|
Phó Thủ tướng Lưu Hạc lần này đến Mỹ không với tư cách "đặc sứ của Chủ tịch Tập Cận Bình" được cho là ảnh hưởng đến kết quả đàm phán |
Trang tin Đa Chiều sáng 10.5 (giờ Hà Nội) dẫn nguồn Reuters cho biết, cuộc đàm phán ngày 9.5 (theo giờ Washington) giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Thương mại Steven Mnuchin chỉ kéo dài 90 phút; hai bên sẽ gặp lại nhau vào ngày 10.5.
Cùng thời gian đó, nhà báo Mỹ nổi tiếng Edward Lawrence, người từng đoạt giải Emmy Award đã viết trên trang Twitter: theo một nhân sĩ giới thương mại, ông Lưu Hạc khi gặp gỡ hai ông Robert Lighthizer và Steven Mnuchin đã nói: vấn đề này (thỏa thuận mậu dịch Mỹ - Trung) hiện phải do Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình giải quyết! Edward Lawrence cũng viết, hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình sẽ gọi điện thoại cho nhau.
Ngay trước khi diễn ra vòng đàm phán thứ 11, phía Mỹ đã đột ngột tuyên bố áp mức thuế trừng phạt đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% kể từ ngày 10.5. Trước quyết định của Mỹ, phía Trung Quốc cũng bày tỏ sẽ có biện pháp đáp trả tương ứng nhưng không nói họ sẽ làm như thế nào; dự kiến từ ngày 10.5, cuộc chiến mậu dịch kiểu “ăn miếng trả miếng” giữa hai bên sẽ leo lên nấc thang mới.
|
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đón ông Lưu Hạc
|
Hôm 9.5, khi tới Washington, ông Lưu Hạc đã nói với giới phóng viên báo chí: “Tôi đến đây với thành ý, hy vọng trao đổi ý kiến với phía Mỹ một cách lý tính và thẳng thắn trong tình thế đặc biệt lúc này. Trung Quốc cho rằng, tăng thuế không phải là cách giải quyết vấn đề, không có lợi cho hai bên Trung - Mỹ và cũng không có lợi cho toàn thế giới”. Ông nói thêm: “Tôi tới đây với nhiều áp lực chính là thể hiện thành ý lớn nhất của Trung Quốc, với mong muốn thẳng thắn, tự tin và lý tính giải quyết một số bất đồng hoặc mâu thuẫn giữa hai bên. Tôi cho rằng vẫn có hy vọng”.
Lưu Hạc nói, trước hết, tăng thuế đối với cả hai bên đều không có lợi. Hiện nay kinh tế Trung Quốc và kinh tế Mỹ về một ý nghĩa nào đó là một chuỗi hoàn chỉnh, mọi người đều sẽ bị tổn hại. Hai bên xuất hiện một số vấn đề trong đàm phán, không nên gây hại cho những người vô tội, lợi ích của đông đảo dân chúng sẽ bị tổn thất.
Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump hôm 9.5 đã tái phê phán hành vi của Trung Quốc muốn đàm phán lại các thỏa thuận đã đạt được. Ông Trump nói: “Chúng ta vốn đã sắp đạt được một hiệp nghị, sau đó họ lại bắt đầu muốn đàm phán lại từ đầu”. Donald Trump cũng truyền đi một tín hiệu tích cực khi tiết lộ, tối 8.5 ông đã nhận được từ ông Tập Cận Bình “một bức thư rất hay”. Donald Trump nói, ông có thể sẽ điện đàm với Tập Cận Bình, nhưng ông cũng cho biết các quan chức Mỹ đã bắt đầu làm thủ tục để gia tăng mức thuế trừng phạt đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ theo đúng kế hoạch. Ông Trump nói, ông Tập Cận Bình đã bày tỏ nguyện vọng muốn đạt được một hiệp nghị và tiết lộ: ông Tập viết trong thư “chúng ta hãy cùng nỗ lực, làm một số việc”.
|
Donald Trump nói, ông có thể sẽ điện đàm với Tập Cận Bình, nhưng cũng cho biết các quan chức Mỹ đã bắt đầu làm thủ tục để gia tăng mức thuế trừng phạt đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc
|
Ông Trump nói, hai nước có thể đạt được một hiệp nghị trong tuần này. Ông nói: “Có thể làm được. Họ đều ở cả đây. Phó Thủ tướng (Lưu Hạc) là một trong số những người Trung Quốc đáng kính nhất, một trong số các quan chức cấp cao nhất, ông ấy đã tới đây”.
Tuy nhiên, điều khiến mọi người chú ý là lần này ông Lưu Hạc tới Mỹ không với tư cách “đặc sứ của Chủ tịch Tập Cận Bình”; điều đó có nghĩa là quyền quyết định của ông đã bị thu hẹp. Bản tin chính thức của Tân Hoa xã khi đưa về việc ông tới Washington chỉ viết: “Lưu Hạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc Vụ viện, người dẫn đầu phía Trung Quốc trong cuộc Đối thoại kinh tế toàn diện Trung - Mỹ hôm 9.5 đã tới Washington, sẽ tiến hành vòng đàm phán kinh tế mậu dịch cấp cao lần thứ 11 với phía Mỹ”.
Đài CNBC của Mỹ nhận xét, khác với mấy lần trước, lần này ông Lưu Hạc tới Mỹ không với tư cách “đặc sứ của Chủ tịch nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình”; điều đó có nghĩa là quyền quyết định của ông đã bị thu hẹp, việc quyết định những vấn đề mang tính quyết định trong đàm phán phải do cấp cao hơn ông thực hiện; cũng tức là lần này Lưu Hạc đến Mỹ chỉ là truyền đạt chỉ lệnh của ông Tập Cận Bình chứ không có quyền quyết định.
|
Giới quan sát cho rằng việc giải quyết mọi vấn đề về mậu dịch Mỹ - Trung giờ đây phụ thuộc vào hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình
|
Giới quan sát cho rằng, người Trung Quốc có lẽ đã chuẩn bị sẵn cho việc cuộc đàm phán bị đổ vỡ và cuộc chiến mậu dịch leo thang. Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd nói với CNBC: khi dự đoán về kết quả chuyến đi Mỹ lần này của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, có hai chi tiết không thể bỏ qua: một là quy mô của đoàn đại biểu đàm phán Trung Quốc; hai là tư cách tới Mỹ của ông Lưu Hạc.
Ông K.Rudd nói, quy mô đoàn Trung Quốc tới Mỹ nhỏ hơn nhiều so với kế hoạch cũ và ông Lưu Hạc tới không với tư cách “đặc sứ của Chủ tịch Tập Cận Bình”.
Bản tin mới nhất của Đa Chiều cho biết, sau khi kết thúc ngày đàm phán đầu tiên, ông Lưu Hạc và các ông Robert Lighthizer, Steven Mnuchin đã cùng ăn tối tại Metropolitan Club. Khi ra khỏi nơi này, ông Lưu Hạc cười tươi nhưng từ chối trả lời mọi câu hỏi về tiến triển của cuộc đàm phán. Trong khi đó, nữ phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders thông báo, sau khi hội đàm ông Lưu Hạc đã dùng bữa tối với Robert Lighthizer và các quan chức đoàn Mỹ; Tổng thống Donald Trump sẽ không gặp ông Lưu Hạc trong ngày 9.5.