“Trong tôi 80% là người Việt Nam”
Nếu ai đã gặp Ha Chan Ho, cố vấn của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam, đều sẽ nhớ mãi nụ cười thân thiện và gần gũi của ông.
"Trong tôi có 80% là người Việt Nam, không phải là 50%", ông nhấn mạnh điều ấy trong một buổi tiệc thân mật với một số nhà báo vào cuối năm 2014. Thỉnh thoảng, ông hóm hỉnh nói chuyện bằng vài câu bằng tiếng Việt rất chuẩn.
Ấn tượng nhất là cuối buổi tiệc, ông Ha mỉm cười nói với PV. VietNamNet: "Tôi muốn mời bạn một buổi nói chuyện riêng nữa, vì tôi chắc rằng, bạn có nhiều điều băn khoăn muốn hỏi về Samsung". Một ánh nhìn rất sâu, như thể ông đã đọc được những nghi ngại nào đó của người viết bài về tập đoàn của ông.
Sự cởi mở dễ chịu đó quả là khác biệt tới hình ảnh thường thấy ở nhiều vị chính khách ở Việt Nam, kể cả là đại diện của nhiều doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn thường rất thận trọng khi báo chí tiếp cận thông tin.
Hai năm trước, ông Ha Chan Ho là đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam. Tháng 5/2013, khi kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh đã trao tặng bằng khen cho ông vì những đóng góp lớn lao trong việc thúc đẩy toàn diện quan hệ hai nước Việt - Hàn, cả về chính trị, văn hoá lẫn kinh tế.
Nhưng duyên nợ với Việt Nam khó dứt. Chỉ ít lâu sau, nhà ngoại giao ấy đã quay trở lại Hà Nội trong vai trò là cố vấn chiến lược của tập đoàn Samsung - doanh nghiệp FDI hiện có số vốn đầu tư vào Việt Nam lớn nhất hiện nay, tới gần 12 tỷ USD.
Ông tâm tư: "Nhiều người vẫn nghĩ Samsung không muốn kết nối với doanh nghiệp Việt Nam. Thực sự, nếu có những nhà cung cấp linh kiện cho Việt Nam thì sẽ rất tốt cho Samsung. Nhưng công nghiệp phụ trợ không phải là lĩnh vực dễ dàng như chúng ta vẫn nghĩ".
"Ở giai đoạn hiện nay, nếu doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn trở thành nhà cung cấp cấp một trực tiếp cho Samsung, họ hoàn toàn có thể khởi đầu là nhà cung cấp thứ cấp", ông nói.
Nói là làm. Những ngày giáp Tết Ất Mùi, Samsung đã mời hơn 24 nhà cung cấp linh kiện của Việt Nam đến tham quan tìm hiểu các nhà máy cung cấp lớp 1, lớp 2 của mình. Cuộc gặp gỡ này chắc chắn sẽ là điểm khởi đầu quan trọng cho những cú bắt tay bền chặt về sau giữa Samsung và doanh nghiệp Việt.
Cũng như ông Ha Chan Ho, cựu đại sứ Nhật Bản, ông Norio Hattori cũng bén duyên Việt Nam như là điều tất yếu.
Khi kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam vào năm 2007, ông Norio Hattori đã "nhắn nhủ" rằng: Ông sẽ trở lại Việt Nam trong vòng 3 năm sau đó.
Quả nhiên, đó không phải là lời hẹn suông.
Ông đã luôn quay trở lại Việt Nam trong nhiều vai trò, mà nổi bật là cố vấn cho UBND TP. Hải Phòng trong công tác xúc tiến thu hút đầu tư vốn Nhật vào Hải Phòng, kể từ năm 2011.
Gần đây nhất, tháng 6/2014, ông đến Việt Nam với tư cách là cố vấn của Công ty TNHH Hattori và Cộng sự, chủ đầu tư của dự án thành lập “Bệnh viện Mắt Quốc tế Nhật Bản” tại Hà Nội vừa được cấp phép khi đó.
Không hoành tráng tỷ USD như Samsung, dự án FDI này chỉ có tổng vốn đầu tư là 3 triệu USD, nhưng sẽ là bệnh viện cung cấp dịch vụ nhãn khoa công nghệ cao nhất hiện nay. Ông Norio Hattori kỳ vọng sẽ sớm giới thiệu tới Việt Nam một dịch vụ khám chữa bệnh về mắt theo tiêu chuẩn của người Nhật.
Còn nhớ, sau 5 năm làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền ở Việt Nam, ông nói, đây là quê hương thứ hai của ông. Sống ở Việt Nam rất dễ chịu và bất cứ người Nhật nào đến đây cũng sẽ thích Việt Nam.
Bắc cầu tri thức
Trước nữa, Việt Nam cũng đã chứng kiến những cuộc quay trở lại của hai ngài đại sứ trên cương vị là cố vấn chiến lược ở lĩnh vực đầu tư giáo dục.
Một là ông Mỹ Michael W. Michalak, cựu đại sứ Mỹ, hiện là thành viên Hội đồng sáng lập và cố vấn của Đại học Tân Tạo (Tập đoàn Tân Tạo), một là ông Michael Mann, cựu đại sứ Australia, cố vấn cho Đại học quốc tế RMIT.
Trong một cuộc chia sẻ hồi tháng 5/2014 tại trường Đại học Tân Tạo, ông Michael W. Michalak tiết lộ: "Khi được phê chuẩn là Đại sứ của Mỹ, tôi đã nói với các thượng nghị sĩ rằng, sẽ tăng gấp đôi số lượng du học sinh Việt Nam sang Mỹ".
Đúng như lời hứa ấy, khi kết thúc nhiệm kỳ ở Việt Nam năm 2011, Việt Nam đã từ thứ 13 tăng lên thứ 8 trong bảng xếp hạng các nước có du học sinh vào Mỹ. Cũng ngay khi nghỉ hưu đó, ông đã trở thành cố vấn cho Ban điều hành của Đại học Tân Tạo, ngôi trường mà ông nói rằng, điểm khởi đầu giống như Đại học Oakland ngày xưa của ông.
Thực ra, Michael W. Michalak là một cái tên khá thân thuộc với giới sinh viên Việt Nam, nhờ những bài nói chuyện sâu sắc của ông về giáo dục và khởi nghiệp. Điều thú vị nhất là ông tốt nghiệp về ngành vật lý, về tên lửa nhưng khi đi làm, ông lại thi để trở thành một nhà ngoại giao. Đến khi về hưu, người ta thấy ông là hình ảnh một người thầy hướng nghiệp thân thiện trên giảng đường.
Còn với ông Michael Mann, cựu đại sứ Australia, chắc hẳn những sinh viên của trường Đại học quốc tế RMIT ngày nay sẽ không thể nào quên. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ ở Việt Nam năm 2002, ông vẫn tiếp tục gắn bó với Việt Nam tới năm 2008 trong cương vị Tổng Giám đốc Trường RMIT.
Thời kỳ đầu thành lập trường, đã có không ít những khó khăn trở ngại bởi lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam cách đây 15 năm chưa hề cởi mở với vốn ngoại. Việc một trường đại học 100% vốn FDI mở ở TP.HCM quá mới mẻ và hành lang pháp lý khi đó như là con số 0 tròn trĩnh. Tuy nhiên, với tâm huyết và tầm nhìn xa trông rộng, ngài cựu đại sứ Michael Mann đã đặt nền móng đầu tiên cho ngôi trường này hát triển vững chắc như ngày nay, với hơn 6.000 sinh viên và là một chi nhánh quan trọng ở châu Á trong chiến lược xuất khẩu giáo dục của Australia.
Không chỉ cựu đại sứ về hưu, các cựu nguyên thủ quốc gia cũng đã đến Việt Nam không phải với tư cách là chính trị gia cấp cao, mà là cố vấn chiến lược cho các Tập đoàn kinh tế lớn.
Năm 2006-2008, cựu thủ tướng Đức Schroeder đã đến Việt Nam trong vai trò cố vấn cho tập đoàn truyền thông nổi tiếng nhất Thuỵ Sĩ Ringer AG, vốn đã hiện diện 15 năm ở Việt Nam.
Cả hai lần đến Việt Nam, vị cựu nguyên thủ quốc gia này đều tham gia bàn tròn trực tuyến với VietNamNet để chia sẻ về kinh tế truyền thông.
Năm ngoái, Việt Nam thu hút được hơn 20 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, trong đó, chắc chắn có công sức không nhỏ của những vị cựu đại sứ. Những nhà ngoại giao ấy luôn coi Việt Nam là quê hương thứ hai. Họ thực sự đã góp phần bắc cầu cho Việt Nam ngày càng kết nối sâu rộng với thế giới.
Theo VNN