Liên tục bung tiền
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa thông báo, ông Đặng Thành Tâm đã đăng ký mua thêm 2 triệu cổ phiếu của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC). Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 2/11 đến 1/12/2015.
Cũng theo HOSE, ông Tâm đã thông báo mua thành công gần 2,8 triệu cổ phiếu KBC trong tháng 10 và 2,2 triệu cổ phiếu trong tháng 9.
Như vậy, nếu giao dịch thành công, ông Tâm sẽ sở hữu tổng cộng 67,25 triệu cổ phiếu KBC, chiếm 14,3% tổng lượng cổ phiếu DN do ông làm chủ tịch HĐQT này. Số tiền mà đại gia này bỏ ra sẽ vào khoảng 80-90 tỷ đồng.
Ông Tâm đã có nhiều sự thay đổi |
Gần đây, ông Đặng Thành Tâm bày tỏ sự tiếc nuối khi không có tiền để đầu tư vào một số DN đầu ngành, làm ăn hiệu quả mà Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ thoái vốn trong thời gian tới như: Vinamilk, FPT…. Ông sợ tài sản nhà nước bị bán rẻ và sẽ mất đi các thương hiệu Việt tốt.
Sự lạc quan với thị trường và tâm lý sốt sắng với việc kinh doanh và đầu tư trái ngược với sự lo lắng, im hơi lặng tiếng và âm thầm rút vốn của gia đình ông Tâm thời gian trước đó. Trong vòng một năm ròng rã, kể từ tháng 9/2014, gia đình ông Tâm đã bán ra một lượng lớn cổ phiếu KBC.
Hồi cuối tháng 7 đầu tháng 8, bà Đặng Thị Hoàng Phượng, em gái ông Đặng Thành Tâm đã bán thành công toàn bộ 2,9 triệu cổ phiếu KBC (0,62%). Vợ ông Thành - bà Nguyễn Thị Kim Thanh cũng đã bán tổng cộng 6 triệu cổ phiếu trong tháng 9 và 11/2014 và hiện chỉ còn nắm 0,9% cổ phần KBC.
Cũng thời gian đầu tháng 9/2014, ông Đặng Thành Tâm đã bán thỏa thuận 41 triệu cổ phiếu KBC, giảm số lượng cổ phiếu nắm giữ từ trên 101 triệu cổ phiếu, xuống còn trên 60 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ giảm từ gần 26% xuống còn 15,5%.
Sự hào hứng trở lại với ông Tâm bắt đầu từ khi KBC cơ cấu thành công tương đối các khoản nợ trước đây, KBC đón tín hiệu tốt từ TPP, hưởng lợi từ USD tăng giá, mở rộng được diện tích các KCN trọng điểm và đón nhận cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu do thành tích xuất sắc thu hút đầu tư nước ngoài từ Thủ tướng Chính phủ.
Sau thời âu lo, có lúc muốn tự tử, ông Đặng Thành Tâm giờ đây xuất hiện với trạng khá thoải mái và tự tin và bắt đầu trở lại với đam mê đầu tư và kêu gọi đầu tư của mình.
Tỉnh người với TPP
Là một người gắn bó sát sao với quá trình hội nhập kinh tế của đất nước, ông Đặng Thành Tâm tỏ ra rất hào hứng với Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà 12 nước, trong đó có Việt Nam vừa ký kết.
Với kinh nghiệm là thành viên hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), thành viên tư vấn cao cấp chương trình hỗ trợ kỹ thuật hậu WTO của Chính phủ, ông Đặng Thành Tâm cho rằng, TPP là thành công của 12 nước thành viên, đặc biệt với Việt Nam.
Còn với việc kinh doanh của mình, sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam với Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm và sắp tới là TPP sẽ là một cú hích mạnh giúp các DN kinh doanh bất động sản công nghiệp như KBC và ITA hồi phục mạnh mẽ sau một thời gian khó khăn.
Đánh giá của nhiều CTCK cho thấy, KBC là một trong những DN hưởng lợi lớn nhất khi TPP thành công, lẽ đơn giản là vì đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang có xu hướng gia tăng, đổ vào những ngành được hưởng lợi từ TPP. FDI được dự báo đổ vào Việt Nam còn để hưởng lợi từ các FTAs mà Việt Nam đã và sắp tham gia. Nhu cầu thuê đất tại các khu công nghiệp, nhất là KCN chuyên biệt và nằm gần cảng, sân bay, cơ sở hạ tầng phát triển… sẽ rất lớn.
Bất chấp câu chuyện tồn kho 8 ngàn tỷ đồng, cổ phiếu KBC vẫn có một đợt bứt phá mạnh mẽ, mang về cả trăm tỷ đồng cho ông Tâm trong những ngày đầu tháng 10 khi TPP vừa được ký kết.
Không phải ngẫu nhiên mà gần đây ông Đặng Thành Tâm trở nên hứng thú với công việc kinh doanh và đầu tư. Có nhiều tín hiệu cho thấy, hàng loạt các tập đoàn nước ngoài đang tìm đến Việt Nam để lập các DN sản xuất dệt, vải, sợi… để đón đầu hiệp định TPP. Hàng loạt các ông lớn trong lĩnh vực điện tử công nghệ như Samsung, LG, Intel… đã dồn vốn vào và chọn Việt Nam như một trung tâm chế tạo của mình trên toàn cầu. Chính LG cũng đã chọn KCN của KBC để sản xuất kinh doanh.
Khó khăn dường như đã qua đi, ông không còn phải bận tâm với cổ phiếu ngân hàng, với việc sử dụng dòng vốn dễ dãi để đầu tư dàn trải. Ông Tâm đang trở lại với thế mạnh của mình, với cốt lõi kinh doanh của KBC, ITA.
Vị trí người giàu nhất Việt Nam đã thực sự xa vời với ông Tâm, thậm chí không còn lọt trong tốp 10 nhưng khối tài sản của doanh nhân này vẫn rất lớn, hơn một ngàn tỷ đồng. Ông sở hữu những KCN trọng điểm của tương lai. Đây là cơ sở để ông đẩy mạnh thu hút FDI vào Việt Nam, một thế mạnh và là công việc yêu thích, có ích của đại gia này.
Theo VNN