|
Cuộc đàm phán cấp cao lần này có thể sẽ quyết định việc liệu hai nước Mỹ - Trung có đạt được một hiệp nghị về mậu dịch trước ngày 1.3.2019 hay không? |
Cùng ngày 28.1, Nhà Trắng ra tuyên bố, cuộc đàm phán sẽ diễn ra tại Phòng Dwight Eisenhower trong Nhà Trắng, đoàn Mỹ gồm 5 người, do Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer dẫn đầu, các thành viên khác bao gồm: Cố vấn mậu dịch Nhà Trắng Peter Navarro, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbus Ross và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Larry Kudlow. Cố vấn Nhà Trắng Sarah Sanders hôm 29 cho biết, ông Donald Trump sẽ gặp ông Lưu Hạc vào ngày 31.1 để “tìm cơ hội đầu tư lớn hơn vào Trung Quốc, đồng thời giành lấy những đãi ngộ tốt hơn cho các nông dân, công nhân trang trại và các công ty cùng một nền mậu dịch công bằng, cùng có lợi với Trung Quốc”.
Tại cuộc gặp gỡ ở Buenos Aires, hai nhà lãnh đạo cao nhất của Trung - Mỹ đã đạt được thỏa thuận “ngừng bắn” 90 ngày và lập tức triển khai đàm phán. Từ ngày 7 đến 9.1.2019, hai bên đã tiến hành vòng đàm phán thứ 5 cấp thứ trưởng tại Bắc Kinh, nhưng trong các thông báo riêng biệt đưa ra sau đó cho thấy hai bên vẫn tồn tại bất đồng.
|
Ông Lưu Hạc (phải) sẽ phải đương đầu với ông Robert Lighthizer (trái) và 4 quan chức cao cấp khác của Nhà Trắng tại bàn đàm phán lần này.
|
Theo thỏa thuận chung giữa hai nhà lãnh đạo, nếu đàm phán giữa hai bên không đạt được hiệp nghị trước ngày 1.3, Mỹ sẽ áp đặt mức thuế trừng phạt đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ, tăng từ 10% lên 25%. Hiện nay chỉ còn cách thời hạn 1.3 chưa đầy 5 tuần, Bộ trưởng thương mại Mỹ Wilbur Ross hôm 24.1 khi trả lời phỏng vấn đài CNBC đã thừa nhận hai bên còn cách một hiệp nghị “xa hàng dặm”.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow thì cuộc đàm phán Robert Lighthizer - Lưu Hạc “vô cùng quan trọng” có liên quan đến việc có đạt được thỏa thuận trước kỳ hạn ngày 1.3 hay không.
Trừng phạt thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc
Cho đến nay, Mỹ đã đánh thuế có tính trừng phạt đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ; trong đó 50 tỷ là sản phẩm cơ khí, bán dẫn và các sản phẩm công nghệ bị tăng thêm 25%; ngoài ra 200 tỷ USD sản phẩm gồm hóa chất, vật liệu xây dựng, đồ gia dụng, điện tử tiêu dùng...bị tăng thuế mức 10%.
Ông Donald Trump từng tuyên bố, nếu Trung Quốc không chịu tiến hành cải cách kết cấu theo yêu cầu của Mỹ, ông sẽ tăng thuế đối với 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nữa. Khi đó các mặt hàng tiêu dùng bao gồm smartphone, máy tính, quần áo và giày dép...sẽ bị ảnh hưởng.
Để tránh cuộc chiến mậu dịch Mỹ - Trung, nhiều công ty nước ngoài ở Trung Quốc đã chuyển nhà máy sang các nước khác. Ví dụ, Foxcon, nhà máy lắp ráp Iphone lớn nhất hiện đang tích cực xem xét di dời sang Ấn Độ.
Thuế quan trả đũa của Trung Quốc
Ứng phó với việc Mỹ tăng thuế, Trung Quốc đã tăng thêm mức thuế 25% đối với 50 tỷ USD hàng hóa Mỹ xuất sang Trung Quốc; bao gồm đậu hạt, thịt bò, thịt lợn, hải sản, rượu whiskey, rượu cồn, xe hơi...Ngoài ra, tăng thuế mức từ 5% đến 10% đối với 60 tỷ USD sản phẩm Mỹ, bao gồm khí hóa lỏng, sản phẩm hóa chất, rau đông lạnh và phối liệu thực phẩm...
|
Trung Quốc đã nhượng bộ khi hứa hẹn mua 1000 tỷ USD hàng hóa của Mỹ, trong đó đã khôi phục việc nhập đậu tương.
|
Nhượng bộ của Trung Quốc
Sau cuộc gặp gỡ Donald Trump - Tập Cận Bình, Trung Quốc phát đi một loạt thông tin, bao gồm trở lại mua đậu hạt, ngô và khí hóa lỏng của Mỹ, mở cửa nhập khẩu gạo Mỹ, đình chỉ thu thuế xe hơi Mỹ 3 tháng, cắt giảm mức thuế đối với 700 mặt hàng Mỹ, nới lỏng hạn chế về quyền sở hữu của doanh nhân nước ngoài, bắt tay sửa đổi “Luật đầu tư của người nước ngoài”, đưa vào quy định “không được cưỡng bức chuyển nhượng công nghệ” và tuyên bố ủng hộ nguyên tắc “cạnh tranh trung lập”, đối xử bình đẳng giữa các công ty quốc doanh, công ty loại khác của Trung Quốc và công ty nước ngoài.
Vấn đề cốt lõi trong đàm phán vòng 6: Trung Quốc cải cách kết cấu và thực hiện cam kết
Ông Larry Kudlow tuần trước cho rằng, lập trường của ông Donald Trump “tương đối cứng rắn”, yêu cầu cuộc đàm phán mậu dịch này “cần phải phù hợp với lợi ích của Mỹ”. Để đạt được mục tiêu này, đội ngũ đàm phán của Mỹ sẽ đặt tất cả các vấn đề lên bàn đàm phán và kết quả cuối cùng sẽ do ông Donald Trump quyết định.
Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) sau vòng đàm phán thứ 5 đã ra tuyên bố nhấn mạnh, mục đích đàm phán mậu dịch là “thực hiện Trung Quốc cải cách kết cấu các lĩnh vực liên quan, bao gồm cưỡng chế chuyển nhượng công nghệ, bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ, rào cản phi thuế quan, xâm nhập mạng và đánh cắp bí mật thương mại qua mạng, dịch vụ và nông nghiệp”.
USTR cho rằng, bất cứ hiệp nghị nào đạt được “cũng cần đưa vào cơ chế giám sát” để tiến hành giám sát liên tục và đảm bảo phía Trung Quốc thực hiện những điều cam kết. Từ tuyên bố của USTR có thể thấy Mỹ rất coi trọng hai vấn đề đến nay hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận là cải cách kết cấu của Trung Quốc và việc họ thực hiện những cam kết.
Một quan chức Mỹ tham gia đàm phán nói với The New York Times: đoàn Mỹ cho rằng, phía Bắc Kinh có thể không đồng ý tiến hành cải cách kinh tế ở những vấn đề có tính kết cấu ở tầng sâu và đưa vào một hiệp nghị toàn diện mà Mỹ muốn có.
Đối với vấn đề Trung Quốc thực hiện cam kết, ông Larry Kudlow nói, một trong những vấn đề then chốt nhất khi đàm phán với Bắc Kinh là “thực thi”. Trung Quốc cam kết nhượng bộ là điều tốt, nhưng “điều chúng tôi cần nhất là thực thi”. Một nguồn đáng tin cậy cho Reuters biết, chính phủ Donald Trump dự định đề xuất cơ chế định kỳ kiểm tra giám sát việc Trung Quốc thực hiện cam kết cải cách kết cấu và đưa vào như là một phần của hiệp nghị. Theo cơ chế này, nếu Bắc Kinh vi phạm hiệp nghị, Mỹ có thể tái thực thi biện pháp thuế quan trừng phạt. Điều này có nghĩa là cho dù cuộc đàm phán có đạt được một hiệp nghị thì sức ép của việc Trung Quốc đối mặt với việc Mỹ tăng thuế vẫn không mất đi.
|
Kế hoạch “Made in China 2025” của Trung Quốc vẫn là một trọng tâm trong cuộc đàm phán lần này
|
Trọng tâm của trọng tâm: kế hoạch “Made in China 2025” và công ty quốc doanh
Bộ trưởng thương mại Wilbur Ross cho rằng, một trong những vấn đề then chốt hai bên đang phải giải quyết trong đàm phán là việc Bắc Kinh âm mưu thông qua kế hoạch “Made in China 2025” để chủ đạo công nghệ cao toàn cầu. “Chúng ta phải tránh để điều này xảy ra” – ông nhấn mạnh. Cùng với việc tiếp tục đàm phán, kế hoạch “Made in China 2025” và tác dụng của các công ty quốc doanh Trung Quốc trong kế hoạch này sẽ là một trong số các tiêu điểm đàm phán lần này.
Một quan chức Mỹ cho The Wall Strett Journal biết, trong cuộc đàm phán vòng 5 cũng đã đề cập đến vấn đề công ty quốc doanh Trung Quốc, phía Mỹ kiên trì yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ các biện pháp giám quản có lợi cho công ty quốc doanh, gây cản trở cạnh tranh công bằng và giảm thiểu việc trợ cấp và chính sách cho vay ưu đãi đối với các công ty quốc doanh.
Gần đây Trung Quốc có xu hướng ít đề cập đến “Made in China 2025”, nhưng theo báo cáo “Kiến nghị những việc ưu tiên trong đàm phán mậu dịch Mỹ - Trung” (Priority Recommendations for U.S.-China Trade Negotiations) do Hội kinh doanh Mỹ (USCC) và Hội kinh doanh Mỹ ở Trung Quốc (Amcham China) gửi lên USTR thì hiện Trung Quốc vẫn thực thi kế hoạch này với quy mô lớn với dã tâm muốn trở thành người chủ đạo công nghệ toàn cầu. Báo cáo cũng chỉ rõ các hành vi của Trung Quốc xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ, cưỡng chế chuyển nhượng công nghệ và can thiệp kinh tế, đe dọa sự vận hành của các công ty Mỹ ở Trung Quốc.
Chuyên gia nghiên cứu vấn đề Trung Quốc Nick Lardy của Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson (Peterson Institute for International Economics) nói, từ 2014 đến nay, số tiền vốn mà các công ty quốc doanh Trung Quốc được các ngân hàng cho vay vượt xa các công ty tư nhân; theo tính toán, năm 2016 có tới 80% số tiền các ngân hàng cho vay chảy vào các công ty quốc doanh. Ông tính toán, hiện nay Trung Quốc có hơn 100 ngàn công ty quốc doanh với 46 triệu nhân viên, chiếm khoảng 11% tổng số lao động thành phố.
|
Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Donald Trump và Phó Thủ tướng Lưu Hạc có thể sẽ ảnh hưởng tới kết quả đàm phán
|
Dự báo kết quả đàm phán
Để làm dịu cuộc chiến mậu dịch, Trung Quốc đã đưa ra cam kết sẽ mua số hàng hóa Mỹ trị giá trên 1000 tỷ USD, thế nhưng đề xuất này không được phái đoàn đàm phán Mỹ lưu tâm lắm. Nếu lần này ông Lưu Hạc không thỏa mãn được những yêu cầu của Mỹ về cải cách kết cấu và những cam kết thực hiện, e rằng sẽ phải ra về tay không.
Vào tuần trước, ông Donald Trump khi nói với các phóng viên đã đề cập, nếu hai bên không đạt được hiệp nghị, Mỹ sẽ gia tăng thuế quan có tính trừng phạt, cho thấy áp lực thuế quan của Mỹ với Trung Quốc vẫn tồn tại.
Theo suy đoán của một số nhà quan sát Mỹ thì, thành quả tốt nhất của cuộc đàm phán lần này là: theo yêu cầu của Mỹ, Trung Quốc ngoài việc mua 1000 tỷ USD hàng hóa Mỹ, sẽ đồng ý tiến hành cải cách mang tính kết cấu; đồng thời đưa ra thời gian biểu thực hiện cam kết và đồng ý cơ chế kiểm tra giám sát của Mỹ. Chỉ có đưa ra những nhượng bộ như thế, Trung Quốc mới được Mỹ kéo dài thời gian “ngừng bắn” cho đến khi xác định Trung Quốc đã thực hiện những điều cam kết.
Tuy nhiên, đây chỉ là dự báo lạc quan nhất từ phía Mỹ. Cũng có ý kiến cho rằng, vị thế của ông Lưu Hạc không thể quyết định được những vấn đề lớn, vì vậy có lẽ sẽ chỉ dừng ở việc bày tỏ lập trường và thăm dò lẫn nhau mà thôi....Nhưng việc ông Lưu Hạc đến Washington trước 2 ngày khiến người ta nghĩ đến có thể có những diễn biến bất ngờ trong đàm phán lần này....Chúng ta hãy chờ xem!