Theo "Niên giám thống kê Trung Quốc 2021" do Cục Thống kê Quốc gia nước này vừa công bố, tỷ lệ sinh năm 2020 ở Trung Quốc là 8,52‰ (phần nghìn), lần đầu tiên giảm xuống dưới 10 phần ngàn (10‰, tức 1%) và tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên cũng chỉ đạt 1,45‰, mức thấp nhất trong 43 năm qua.
Lần đầu tiên tỷ lệ sinh giảm xuống dưới 1%, tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên đạt mức thấp nhất trong 43 năm
Năm 2020, tỷ lệ sinh của Trung Quốc là 8,52 ‰, lần đầu tiên giảm xuống dưới 10‰ và tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trong cùng thời kỳ chỉ đạt 1,45 ‰, thấp kỷ lục kể từ năm 1978. Năm 2020, cả nước này có 12 triệu ca sinh, giảm 18% so với năm 2019.
Sự sụt giảm dân số đã được dự đoán từ lâu. Dữ liệu từ cuộc điều tra dân số quốc gia lần thứ 7 cho thấy trong mười năm qua, Trung Quốc đã tăng 72,06 triệu người, tăng 5,38%; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 0,53%, thấp hơn 0,04 điểm phần trăm so với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của 0,57% từ năm 2000 đến năm 2010.
Điều tra dân số 10 năm một lần của Trung Quốc cho thấy mức sinh tiếp tục giảm, trong khi dân số tiếp tục già đi nhanh chóng. |
Nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh liên tục giảm là vấn đề mà không chỉ người dân mà quan chức nước này quan tâm. Một số chuyên gia cho rằng mức độ sẵn sàng có con giảm là hiện tượng xảy ra ở một giai đoạn phát triển nhất định của xã hội, và nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với vấn đề này. Bên cạnh đó, giá nhà đất cao hơn và chi phí sinh đẻ, nuôi dạy con cái và giáo dục đắt đỏ đều là những yếu tố ảnh hưởng đến mức độ sẵn sàng sinh con của người trẻ.
Sau nhiều thập kỷ giáo dục kế hoạch hóa gia đình, quan niệm về mức sinh của giới trẻ đã thay đổi và quan niệm sinh ít con đã ăn sâu vào lòng người dân. Hiện nay, một số người thuộc thế hệ những năm 80 và 90 không muốn sinh quá nhiều, làm giảm chất lượng cuộc sống và giáo dục cho con cái họ. Nếu không có nền tảng tài chính tốt, họ không muốn sinh quá nhiều con.
Đồng thời, số lượng các cuộc hôn nhân giảm cũng khiến tỷ lệ sinh giảm. Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho thấy trong quý 3 năm nay, nước này có tổng cộng 5,886 triệu cặp đăng ký kết hôn. Con số này thấp hơn 0,1% so với cùng kỳ năm 2020 và 17,5% so với cùng kỳ năm 2019, giảm 1,245 triệu đôi.
Giáo sư Đồng Ngọc Chỉnh, một chuyên gia dân số và là trưởng khoa của Viện Phát triển Dân số tỉnh Quảng Đông, phân tích rằng dịch bệnh đã ảnh hưởng đến kế hoạch sinh đẻ của người dân, những người trẻ tuổi đang phải đối mặt với áp lực kinh tế ngày càng lớn, những lo lắng về tương lai cũng tác động đến tâm lý và hành vi sinh đẻ của con người.
Tuy nhiên, giáo sư Đồng cũng chỉ ra rằng mặc dù các yếu tố dịch bệnh có thể làm giảm đáng kể các ca sinh trong thời gian ngắn, nhưng các yếu tố dài hạn như giảm phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và chi phí kết hôn và sinh con tăng dẫn đến một tỷ lệ sẵn sàng sinh giảm vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến giảm dân số sinh.
Để đối phó với các vấn đề dân số như mức sinh thấp và già hóa, Trung Quốc đã quyết định thực hiện "chính sách ba con", và một cặp vợ chồng sẽ có thể sinh ba con.
Hiện tại, một số khu vực đã liên tiếp đưa ra các biện pháp trợ giúp các gia đình sinh 3 con. Ví dụ: Bắc Kinh thưởng cho các nhân viên nữ có ba con thêm 30 ngày nghỉ thai sản và 15 ngày nghỉ sinh cho vợ/chồng của họ; Tứ Xuyên cung cấp khoản trợ cấp chăm sóc trẻ 500 NDT (khoảng 80 USD) / mỗi tháng/trẻ em cho những gia đình có hai và ba con cho đến khi đứa trẻ 3 tuổi, trở thành thành phố đầu tiên của Trung Quốc phát hành trợ cấp chăm sóc trẻ em.
Tuy nhiên, chính sách ba con bắt đầu từ cuối tháng 5 năm nay khó có thể giúp tăng đáng kể số liệu mức sinh năm 2021. Tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên (mức chênh lệch giữa số sinh và số chết so với dân số trung bình trong kỳ nghiên cứu) trước mắt là 1,45 ‰ đã khiến nhiều người lo lắng: Liệu tình trạng gia tăng dân số âm có đến sớm?
Theo bà Dương Cúc Hoa, Giáo sư Đại học Nhân Dân Trung Quốc, "Tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên vào năm 2020 là 1,45 ‰, mức thấp kỷ lục. Rất khó để đánh giá liệu số liệu này có âm vào năm 2021 hay không, nhưng xu hướng này khá là cao trong tương lai."
Theo phân tích của bà, từ năm 2016 đến 2019, số lượng tử mỗi năm ở Trung Quốc cơ bản ổn định ở mức 9,8 triệu đến 9,9 triệu người, tăng dần qua từng năm. Khi quá trình già hóa diễn ra ngày càng nhanh, số lượng ca tử sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai. Đồng thời, số lượng ca sinh tiếp tục giảm, chỉ đạt 12 triệu người vào năm 2020, thấp hơn 2,65 triệu so với 14,65 triệu vào năm 2019. Khi mức sinh giảm, mức chênh lệch giữa số lượng sinh và số lượng tử sẽ rất gần, thậm chí âm.
Theo ông Lục Kiệt Hoa, phó chủ tịch Hiệp hội Nhân khẩu học Trung Quốc và là giáo sư Khoa Xã hội học tại Đại học Bắc Kinh, tốc độ tăng trưởng dân số âm của Trung Quốc có thể đến sớm. "Trước đây, người ta ước tính rằng dân số Trung Quốc sẽ bước vào mức tăng trưởng âm từ năm 2027 đến năm 2030. Bây giờ nếu tỷ lệ sinh không phục hồi trong năm tới thì mức tăng trưởng âm có thể đến sớm trong hai năm nữa."
Theo ông Lục, tăng trưởng dân số âm sẽ làm xói mòn ưu thế nhân khẩu học, gây sức ép lên lương hưu và nguồn lực chăm sóc người già.
5 người trẻ cần nuôi 1 người già và tỷ lệ phụ thuộc vào người già ở 14 tỉnh thành Trung Quốc vượt quá 20%
5 người trẻ chăm sóc 1 người già, và 300 triệu người già ở Trung Quốc sẽ xuất hiện trong thời kỳ 2021 đến năm 2025. |
Số liệu niên giám thống kê cho thấy đến cuối năm 2020, tổng tỷ lệ phụ thuộc (dependency ratio) của dân số Trung Quốc là 45,9%, tăng trong ba năm liên tiếp. Tỷ lệ phụ thuộc là thước đo tỷ lệ tổng số dân có độ tuổi phụ thuộc từ 0 đến 14 tuổi và trên 65 tuổi, so với tổng số dân có độ tuổi từ 15 đến 64. Trong đó, tỷ số phụ thuộc của nhóm dân số cao tuổi là 19,7%, đang có xu hướng tăng liên tục.
Nói cách khác, hiện nay cứ 100 người trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc thì cần phụng dưỡng gần 20 người già, tức là 5 người trẻ cần phải phụng dưỡng 1 người già.
"Tỷ lệ này không phải là cao nhất. Nhật Bản và châu Âu có tỷ lệ phụ thuộc của người già cao hơn chúng ta, nhưng có thể nói rằng chúng ta đã vào thứ hạng tương đối cao và sẽ tăng trong thời kỳ Kế hoạch 5 năm lần thứ 14."
Theo bà Dương Cúc Hoa, năm 1963 là thời kỳ có tỷ lệ sinh cao nhất kể từ khi thành lập Trung Quốc Mới (1/10/1949), đến năm 2023, những người sinh ra trong thời gian này sẽ 60 tuổi và chính thức bước vào giai đoạn dân số già. Do đó, thời kỳ "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14" sẽ là quá trình già hóa mạnh nhất ở Trung Quốc. Vào cuối thời kỳ "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14", ước tính sẽ có 300 triệu người cao tuổi ở Trung Quốc.
Xét theo khu vực, Trùng Khánh và Tứ Xuyên có tỷ lệ phụ thuộc của người cao tuổi cao nhất, lần lượt là 25,48% và 25,28%, và Liêu Ninh là 24,37%, đứng thứ ba. Có 14 tỉnh có tỷ lệ phụ thuộc dân số già hơn 20%, tăng 7 tỉnh so với năm 2019 bao gồm những tỉnh như Thượng Hải, Thiên Tân, Hà Bắc, Giang Tô, Sơn Đông, Hà Nam.
Bên cạnh những ý kiến lo ngại về gánh nặng già hoá, cũng có những ý kiến phản ánh góc nhìn khác về vấn đề tỷ lệ phụ thuộc gia tăng. Giáo sư Dương Cúc Hoa nhận định: "Tỷ lệ phụ thuộc là một chỉ số nhân khẩu học quan trọng, nhưng không nên nhìn con số này một cách phiến diện. Liệu những người 60 tuổi có thực sự cần sự hỗ trợ của người khác?"
Bà Dương cho rằng hầu hết những người 60 tuổi đều có sức khỏe tốt và vẫn có thể đóng góp cho xã hội, thêm rằng phải nhìn nhận đúng giá trị của người cao tuổi, bao gồm cả giá trị sản xuất xã hội và đóng góp của họ cho gia đình.
Thanh Hà (Tổng hợp từ QQ)