Đài Loan sắp mất một đồng minh lâu năm về tay Trung Quốc?

VietTimes – Trong lúc Honduras chuẩn bị tổ chức kỳ bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới, Đài Loan là bên theo dõi sát sao nhất, bởi nó có thể khiến họ mất đi một đồng minh lâu năm.
Xiomara Castro, ứng viên Tổng thống tiềm năng có tư tưởng thân Trung Quốc của Honduras (Ảnh: Reuters)

Đài Bắc có lý do để quan ngại về kỳ bầu cử sắp diễn ra ở Honduras. Một ứng viên Tổng thống đầy tiềm năng đến từ đảng đối lập ở nước này, Xiomara Castro, đã tuyên bố sẽ tìm cách thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc đại lục nếu bà đắc cử.

Bà Castro là phu nhân của Tổng thống từng bị phế truất của Honduras, Manuel Zelaya, lãnh đạo của đảng cánh tả Tự do và Tái thiết (Libre). Phát biểu trước các phóng viên tại Tegucigalpa hôm cuối tuần trước, bà hứa hẹn sẽ “lập tức thiết lập quan hệ ngoại giao và thương mại với Trung Quốc đại lục” nếu giành chiến thắng.

Honduras nằm trong số chỉ 15 quốc gia duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với đảo tự trị Đài Loan – mà Bắc Kinh tuyên bố là một phần lãnh thổ chờ được tái thống nhất của họ, bằng vũ lực nếu cần thiết.

Bà Castro cũng cam kết sẽ tìm cách kiểm toán quốc tế đối với các khoản nợ cả trong và ngoài nước để điều chỉnh các khoản vay quốc gia, nhưng không nêu chi tiết về các bước đi cụ thể mà bà có thể áp dụng để cứu rỗi đất nước Trung Mỹ đang ngập trong nợ nần này. Nợ công của Honduras tính đến cuối năm 2020 đã lên tới hơn 13 tỉ USD, tương đương 55% GDP, trong đó 8,45 tỉ USD là nợ nước ngoài.

Nếu bà Castro đắc cử trong tháng 11 tới, điều đó đồng nghĩa với việc kết thúc 80 năm quan hệ ngoại giao chính thức giữa Đài Bắc và Tegucigalpa; các nhà quan sát cho hay.

“Bắc Kinh sẽ không từ bỏ cơ hội giành được Honduras, đặc biệt là sau khi Đài Bắc mới đây đạt được bước đột phá ngoại giao khi đạt thỏa thuận với Lithuania về mở một văn phòng đại diện sử dụng tên Đài Loan” – Yen Chen-shen, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Quan hệ Quốc tế, ĐH Chengchi, ở Đài Bắc, nhận định.

Tháng 7 vừa qua, Đài Bắc tuyên bố rằng Lithuania đã đồng ý cho phép họ mở cửa cái được xem như “đại sứ quán” sử dụng tên “Đài Loan”, và trở thành quốc gia duy nhất có quan hệ chính thức với Bắc Kinh làm như vậy.

Chính quyền Bắc Kinh sau đó phản ứng bằng cách triệu hồi Đại sứ của họ ở Vilnius về nước và yêu cầu Lithuania có hành động tương tự, cùng lúc áp nhiều lệnh trừng phạt đối với một số doanh nghiệp ở quốc gia Baltic này. Về phần mình, Ngoại trưởng Lithuania, Gabriel Landsbergis, kêu gọi các nước châu Âu giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Bắc Kinh cũng chỉ trích Đài Loan là câu kết với “thế lực bên ngoài” để tìm kiếm sự độc lập, cho rằng động thái trên đã thách thức sự quyết tâm trong việc giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

Vaccine COVID-19 trở thành công cụ chính trị

Yen nói rằng, mặc dù không có bằng chứng Bắc Kinh gây ảnh hưởng tới kỳ bầu cử ở Honduras, nhưng ai cũng hiểu rằng họ đang sử dụng vaccine ngừa COVID-19 như một công cụ chính trị để gây sức ép với các đồng minh của Đài Loan, buộc các nước này phải chuyển phe.

Trong một bài phát biểu hồi tháng 5 trên truyền hình, Tổng thống Honduras Juan Orlando Hernandez từng nói chính phủ của ông sẵn sàng “làm mọi thứ cần thiết để giúp đỡ người dân” chiến đấu chống đại dịch COVID-19. Chính phủ của ông sẽ mở một văn phòng thương mại ở Trung Quốc đại lục nếu cần thiết, “bởi nó mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân Honduras”, ông Hernandez nói.

Lên tiếng thể hiện sự bất bình trước việc nhiều nước giàu “tích trữ” vaccine COVID-19, ông Hernandez nói ông sẵn sàng làm như Bắc Kinh đề nghị và hướng tới một “cầu nối ngoại giao” để mua vaccine Trung Quốc.

Yen cho rằng, đòn “tấn công” bằng vaccine của Trung Quốc có hiệu quả khi áp dụng với các nước như Honduras và Guatemala, những nước có quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Những nước này đã tìm cách nhập vaccine của Trung Quốc thông qua các nước láng giềng ở Mỹ Latin có quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc đại lục.

Đối mặt với tình trạng khan hiếm vaccine, Honduras đã cố gắng mua vaccine Trung Quốc thông qua một đồng minh cũ của Đài Bắc là El Salvador – nước đã chuyển phe sang Trung Quốc từ năm 2018.

“Mỹ được cho là đã nhập cuộc để giúp giải quyết vấn đề về vaccine, nhưng Bắc Kinh chắc chắn không ngừng hành động của họ và sẽ làm mọi thứ có thể để tiếp tục thúc ép Honduras và các đồng minh của Đài Loan ở Mỹ Latin, trong đó có Guatemala và Haiti” – Yen cho hay, thêm rằng Đài Bắc cũng đang lên kế hoạch để đáp trả các động thái của Bắc Kinh.

Mỹ Latin từ lâu được xem là “chiến trường” ngoại giao giữa hai bên của eo biển Đài Loan, kể từ khi họ chia tách vào năm 1949 sau một cuộc nội chiến.

Kể từ khi bà Thái Anh Văn trở thành lãnh đạo của Đài Loan vào năm 2016, Bắc Kinh đã lôi kéo được 7 đồng minh của Đài Loan về phía họ, trong đó có 3 nước ở Mỹ Latin gồm Panama, El Salvador và Cộng hòa Dominic, khiến cho Đài Bắc chỉ còn 9 đồng minh trong khu vực này, trong đó có 4 ở vùng Caribbe.

Trong hôm thứ Ba vừa qua, Đài Loan nói rằng quan hệ với Tegucigalpa vẫn vững chắc, nhưng thừa nhận rằng họ đang theo dõi sát sao kỳ bầu cử Tổng thống sắp tới với sự ganh đua của 15 ứng viên, trong đó có bà Castro.