Sau một thời gian Cục ATTP “mạnh tay” xử phạt và cảnh báo về các sản phẩm, doanh nghiệp vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, hiện nay, tình trạng quảng cáo đã được cải thiện như thế nào, thưa bà?
Quảng cáo thực phẩm chức năng (hoặc thực phẩm bảo vệ sức khỏe) đến nay được kiểm soát trên các trang thông tin đại chúng và cả trên báo chí. Những người sản xuất, kinh doanh và các nhà phát hành quảng cáo đã hiểu và tuân thủ quy định của cơ quan quản lý nhà nước về việc chỉ được phép quảng cáo khi có giấy tiếp nhận, phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước về nội dung quảng cáo.
Đối với các quảng cáo trên trang thương mại điện tử, Cục ATTP rất quyết tâm kiểm soát tốt. Trong trường hợp xuất hiện các quảng cáo vi phạm hoặc phát hiện có các quảng cáo vi phạm, chúng tôi lập tức thu thập thông tin, đồng thời, yêu cầu các trang thương mại điện tử phải gỡ bỏ và cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước tên của cơ sở hoặc địa chỉ cá nhân có quảng cáo vi phạm để xử lý.
Cục ATTP đánh giá các trang thương mại điện tử phối hợp tốt, cố gắng kiểm soát tình trạng quảng cáo tràn lan, quảng cáo quá công dụng của sản phẩm, hoặc lừa dối người tiêu dùng. Tuy nhiên, số lượng các quảng cáo vi phạm chưa giảm nhiều.
Đặc biệt, tình trạng vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng diễn ra tràn lan trên mạng xã hội. Ví dụ, trên Facebook có rất nhiều các hình thức quảng cáo, quảng cáo các sản phẩm chưa được phép quảng cáo. Thậm chí, có những sản phẩm chưa được phép lưu hành trên thị trường cũng được quảng cáo rẩm rộ.
Bà Trần Việt Nga (váy đen, thứ 6 từ trái sang phải) cùng đối tác của Cục truyền thông về an toàn thực phẩm
|
Trước tình trạng này, Cục ATTP đã có biện pháp kiểm soát, xử lý ra sao, thưa bà?
Để thắt chặt hoạt động quảng cáo trên trang thương mại điện tử, chúng tôi gửi công văn gửi Cục Thương mại điện tử của Bộ Công thương liên hệ, phối hợp hoạt động. Bên cạnh việc xử phạt các quảng cáo vi phạm, Cục ATTP cũng xây dựng những hoạt động tuyên tuyền pháp luật liên quan tới quảng cáo thực phẩm chức năng
Về các quảng cáo tràn lan trên Facebook, chúng tôi đã phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông để thông tin những quy định của pháp luật về việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe tới Facbeook, từ đó xóa các quảng cáo đó khỏi mạng xã hội.
Ngoài ra, để việc trao đổi thông tin được thuận lợi, chúng tôi cũng yêu cầu thiết lập một kênh trao đổi trực tiếp giữa Cục ATTP và Facebook Việt Nam để khi cơ quan quản lý có thông tin, Facebook xóa quảng cáo vi phạm đó trong thời gian sớm nhất. Hiện nay, Facebook tỏ ra rất thiện chí và tích cực phối hợp với Cục ATTP.
Cũng có tình trạng các doanh nghiệp khi được mời lên Cục ATTP để làm việc, thì chối bỏ trách nhiệm, không nhận đã thực hiện quảng cáo vi phạm. Vấn đề này, Cục ATTP đã có biện pháp gì, thưa bà?
Quả thật, khi chúng tôi truy xuất thông tin, tìm ra doanh nghiệp có sản phẩm được quảng cáo đăng tải trên trang thương mại điện tử, một số doanh nghiệp đã từ chối và cho biết không thực hiện các phần quảng cáo và không phân phối sản phẩm cho các trang vi phạm đó.
Bà Trần Việt Nga thực hiện các hoạt động liên kết, đẩy mạnh truyền thông về ATTP.
|
Ngay lập tức, chúng tôi đăng tải công khai về các trang web, hình ảnh, tên, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm vi phạm. Đồng thời, thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng tôi gửi thông tin nhanh tới các cơ quan truyền thông đại chúng để công khai thông tin vi phạm mà các công ty không nhận.
Điều này sẽ gây ảnh hưởng tới doanh số, việc kinh doanh, buộc các công ty phải thay đổi, kiểm soát chặt chẽ hơn việc thực hiện quảng cáo và phân phối sản phẩm của mình, từ đó, hạn chế được vi phạm về quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng và các trang thương mại điện tử. Sau một thời gian thực hiện, tình trạng các công ty chối trách nhiệm tương đối giảm.
Xin bà cho biết, thời gian tới, Cục ATTP sẽ có những hoạt động gì để tiếp tục thắt chặt kiểm soát quảng cáo thực phẩm chức năng?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát có hiệu quả nêu trên, trao đổi thông tin với các cơ quan có trách nhiệm khác để phối hợp xử lý vi phạm, buộc các trang thương mại điện tử cam kết về trách nhiệm trong việc quảng cáo và phối hợp làm việc.
Đối với mạng xã hội Facebook, chúng tôi sẽ tích cực phối hợp làm việc, đồng thời, tổ chức tập huấn cho các Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm ở 63 tỉnh, thành phố để có cách truy xuất, tìm thông tin quảng cáo vi phạm.
Ngoài ra, Cục ATTP sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp tuyên truyền tới các đối tượng khác nhau để có thể hiểu rõ hơn.
Đối với người tiêu dùng, chúng tôi khuyến cáo mọi người nên rất thận trọng khi tiếp cận các quảng cáo về thực phẩm chức năng, đặc biệt là quảng cáo trên mạng xã hội.
Khi người tiêu dùng thấy quảng cáo có tác dụng như thuốc chữa bệnh thì đó chắc chắn là quảng cáo vi phạm, lừa đảo người tiêu dùng.
Các thông tin về quảng cáo, sản phẩm đã được Cục ATTP cấp giấy tiếp nhận hoặc công bố quảng cáo và các thông tin xử lý vi phạm đều được công bố trên trang web của Cục.
Người tiêu dùng quan tâm nên theo dõi chặt chẽ các thông tin này để có lựa chọn đúng đắn nhất. Nếu phát hiện vi phạm, người dân có thể cung cấp thông tin cho Cục thông qua số điện thoại đường dây nóng để chúng tôi xác minh, xử lý vi phạm trong thời gian sớm nhất.