Ngày 28/9, Nhà huấn luyện Doanh nghiệp Toàn cầu (Master Coach) Andrew Johnston (New Zealand) đến TP.HCM giao lưu với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.
Cuộc trò chuyện với ý nghĩa “Khởi đầu của những điều vĩ đại”, nhân dịp giới thiệu cuốn sách cùng tên của Master Coach Andrew Johnston được Action Coach chuyển ngữ, NXB Thế giới ấn hành tại Việt Nam.
Trong cuộc trao đổi, nhà huấn luyện New Zealand từng trải và đầy đam mê nhấn mạnh vào những câu chuyện đầy tính thực tiễn về việc quản lý và vận hành doanh nghiệp, giúp cộng đồng doanh nhân hiểu và tự nhận ra đâu là điểm mạnh thật sự cần phát triển và đâu là nguồn lực cần tập trung đầu tư để đạt được mục tiêu.
Andrew Johnston mang đến những giá trị được đúc rút ngắn gọn nhờ “Small Changes – Big Results”. Xoay quanh chủ đề khám phá lý do doanh nghiệp bị thất thoát tiền và chiến lược gia tăng lợi nhuận, cuộc trao đổi đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ các chủ doanh nghiệp.
Andrew Johnston lưu ý các chủ doanh nghiệp Việt cần khám phá sức mạnh của truyền thông nội bộ; xây dựng văn hóa đội nhóm để mỗi nhân viên là một chiến binh.
Nhà huấn luyện đề cao việc nhân viên chia sẻ, tương tác cùng chủ doanh nghiệp để cùng nhau tìm ra điểm khúc mắc trong từng vấn đề họ đang phải đối mặt. Nhưng ông Johnston đặc biệt nhấn mạnh vào việc quản trị thời gian của chủ doanh nghiệp.
Ông Johnston đặc biệt nhấn mạnh vào việc quản trị thời gian
|
Cùng chung quan điểm quản trị với Andrew Johnston, bà Anna Nguyễn Thị Bích Hằng – CEO Action Coach cho biết: “Chủ doanh nghiệp chậm trả lời email, trong khi phía sau có rất nhiều người đang đợi quyết định của mình, thì người làm tốn phí cho doanh nghiệp chính là chủ doanh nghiệp mà không hề biết. Thường là nhân viên thì bị áp nhiều hệ thống đo đếm hiệu suất nhưng chủ doanh nghiệp thì không. Trong quá trình huấn luyện cho các doanh nghiệp Việt, tôi thường nói với các ông bà chủ rằng anh chị hãy xây KPI cho chính mình. Khi anh chị follow up được KPI, thấy cái khó ở chỗ nào, áp lực chỗ nào thì nhân viên cũng sẽ thấy y như vậy. Mà thường nhân viên không đạt KPI không phải do năng lực của họ mà lại do chủ doanh nghiệp giao chỉ tiêu trong bản mô tả một đằng, bắt họ thực hiện công việc thực tế một nẻo”.
Trả lời câu hỏi: “Vậy nhân viên ở Việt Nam có được phép phản ánh thẳng tới chủ doanh nghiệp về những bất cập? Và liệu chủ doanh nghiệp có nghe hay không? Hay vì phản ánh mà không được bên trên nghe nên họ cứ phải mang ra ngoài càm ràm, nói xấu?”
Bà Anna Nguyễn Thị Bích Hằng cho biết: “Ban đầu ngay bản thân tôi cũng chỉ cho phép cấp trưởng phòng phản ánh chứ không cho nhân viên phản ánh trực tiếp. Ngay cả thế, nghe trưởng phòng phản ánh mà mình cũng thấy khó chịu. Sau thì tôi nghiệm ra, mình thấy khó chịu là do họ khác mình chứ không phải họ không muốn tốt. Nếu mình muốn đạt hiệu quả, mình buộc phải dung hòa. Và tôi bắt đầu thay đổi, để tìm con đường chung giữa hai phía. Chủ doanh nghiệp thường là có tầm nhìn hơn nhân viên, như vậy mới là chủ. Nhưng chủ doanh nghiệp đâu phải người làm từng việc trực tiếp, để bắt đầu bất cứ một việc gì, trước hết hãy nghĩ xem nhân viên của mình có làm được việc này không? Hãy chọn những gì dễ nhất, thậm chí cho họ viết xuống nếu làm việc đó họ sẽ gặp khó ở đâu? Ai là người có thể giúp họ vượt qua khó khăn này? Bắt đầu từ khi tôi thay đổi góc nhìn, thì bộ máy phát triển hơn hẳn, doanh thu tăng lên trông thấy”.
Bà Anna Nguyễn Thị Bích Hằng
|
“Tôi giành nguyên một ngày thứ 2 để họp với nhân viên các bộ phận. Ngoài ra, phải giúp nhân viên xây dựng mục tiêu của tháng, tuần, và cuối cùng là mục tiêu ngày. Hãy đi sát với mục tiêu của nhân viên, tăng hiệu suất của họ lên chứ đừng thay đổi nhân sự, vì chi phí đào tạo mới một nhân sự sẽ cao hơn gấp nhiều lần so với nhân sự ổn định. Đồng thời có thể phải trả mức lương mới cao hơn mà vẫn mất 2-3 năm để đào tạo cho họ thực sự bước vào guồng máy” – Bà Hằng nói.
Với những doanh nghiệp khoảng 500 nhân viên như Action Coach, còn có thể làm được theo cách này, chứ với những doanh nghiệp có 5.000 nhân viên hoặc hơn nữa liệu còn ứng dụng những cách này được không?
Bà Hằng khẳng định: “Với 5.000 nhân viên thì khó hơn là 500, nhưng không phải là không thể. Làm việc với các chuyên gia đào tạo nước ngoài, tôi luôn chọn xu hướng đơn giản hóa tất cả mọi thứ, không đặt những mục đích quá xa vời so với thực tế của doanh nghiệp, của chính bản thân và năng lực của nhân viên. Nếu chỉ quản lý bằng KPI, nhân viên sẽ nghĩ là mình quản lý họ và sẽ né tránh, đối phó. Còn nếu chủ doanh nghiệp nói được với nhân viên rằng giấc mơ của mình là gì? Làm cho họ rõ trong phác thảo về viễn cảnh đó, họ đứng ở đâu, đóng vai trò gì? Họ muốn làm gì và có thể làm gì? Nhận thức được mong muốn, nguyện vọng và có mục tiêu cụ thể, nhân viên sẽ làm việc vì chính họ chứ không phải vì bị quản lý. Tôi tin nếu chủ doanh nghiệp biết tự đặt KPI, tự quản lý thời gian hiệu quả thì toàn bộ nhân viên của họ cũng sẽ là những “bản sao” y chang vậy. Mà một doanh nghiệp quản lý thời gian hiệu quả, như ông Andrew Johnston phân tích, thì không thể không đạt tới hiệu quả tốt trong vận hành và doanh số”.
Bà Hằng nhấn mạnh thông điệp về việc người làm mất năng suất của doanh nghiệp thường chính là ông bà chủ chứ không phải nhân viên
|
Cuộc trò chuyện của ông Andrew Johnston và bà Anna Nguyễn Thị Bích Hằng thu hút rất đông doanh nghiệp Việt lắng nghe
|