Tôi viết bài báo này đúng ngày này, tháng này 46 năm về trước (13.4.1975), đơn vị tôi được lệnh từ trên núi Bác Ái, " tụt xuống" luồn sâu lót sẵn bên ngoài hàng rào kẽm gai Sân bay Thành Sơn (Phan Rang- Ninh Thuận) chờ lệnh tấn công. Những dòng chữ này như những nén tâm hương thắp cho đồng đội đã chiến đấu vô cùng anh dũng rồi nằm lại trên mãnh đất đầy nắng gió này. Và, câu chuyện còn là sự kiện 46 năm sau, chúng tôi mới gặp được " người trời" Phi đội trưởng phi đội " Quyết Thắng" ném bom Sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28.4.1975. Chính đơn vị tôi, Tiểu đoàn 631 anh hùng ( D1-E25-B3 - Mặt trận Tây Nguyên) tiến công hết sức quyết liệt, dũng mãnh đánh chiếm và làm chủ hoàn toàn sân bay Thành Sơn khoảng 11 giờ ngày 16.4.1975, rồi ở lại, bảo vệ và dọn dẹp phi trường để Phi đội quyết thắng xuất kích.
Phi đội Quyết thắng sau khi ném bom sân bay Tân Sơn Nhất trở về sân bay Thành Sơn. Phi đội trưởng Nguyễn Văn Lục khoắc vai Nguyễn Thành Trung, Từ Đễ, Trần Văn On, Hán Văn Quảng , Hoàng Mai Vượng (từ trái qua) |
Những cựu binh Tiểu đoàn 631 anh hùng thuộc Mặt trận Tây Nguyên (B3) luôn tự hào về truyền thống chiến đấu vô cùng quả cảm kể từ khi mang phiên hiệu 631 (khoảng năm 1967) do việc " hợp quân" của 2 tiểu đoàn, tiểu đoàn 6 bộ binh và tiểu đoàn 31 pháo binh trên chiến trường Tây Nguyên vô cùng gian khổ và ác liệt.
Suốt từ ngày mang phiên hiệu 631 đến khoảng tháng 10.1974, với hàng trăm trận đánh lớn, nhỏ trên chiến trường Gia Lai đã tô thắm thêm truyền thống; "Trường Sơn chuyển mình, Pô Kô dậy sóng, quyết sạch quân thù, giải phóng Tây Nguyên" và ngày 2.9.1972 Tiểu đoàn 631 được phong tặng danh hiệu "Anh hùng". Trước khi chiến dịch Tây Nguyên mở ra (tháng 3.1975) Tiểu đoàn 631 được lệnh hành quân sang Đăk Lăk đứng trong đội hình Trung đoàn 25 ( E25), Tiểu đoàn 631 mang phiên hiệu Tiểu đoàn 1 (D1) E25 Mặt trận Tây Nguyên. Đánh địch từ Gia Lai , sang Đăk Lăk ngay lập tức Tiểu đoàn 631 đánh trận mở đầu trên QL 21 (nay là QL 26) đêm ngày 4 rạng ngày 5.3.1975 tiêu diệt gọn đại đội bảo an ( cứ điểm A2) án ngữ gần điểm cao 519 trên QL 21, để rồi ngày 10.3.1975 quân ta tiến công và giải phóng thị xã Buôn Mê Thuột.
Cứ thế, D 631 đánh đoàn xe hơn 150 chiếc tháo chạy từ Ban Mê Thuột về Nha Trang ( Khánh Hóa), tiến công quận lỵ Khánh Dương ( nay là huyện M'Drăk, Đăk Lăk) , đánh Lữ dù 3 trên đèo Phượng Hoàng rồi hành tiến về Ninh Thuận. Lúc này, địch đã lập phòng tuyến Phan Rang- Tháp Chàm nên bố phòng chặt chẽ và bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng phản công quân ta, nên D631 được lệnh từ rừng dừa Phan Rang " leo ngược" lên núi rừng Bác Ái. Từ Bác Ái đêm 13.4.1975, D 631 được lệnh hành quân luồn sâu lót sẵn bên ngoài hàng rào Sân bay Thành Sơn chờ lệnh.
Hiện trường sau vụ ném bom Sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28.4.1975 ( ảnh đại tá Nguyễn Văn Lục cung cấp) |
Tháng 4, thời tiết Ninh Thuận nhất là khu vực sân bay Thành Sơn nóng như rang, cây cối lúp xúp không một giọt nước. Cả D631 đã vào vị trí tập kết chưa được nổ súng. Cả ngày 14.4 đơn vị chúng tôi nóng lòng chờ lệnh. Bất thần, lính trong sân bay ra bên ngoài đi tuần sát vào đội hình, phát hiện bộ đội 631 nên buộc phải nổ súng. Thế là, cả ngày hôm đó, trên trời máy bay, mặt đất lính bộ binh và xe tăng liên tục tấn công D631.
Cuộc chiến đấu vô cùng anh dũng, 5 xe tăng địch bị bắn cháy, bọn địch bị đẩy lui không dám phản kích, chúng gọi máy bay và pháo binh bắn như mưa vào đội hình tiểu đoàn. Đêm 14.4.1975, D 631 được lệnh rút vào chân núi Bác Ái củng cố và làm công tác thương binh liệt sĩ. Tối ngày 15.4.1975, cả tiểu đoàn lại nhận lệnh tiền nhập ém quân. Cả đêm 15.4 mấy trăm bộ đội D 631 nằm chờ nổ súng dưới ánh pháo sáng và tiếng réo của bom đạn. 8 giờ ngày 16.4.1975, đơn vị chúng tôi được lệnh nổ súng, hàng loạt bộc phá ống của đại đội 10 nổ rền vang thổi bay 11 lớp hàng rào kẽm gai " mở cửa" cho toàn tiều đoàn khẩn trương cơ động vào đánh chiếm các mục tiêu trong sân bay. 3 tiếng đồng hồ quần nhau với địch, các chiến sĩ D 631 anh hùng chiến đấu vô cùng oanh liệt đến 11 giờ trưa cùng ngày, D 631 đã đánh chiếm và làm chủ hoàn toàn sân bay Thành Sơn, thu 40 máy bay còn nguyên vẹn và rất nhiều quân trang quân dụng của địch...
Bộ đội tấn công đánh chiếm thị xã Phan Rang- Tháp Chàm giải phóng hoàn toàn tỉnh Ninh Thuận ngày 16.4.1975 |
Cứ tưởng đánh xong sân bay Thành Sơn , đơn vị chúng tôi tiếp tục tiến về Sài Gòn, nhưng lại được lệnh toàn tiểu đoàn ở lại bảo vệ sân bay. D631 có biết đâu , nhiệm vụ bảo vệ sân bay, dọn dẹp đường băng để đón tiếp Không quân nhân dân Việt Nam tập kết để làm nhiệm vụ. Nhiều anh em đồng đội băn khoăn, lính chiến không đánh nhau lại đi quét đường băng à! Chính nhiệm vụ mới đối với một tiểu đoàn anh hùng có lẽ ít hoặc không có đơn vị nào trong chiến tranh có được. Chúng tôi quét đường băng. Chúng tôi bảo vệ an toàn sân bay. Chúng tôi trực tiếp nhìn thấy 5 máy bay A37 của Mỹ do phi công ta lái lần lượt hạ cánh xuống phi trường Thành Sơn. Và, chúng tôi cũng tận mắt thấy Phi đội " Quyết Thắng" xuất kích ném bom Sân bay Sơn Nhất rồi vỡ òa niềm vui khi các anh an toàn trở về Sân bay Thành Sơn còn nồng mùi súng đạn...
Bộ đội truy kích địch bên ngoài sân bay Thành Sơn ngày 16.4.1975 |
Gần nửa thế kỷ đã qua, trên các phương tiện truyền thông mọi ngược được nghe, được thấy những người anh hùng của Phi đội quyết thắng. Từ phi đội trưởng Nguyễn Văn Lục đến Hán Văn Quảng, Từ Đễ, Hoàng Mai Vượng, Nguyễn Thành Trung, Trần Văn On. Nhưng, những người lính Tiểu đoàn 631 anh hùng, đơn vị trực tiếp đánh chiếm, làm chủ sân bay rồi ở lại dọn dẹp để các anh xuất kích, có lẽ chưa ai gặp trực tiếp một trong những người " trên trời " ấy. Và, nhiều lý do nên 46 năm qua, một số cựu binh D631 anh hùng- những chiến sĩ dọn đường băng phi trường Thành Sơn năm xưa mới được tận mắt nhìn thấy một trong những "người trên trời" bằng xương bằng thịt - Đại tá Anh hùng không quân, Phi đội trưởng Phi đội quyết thắng Nguyễn Văn Lục!
Quán cafe Mai ở ngõ 149 đường Nguyễn Ngọc Nại (Hà Nội) sáng ngày 11.4.2021, đại tá Nguyễn Kiệm (nguyên Trưởng phòng Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm, Viện KSQS trung ương, nguyên chính trị viên phó D 631), Tô Nguyên, Lê Huy Dân và tôi đã được gặp và trò chuyện với đại tá, Anh hùng Nguyễn Văn Lục. Người anh hùng năm nay đã 74 xuân nhưng vẫn rất minh mẫn và mạnh khỏe. Cảm nhận đầu tiên ở người phi công anh hùng này rất giản dị, chất phác, hiền lành, khiêm nhường. Nhưng khuôn mặt toát lên vẻ cương nghị, kiên quyết, dứt khoát. Con người ấy ở tuổi 28 cùng với đồng đội của phi đội quyết thắng học "chuyển loại" từ máy bay MIG của Nga sang máy bay A 37 của Mỹ mất có...5 ngày, thực chất chỉ có 3,5 ngày. Thế rồi " dám" ngự trên A 37 " vác" bom đi ném xuống sân bay Tân Sơn Nhất chiều ngày 28.4.1974.
Trong câu chuyện giữa những người lính quét đường băng và người "trên trời" tưởng chừng như không có điểm dừng. Nhưng, mỗi lần nhắc đến phi đội quyết thắng, anh Lục ít khi nói về mình và chỉ kể lại những tình tiết mà báo chí đã đề cập rất nhiều. Tuy nhiên, trong câu chuyện tôi nhận thấy còn có những chuyện anh Lục chưa nói ra. Rất may, những chuyện anh Lục cho biết từ việc là tài xế hỏa xa có lúc lái đầu tàu hỏa (trong chiến tranh) giấu ở rừng Thông (Thanh Hóa) cho đến khi trúng tuyển phi công và có thời gian dài đóng quân tại Sân bay Sao Vàng anh có nhiều kỷ niệm và có những tấm ảnh chưa từng công bố ( ảnh Phi đội trưởng Nguyễn Văn Lục đánh cở với Tư lệnh Quân chủng PK-KQ Lê Văn Tri trước giờ xuất kích ném bom Tân Sơn Nhất và ảnh hiện trường sau trận bom của Phi đội quyết thắng).
Bằng "nghiệp vụ", cuối cùng tôi đã " moi" được 2 tấm ảnh chưa từng công bố trên các phương tiện truyền thông. Quả thực nếu không nhầm bao nhiêu năm qua tôi đã từng đọc, từng xem, chưa thấy 2 bức ảnh này. Hôm nay tôi xin công bố (nếu như có cơ quan báo chí nào đã đăng tải xin được tạ lỗi) về 2 bức ảnh này. Và, khi nói về chúng ta thắng kẻ thù, ngoài tinh thần yêu nước, khí phách gan dạ, anh hùng, trí thông minh , lòng dũng cảm, còn là sự bình thản, tự tin và thái độ không hề run sợ, vẫn nhẹ lòng thư giãn. Xin thưa, trước giờ xuất kích đi ném bom sân bay Tân Sơn Nhất (chiều 28.4.1975), Tư lệnh Quân chủng PK-KQ Lê Văn Tri vẫn đàng hoàng đánh cờ với Phi đội trưởng Nguyễn Văn Lục , có Hoàng Mai Vượng (đã hy sinh năm 1976) và Nguyễn Thành Trung ngồi xem như không có chuyện gì xảy ra!
Trước giờ xuất kích ném bom Tân Sơn Nhất, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ Lê Văn Tri ( bên trái) đánh cờ với Phi đội trưởng Nguyễn Văn Lục ( thứ nhất bên phải), Hoàng Mai Vượng và Nguyễn Thành Trung ngồi xem (ảnh đại tá Nguyễn Văn Lục cung cấp) |
Trong câu chuyện giữa chúng tôi với đại tá Anh hùng không quân Nguyễn Văn Lục, đôi lúc anh nhỏ nhẹ, thỏ thẻ, xúc động nói về đồng đội, nói về những người lính trên chiến trường đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến. Anh không quên cảm ơn những người lính D631 anh hùng đã chiến đấu vô cùng anh dũng đánh chiếm Sân bay Thành Sơn rồi canh giữ, dọn dẹp sân bay an toàn để Phi đội quyết thắng xuất kích ném bom Tân Sơn Nhất, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Anh Lục luôn tự hào về những người lính cụ Hồ và vô cùng vinh dự là phi công của lực lượng không quân nhân Việt Nam anh hùng.
Đại tá Nguyễn Văn Lục tóm tắt những mốc son chói lọi của không quân Việt Nam. Anh nói: " ...lịch sử không quân ta rất oai hùng, có thể tóm tắt ngắn gọn về 4 dấu son chói lọi nhất. Một là, ngay trận đầu xuất kích ngày 3 và 4 tháng 4 năm 1965, 2 biên đội MIG 17 do Phạm Ngọc Lan và Trần Hanh chỉ huy bắn rơi 4 máy bay F 8U và F 105 của Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng ( Thanh Hóa); Hai là, bằng sân bay dã chiến ở Quảng Bình, ngày 19.4.1972 không quân ta tấn công Hạm đội 7 của Hoa Kỳ, kể từ sau năm 1945 chưa có bất kỳ nước nào dám đụng đến. Ba là, trận " Điện Biên Phủ" trên không tháng 12 năm 1972, không quân Việt Nam đã dùng MIG xuất kích bắn rơi Pháo đài bay B 52 của Mỹ. Và bốn là học chuyển loại có 3,5 ngày từ lái máy bay của Nga sang lái máy của Mỹ đem bom tấn công Sân bay Tân Sơn Nhất..."
Người Anh hùng bình dị Nguyễn Văn Lục |
Còn chúng tôi, khi hào hứng kể chuyện cho anh Lục nghe về trận đánh chiếm Sân bay Thành Sơn , hơn 50 đồng đội thương vong, phần lớn hy sinh, có lúc chạnh lòng vì hầu hết báo chí từ trước đến nay khi nói, viết về trận đánh này chủ yếu liệt kê trung đoàn nọ, sư đoàn kia, còn Tiểu đoàn 631 anh hùng (D1 E25) gần như không một dòng nào kể lại. Mặc dù D631 là đơn vị trực tiếp tấn công đánh chiếm làm chủ và còn nằm lại canh giữ, bảo vệ sân bay cho đến ngày 6.5.1975 mới được lệnh hành quân trở lại Tây Nguyên truy quét Phu Rô. Vẫn biết chiến dịch lớn khi đánh trận có nhiều đơn vị phối hợp ...
Lịch sử luôn phải khách quan, công bằng!
Sân bay Thành Sơn 13.4.1975- Thanh Hóa 13.4.2021