Dân đứng đợi cả tiếng dưới nắng, vào đến nơi quầy không còn gì để mua

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – TP.HCM ngày thứ 7 cách ly xã hội toàn thành phố, nhiều siêu thị “cháy hàng”, dân đứng đợi cả tiếng dưới nắng, vào đến nơi quầy không còn gì để mua.
Cung không đủ cầu thực phẩm cho người dân TP.HCM đang thiếu trầm trọng - Ảnh: HB
Cung không đủ cầu thực phẩm cho người dân TP.HCM đang thiếu trầm trọng - Ảnh: HB

Phát khóc vì không mua nổi đồ ăn cho gia đình

TP.HCM trải qua ngày thứ 6 giãn cách xã hội toàn thành phố với số bệnh nhân tiếp tục đạt kỷ lục mới, 2.229 bệnh nhân được phát hiện chỉ trong 24 giờ, bao gồm 1.891 trường hợp là các tiếp xúc được truy vết, đã cách ly hoặc trong khu vực phong tỏa và 338 trường hợp đang điều tra dịch tễ.

Lần đầu tiên Việt Nam có ngày ghi nhận xấp xỉ 3.000 bệnh nhân. Tổng số ca bệnh ghi nhận trên địa bàn TP.HCM được Bộ Y tế công bố đã lên tới 18.802 trường hợp nhiễm COVID-19.

Dân than thở vật vã vì thiếu thực phẩm, đặc biệt là rau xanh. Tình trạng phổ biến là hàng hoá tại các siêu thị đều được bổ sung đầu ngày, chất đầy các quầy, kệ nhưng nhanh chóng “như muối bỏ bể”, biến mất chỉ sau ít giờ.

Thực hiện giãn cách, toàn bộ người dân đến các siêu thị lớn nhỏ trên toàn thành phố đều phải xếp hàng đợi. Bên trong vì là môi trường máy lạnh nên buộc phải giới hạn số lượng người mua. Dân đứng đợi dưới nắng cả tiếng đồng hồ mới vào được bên trong siêu thị nhưng vào tới nơi nhiều người phát khóc khi quầy kệ trống hoác, chẳng còn gì để mua. Đặc biệt nếu đi siêu thị vào buổi chiều, rất khó có thể hy vọng mua được đủ đồ ăn cho gia đình. Những món hết đầu tiên là thịt, cá, rau xanh.

Người dân xếp hàng trung bình mất 1 giờ đồng hồ dưới nắng

Người dân xếp hàng trung bình mất 1 giờ đồng hồ dưới nắng

Nhưng khi vào đến nơi, nhiều quầy không còn gì

Nhưng khi vào đến nơi, nhiều quầy không còn gì

Một bó hành lá có giá 50.000 đồng được mua nguồn từ bên ngoài , tuyệt nhiên không có trong siêu thị (Ảnh: Hoà Bình)

Một bó hành lá có giá 50.000 đồng được mua nguồn từ bên ngoài , tuyệt nhiên không có trong siêu thị (Ảnh: Hoà Bình)

Mức độ khan hiếm thực phẩm tươi sống và rau xanh đang đẩy lên đến đỉnh điểm. Nhiều người sẵn sàng trả những cái giá “cắt cổ” để mua được đủ rau xanh cho gia đình. Chị Vũ Thị Thu Hiền, một cư dân quận Bình Thạnh cho hay, đã mua rau ngoài “chợ đen” với cái giá 500.000 đồng/ một lần đi chợ. Còn chị Nguyễn Thị Huyền, cư dân TP Thủ Đức cho biết chiều 14/7 chị đã đi mua rau hết gần 1 triệu đồng.

Nguyên nhân khan hiếm thực phẩm trầm trọng

Lãnh đạo thành phố đã ra sức kêu gọi bà con không tích trữ. Nhưng sự thực là rất khó có cơ sở để khẳng định về tình trạng gom hàng tích trữ. Hầu hết các cá nhân hoặc tổ chức mua nhiều thực phẩm đều là những nhóm thiện nguyện, nấu cơm mang đi phát miễn phí, tặng cho người trong khu cách ly, người nghèo, người vô gia cư.

Trước đây để thoả mãn nhu cầu ăn uống của hơn 10 triệu dân, thành phố có tới hàng ngàn chợ truyền thống, chợ cóc, chợ tự phát, siêu thị cực lớn, siêu thị mini… hiện diện tại từng phường, ngõ phố, khu dân cư, khu chung cư. Hàng triệu hộ cá thể bày hàng bán tại nhà, nên người dân có nhu cầu mua những thứ thiết yếu hoàn toàn có thể bước ra cửa là mua được hàng. Ngoài ra, phần lớn người dân có nhu cầu ghé tới hàng ngàn nhà hàng lớn nhỏ, quán xá vỉa hè để ăn uống.

Co.opmart Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận thường xuyên hết hàng buổi chiều

Co.opmart Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận thường xuyên hết hàng buổi chiều

Quầy rau xanh không còn lại bất cứ rau gì

Quầy rau xanh không còn lại bất cứ rau gì

Mua bán giãn cách nhưng vào đến nơi quầy hàng sạch bách

Mua bán giãn cách nhưng vào đến nơi quầy hàng sạch bách

Vì tình hình dịch bệnh quá căng thẳng, số ca lây nhiễm quá lớn, TP.HCM buộc phải đóng cửa toàn bộ chợ truyền thống, chợ đầu mối cung cấp nguồn thực phẩm chính “nuôi” dân thành phố như chợ đầu mối Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn… 100% nhà hàng, các khu vực, địa điểm bán đồ ăn nhỏ, chợ cóc, cá nhân bán thực phẩm tại cửa hàng nhỏ… đều không được hoạt động. Toàn thành phố chỉ còn lại khoảng hơn 100 siêu thị chưa phát hiện F0, đủ tiêu chuẩn phục vụ cộng đồng.

Hơn 100 siêu thị tỏ ra quá ít ỏi để phục vụ nhu cầu bữa ăn của 10 triệu người dân. Cho nên mặc dù Sở Công thương và các lực lượng, cơ quan chức năng ra sức phân bua là đã bổ sung điều chỉnh lượng hàng, nhưng cầu vẫn vượt xa cung.

Giải pháp nào phù hợp?

Bưu điện Việt Nam mới đây vừa đưa ra giải pháp tổ chức các xe bán hàng lưu động tại các Bưu điện tại hơn 200 bưu cục để cung cấp hàng thiết yếu, thực phẩm và rau xanh cho người dân TP.HCM. Tuy nhiên, việc người dân có được phép di chuyển tới bưu cục hay không thì lại là câu chuyện khác. Chỉ thị 16 yêu cầu người dân chỉ được đến những điểm bán thực phẩm ở rất gần nơi cư trú.

Hàng trăm người dân xếp hàng cả tiếng trước cửa một siêu thị tại quận 4. Siêu thị này cung cấp thực phẩm cho khoảng 2.000 căn hộ - Ảnh: Hoà Bình

Hàng trăm người dân xếp hàng cả tiếng trước cửa một siêu thị tại quận 4. Siêu thị này cung cấp thực phẩm cho khoảng 2.000 căn hộ - Ảnh: Hoà Bình

Vào đến nơi, có mua được hàng hay không còn chưa biết

Vào đến nơi, có mua được hàng hay không còn chưa biết

Quầy thực phẩm lúc khoảng 16 giờ chiều tại siêu thị Lotte (quận 7)

Quầy thực phẩm lúc khoảng 16 giờ chiều tại siêu thị Lotte (quận 7)

Người dân bày tỏ ý kiến, nếu như các xe bán hàng lưu động của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có thể đến tận từng khu dân cư, khu chung cư, từng khu phố thì sẽ tốt hơn, giúp giãn cách mật độ người mua hàng, không phải xếp hàng quá lâu khiến gia tăng khả năng lây nhiễm dịch bệnh.

Một số chuyên gia cũng đưa ý kiến góp ý, nếu như các tổ Covid cộng đồng đang hoạt động rất tốt ở từng phường có thể đảm trách việc đi chợ hộ các gia đình thì hoàn toàn có thể đảm bảo tuân thủ Chỉ thị 16, nhà ai nấy ở, không cần phải ra đến chợ, siêu thị để mua hàng.

Trước thực trạng thiếu thực phẩm đang quá “nóng”, tại cuộc họp chiều 14/7, lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết sẽ cân nhắc giải pháp để giảm tải nhu cầu hàng hóa tại các siêu thị. Có thể cho phép các địa phương tận dụng cơ sở vật chất tại các chợ truyền thống đang ngừng hoạt động để bố trí một số ít các tiểu thương có kinh nghiệm, có năng lực kinh doanh thực phẩm tươi sống và có xét nghiệm âm tính COVID-19 được thực hiện buôn bán giãn cách. Người dân sẽ được phát phiếu mua hàng theo giờ, không tiếp xúc trực tiếp với tiểu thương để đảm bảo phòng, chống dịch.

Việc áp dụng Chỉ thị 16 là điều kiện cần để tạo môi trường thuận lợi nhằm tăng cường và siết chặt các giải pháp khác, nhất là việc truy vết và tìm ra các F0 tiềm ẩn trong cộng đồng. TP.HCM tiếp tục kêu gọi người dân bình tĩnh, đồng lòng chống dịch.