|
Một cửa hiệu bán thuốc lá ở Bắc Kinh, Trung Quốc. 50% đàn ông Trung Quốc hút thuốc trong khi tỷ lệ ở phụ nữ chỉ là 2% (Ảnh: AP) |
Giới chuyên gia y tế đã từng nhiều lần loan báo thông tin rằng virus corona chủng mới gây ảnh hưởng rất khác nhau tới từng nhóm người, xét theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe của họ.
Tuy nhiên, có một thực tế ngày càng trở nên rõ ràng là COVID-19 cũng gây ảnh hưởng khác biệt tùy theo giới tính, trong đó đàn ông nhiễm virus corona chủng mới có tỷ lệ tử vong cao hơn so với phụ nữ.
Xu hướng này lần đầu tiên được công bố ở Trung Quốc, sau khi một phân tích chỉ ra rằng tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở đàn ông là 2,8%, trong khi ở phụ nữ chỉ là 1,7%. Những phân tích về thực trạng trên sau đó cũng xuất hiện ở Pháp, Đức, Iran, Italy, Hàn Quốc và Tây Ban Nha.
Ở Italy, đàn ông chiếm tới 71% tổng số ca tử vong do COVID-19, trong khi dữ liệu mới mà chính phủ Tây Ban Nha công bố trong hôm 26/3 cũng cho thấy số ca tử vong ở đàn ông cao gấp 2 lần so với phụ nữ.
Vậy tại sao đàn ông dễ chịu ảnh hưởng hơn bởi virus corona chủng mới?
“Câu trả lời trung thực là không ai trong số chung ta hiểu về nguyên nhân tạo ra sự khác biệt đó” – Giáo sư Sarah Hawkes, Giám đốc Trung tâm giới tính và Sức khỏe toàn cầu UCL, nói.
Trước đây, nhiều người tin rằng nguyên nhân là do hút thuốc lá. Ở Trung Quốc, gần 50% đàn ông hút thuốc, trong khi tỷ lệ hút thuốc ở phụ nữ chỉ là 2%. Từ thực tế này, nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng sự khác biệt về sức khỏe của lá phổi khiến cho đàn ông hứng chịu những triệu chứng nặng hơn của bệnh COVID-19, bởi vậy cũng dễ tử vong hơn.
Giả thuyết này cũng được ủng hộ bởi một nghiên cứu được công bố hồi tháng trước, trong đó chỉ ra rằng những người hút thuốc chỉ chiếm 12% tổng số ca mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ, trong khi 26% trong số những người đó cuối cùng phải được chăm sóc tích cực tại bệnh viện hoặc tử vong.
Ngoài ra, thói quen hút thuốc cũng khiến người ta dễ bị mắc COVID-19 hơn: Người hút thuốc hay chạm tay vào môi họ và có thể cùng chia sẻ điếu thuốc lá bị nhiễm virus corona với những người khác.
Những nhân tố về hành vi tạo nên sự khác biệt giữa nam và nữ có thể cũng là một nguyên nhân. Một số nghiên cứu cho thấy đàn ông ít rửa tay hơn, ít sử dụng xà phòng hơn, ít tìm tới trung tâm y tế hơn và thường có xu hướng phớt lờ những khuyến cáo về sức khỏe hơn so với phụ nữ.
Tuy nhiên, hiện nay, ngày càng có nhiều chuyên gia y tế tin rằng những yếu tố về sinh học mới là nguyên nhân khiến đàn ông tử vong vì COVID-19 nhiều hơn so với phụ nữ. Mặc dù tỷ lệ đàn ông hút thuốc cao hơn phụ nữ là điều thường thấy ở nhiều quốc gia trên thế giới – kể cả Italy, nơi có khoảng 28% đàn ông và 19% phụ nữ hút thuốc – nhưng không ở nơi đâu lại có sự khác biệt về tỷ lệ tử vong giữa hai giới lớn như ở Trung Quốc. Hầu hết những ca tử vong do COVID-19 ở Trung Quốc là đàn ông.
“Tỷ lệ đàn ông tử vong do COVID-19 tăng dần được ghi nhận ở cả Trung Quốc, Italy và Tây Ban Nha. Chúng tôi phát hiện ra rằng sự khác biệt này còn tùy thuộc vào từng quốc gia và nền văn hóa của họ” – Sabra Klein, Giáo sư thuộc Trường Y tế công John Hopkins Bloomberg, nói - “Khi tôi chứng kiến điều này, nó làm tôi nghĩ rằng chắc hẳn phải có một nguyên nhân chung nào đó. Tôi không nghĩ hút thuốc là nhân tố hàng đầu”.
Các cuộc nghiên cứu trước đây – trong đó có cả cuộc nghiên cứu do bà Klein thực hiện – cho thấy rằng đàn ông xuất hiện ít hơn những phản ứng miễn dịch bẩm sinh kháng virus khi phải chống chọi với nhiều loại virus khác nhau, trong đó có cả HIV và và Hepatitis C (Viêm gan siêu vi C).
“Hệ miễn dịch của họ (đàn ông) có thể không đưa ra phản ứng miễn dịch phù hợp khi lần đầu phải đối phó với virus” – Klein nói.
Hormone cũng có thể đóng vai trò – ví dụ như oestrogen từng được chứng minh là làm tăng phản ứng kháng virus của tế bào miễn dịch. Và có rất nhiều loại gien giúp vận hành hệ miễn dịch được gắn trong nhiễm sắc thể X (mà đàn ông có 1 trong khi phụ nữ có tới 2), và có khả năng là một số gien liên quan tới phản ứng miễn dịch hoạt động mạnh hơn ở phụ nữ, so với đàn ông.
Sự khác biệt về giới tính trong phản ứng miễn dịch chống COVID-19 là một đề tài mà nhiều chuyên gia trên thế giới đang nghiên cứu và có thể sớm công bố các tác phẩm nghiên cứu của họ. Bà Klein cho hay bà đã được xem một số báo cáo về vấn đề này của các đội chuyên gia Trung Quốc.
Cuối cùng, theo ông Hawkes, các yếu tố sinh học, lối sống và hành vinh đều có thể là nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong ở đàn ông mắc COVID-19 cao hơn so với nữ bệnh nhân. Tuy nhiên, muốn làm rõ điều này thì cần thêm những nghiên cứu chuyên sâu của giới khoa học trên toàn cầu.