|
Tân Tổng thống Hàn Quốc và phu nhân |
Yêu cầu lập tức chấm dứt THAAD
Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) dẫn các nguồn tin cho hay Đảng Dân chủ đồng hành Hàn Quốc – đảng cầm quyền sẽ tổ chức phiên điều trần về việc thúc đẩy dừng triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD), đồng thời yêu cầu đưa vấn đề triển khai THAAD ra xem xét tại Quốc hội, cho biết cần lập tức chấm dứt triển khai THAAD một cách phi pháp.
Theo tờ Kinh tế châu Á Hàn Quốc ngày 12/5, Ủy ban đặc biệt về THAAD của Đảng Dân chủ đồng hành cùng ngày cho biết “chính phủ mới đã thành lập, cơ quan hành chính mà đại diện là Bộ Quốc phòng cần lập tức chấm dứt triển khai THAAD một cách phi pháp”.
Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao - Thống nhất, Quốc hội Hàn Quốc cùng ngày cho biết, triển khai THAAD có ảnh hưởng to lớn đối với bảo đảm an ninh quốc gia, hơn nữa cũng sẽ phát sinh chi phí kinh tế khổng lồ, cần phải căn cứ vào quy định của Hiến pháp, trước hết phải được xem xét đồng ý ở Quốc hội.
Vị Chủ tịch này nói: “Khi tranh cử, Tổng thống Moon Jae-in đã vài lần cam kết muốn giao vấn đề triển khai THAAD cho Quốc hội biểu quyết. (Chúng tôi) sẽ thúc đẩy tổ chức phiên điều trần, tiến hành điều tra về tính hợp pháp của thủ tục triển khai THAAD, chi trả kinh phí THAAD phải chăng có thỏa thuận bí mật hay không”.
Trong cuộc họp báo cùng ngày, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết đang xem xét đến các cam kết về các vấn đề quốc phòng của ông Moon Jae-in khi tranh cử.
Người phát ngôn Moon Sang-gyun cho biết: “Tổng thống (Moon Jae-in) là Tổng tư lệnh quân đội, Bộ Quốc phòng sẽ lấy phương châm của Tổng tư lệnh làm nền tảng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia”.
Khi được hỏi về “phải chăng đã hoàn thành việc triển khai THAAD”, ông Moon Sang-gyun cho biết: “Đang trong quá trình triển khai”.
Được biết, Đảng Dân chủ đồng hành Hàn Quốc hiện có 120 trong tổng số 299 ghế ở Quốc hội Hàn Quốc. Trong khi đó, đảng đối lập chính là đảng Hàn Quốc Tự do cùng với đảng Công bằng đều ủng hộ mạnh mẽ việc triển khai THAAD, đang lần lượt nắm giữ 94 và 20 ghế ở Quốc hội. Do đó, chủ trương của đảng cầm quyền có được Quốc hội nhất trí hay không còn chưa rõ.
Với các cam kết của Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, thời gian tới, Hàn Quốc có khả năng sẽ thúc đẩy cải cách lớn về lực lượng vũ trang để đối phó có hiệu quả hơn với Triều Tiên. Ông Moon Jae-in ủng hộ tăng ngân sách quốc phòng lên mức tương đương 3% GDP.
Ông Moon Jae-in còn muốn cắt giảm quân số, từ 625.000 quân hiện nay xuống còn 500.000 quân vào năm 2020, nâng cấp hệ thống vũ khí, tăng mức huấn luyện, tăng lương cho binh sĩ, rút ngắn thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự từ 21 tháng xuống còn 18 tháng.
Tổn thất kinh tế vì trừng phạt
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu kinh tế hiện đại Hàn Quốc ngày 3/5, do triển khai THAAD, kinh tế Hàn Quốc năm 2017 sẽ bị tổn thất 8.500 tỷ Won, chiếm khoảng 0,5% GDP danh nghĩa.
Trong đó, ngành du lịch Hàn Quốc bị tác động mạnh nhất, hiện đã mất 7.100 tỷ Won, chiếm 81% tổng thiệt hại. Lĩnh vực xuất khẩu tổn thất 1.400 tỷ Won.
Theo cơ quan du lịch Hàn Quốc, do bị ảnh hưởng bởi việc triển khai THAAD, từ ngày 16/3 đến ngày 9/4, du khách Trung Quốc đến tham quan Hàn Quốc đã giảm 63,6% so với cùng kỳ (khoảng 330.000 người). Nếu vẫn duy trì như vậy thì dự kiến sẽ tổn thất 7.000 tỷ Won.
Ngành lưu thông Hàn Quốc bị tổn thất rõ rệt. Bởi vì, mức độ lệ thuộc của các cửa hàng miễn thuế Hàn Quốc vào du khách Trung Quốc rất cao. Theo thống kê, mức độ lệ thuộc vào tiêu thụ đối với Trung Quốc là 64%, mức độ lệ thuộc vào số lượng du khách mua sắm lên tới 78%.
Cùng với việc du khách đoàn Trung Quốc giảm, cảm giác khủng hoảng của các cửa hàng miễn thuế tại Hàn Quốc ngày càng tăng lên.
Quy mô tổn thất của Hàn Quốc trong lĩnh vực đầu tư nhỏ hơn so với du lịch và lưu thông, nhưng tốc độ suy giảm "thẳng đứng". Đặc biệt, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc đối với Hàn Quốc giảm 56,4% so với năm trước, chỉ bằng 1/12.
Theo quan chức Viện nghiên cứu kinh tế hiện đại Hàn Quốc: "Tổn thất kinh tế của Hàn Quốc đang ngày càng tăng lên. Hiện nay, cần xây dựng phương án hợp tác trung và dài hạn, xây dựng chiến lược vượt qua mâu thuẫn hai nước, chứ không phải là tiến hành đối đầu về tình cảm".
Điều đáng chú ý là, các doanh nghiệp Hàn Quốc muốn tích cực tham gia các dự án trung và dài hạn của chiến lược "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc, tích cực tận dụng quan hệ hợp tác kinh tế như Hiệp định thương mại tự do (FTA) của ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.