàn Geleximco (Geleximco) về việc đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp, sản xuất ô tô tại Khu công nghiệp Hưng Phú, tỉnh Thái Bình.

Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến ở mức 800 triệu USD (khoảng 19.600 tỉ đồng), chia làm 3 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 1 (từ năm 2024-2030) có vốn đầu tư dự kiến 220 triệu USD, sản xuất 50.000 ô tô/năm; giai đoạn 2 (từ năm 2031-2033) vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD, sản xuất 100.000 ô tô/năm và giai đoạn 3 (từ năm 2034-2035) vốn đầu tư khoảng 380 triệu USD, sản xuất 200.000 ô tô/năm.

chery .png
Một đại lý của Chery (Ảnh: Yuga Tech)

Sơ phác Chery

Từ cuối tháng 10, ba mẫu xe của Chery - thuộc các thương hiệu Omoda và Jaecoo - đã xuất hiện tại Hà Nội, nhằm nghiên cứu thị trường trước khi mở bán vào năm 2024. Động thái này cho thấy sự thận trọng của Chery so với các thương hiệu ô tô Trung Quốc khác đang tràn vào Việt Nam.

Thực tế, Chery được biết đến tại Việt Nam từ năm 2009, thông qua hợp tác với Liên doanh ô tô Hòa Bình (VMC), song thất bại trong việc chinh phục khách hàng Việt.

Trong lần trở lại này, Chery mang đến những thương hiệu mới - là Omoda và Jaecoo, có thiết kế trẻ trung, tích hợp nhiều công nghệ dành cho việc xuất khẩu. Trong khi, thị trường nội địa vẫn do thương hiệu Chery đảm trách.

Chery được thành lập từ năm 1997, có trụ sở tại Vũ Hồ, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Nhiều năm liền nắm giữ cương vị Chủ tịch Chery là ông Yin Tongyue. Ông Yin từng công tác tại First Automobile Works (FAW) - một trong những nhà sản xuất ô tô lâu đời bậc nhất Trung Quốc.

Năm 2009, Chery gây tiếng vang lớn ở đất nước tỉ dân khi ghi nhận doanh số bán hàng đạt 500.000 xe. Hãng cũng phát triển thêm nhiều dòng xe mới, bên cạnh thương hiệu chính Chery, chẳng hạn như: Karry, Riich và Rely.

“Thật dễ dàng để chiến thắng khi bạn có nhiều con hơn”, Chủ tịch Chery Yin Tongyao từng cho biết về chiến lược đa thương hiệu của hãng.

Tuy vậy, theo Reuters, Chery đã tung ra hàng chục mẫu xe mới với rất ít sự khác biệt, và những thương hiệu như Riich và Rely chưa bao giờ được ưa chuộng. Điều này phần nào được phản ánh trong kết quả kinh doanh của Chery giai đoạn 2012 - 2013, với việc giảm doanh số bán hàng.

Đến tháng 9/2012, Chery công bố kế hoạch tái cơ cấu hoạt động kinh doanh. Hãng sau đó cũng hợp nhất cả bốn thương hiệu thành Chery.

Thay vì bán các dòng xe giá rẻ, Chery đẩy mạnh việc phát triển các dòng sản phẩm chất lượng cao, liên doanh với tập đoàn Israel và hãng xe Land Rover.

Hãng xe này cũng tìm kiếm động lực tăng trưởng mới ở thị trường quốc tế, với các dòng xe Omoda và Jaecoo, trong khi thương hiệu Chery đảm trách thị trường trong nước./.